Trung úy Phương của "Nổi gió" năm nào giờ đã 79 tuổi và hiện đang sống trong 1 ngôi nhà khang trang với chiều rộng 4 mét, dài 20 mét, 4 tầng lầu ở trung tâm Thành phố Sài Gòn.
Ngôi nhà này ông mua từ năm 1977 với cái giá 100 cây vàng. Nhiều người sau này vẫn nghĩ, cơ ngơi ấy của Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh (NSND) là do đóng phim mà có.
Ông thì nói, mua được căn nhà này nhờ bố cho tiền, còn cái nghề của ông "có tiếng mà không có miếng"!
Cuộc phỏng vấn giữa người viết và NSND Thế Anh diễn ra nhẹ nhàng ở phòng khách của gia đình ông, nơi mà 3 vách tường treo kín đặc các poster phim nổi tiếng thế giới và chân dung chủ nhân ngôi nhà.
Trên bàn, dưới đất, ở các kệ tủ, bàn... chủ nhà bày nhiều tượng Phật cũ, một trong những sở thích đã nhiều năm nay của ông.
Từ phòng khách nhìn ra ngoài là con đường khá rộng đầy nắng và xe cộ qua lại liên tục nhưng chỉ cách có một cánh cửa kính, không gian đã tĩnh lại hẳn.
Tôi đến sớm hơn so với giờ hẹn 10 phút. Mở cửa cho tôi vào nhà là "người tình nửa thế kỷ" của NSND Thế Anh - vợ ông, bà Nguyễn Thu Hằng, hoa khôi một thời của trường Trưng Vương Hà Nội, solist một thời của Nhà hát kịch nói Trung ương.
Cuộc phỏng vấn bắt đầu từ chuyện 10 năm chờ một vai diễn!
NSND Thế Anh bảo sau "Dốc tình", "Xin lỗi tình yêu", "Giao thời"... thì khoảng 4 năm rồi ông không còn đóng phim nữa.
Lý do ông không đóng phim được chia sẻ rất thành thật. Người trong nghề có khi bực mình nhưng đã là sự thật thì chẳng có lý do gì để phải nói sai cả.
Ông bảo, "phim của mình đầu tư nhiều lắm là 10 tỉ, ăn bớt chừng 2 tỉ, còn 8 tỉ thì làm sao có phim hay được. Nói thật với cháu là chú chán không muốn làm phim nữa".
Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh ở tuổi 79 vẫn khá mạnh khỏe và linh hoạt.
Ông còn nói, thời của ông đã qua rồi, tiếc cũng chẳng để làm gì. Vì điện ảnh thì cần người đẹp, ông lại già và xấu, không nên đóng phim nữa. Ông không muốn vì ham đóng mà mỗi lần lên phim, khán giả nhìn ông phát sốt, phát rét.
Cái thời son sắt nhất của người diễn viên là hai mấy tuổi, còn ông đã U80. Tất nhiên, nếu có vai hay, ông vẫn sẵn sàng "giơ cả 10 tay" mà không lấy đồng bồi dưỡng nào. Ông chỉ muốn có một vai để đời trước khi sang thế giới khác.
"Cách đây chừng 10 năm chú còn mơ 1 vai sĩ quan ngụy nói tiếng Anh, tiếng Pháp... nhưng chờ mãi, giờ sắp 80 rồi thì thôi chứ còn đợi gì nữa", NSND Thế Anh nhìn các poster phim trong nhà, giọng tiếc nuối.
Ông từng được mời đóng một bộ phim rất đúng sở trường và vốn ngôn ngữ giàu có của mình. Tuy nhiên khi kịch bản phim được đưa ra Hà Nội duyệt, không được thông qua.
Đến tận bây giờ, đã 10 năm rồi, ông vẫn nghĩ giá có đoàn phim nước ngoài nào đó mời ông đóng 1 vai sĩ quan ngụy về già, cha cố đạo, thầy tu... ông "chơi" ngay!
NSND Thế Anh rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh. Ông còn có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Đức và Nga.
Nói về điều này, ông bảo tất cả đều có thể nhàm chán, trừ kiến thức. Bản thân NSND Thế Anh học trường Pháp từ nhỏ.
Bố của ông là bác sĩ rất giỏi sống và làm việc ở Pháp. Ông học tiếng Pháp để thư từ liên lạc với bố cho thuận tiện. Sau này thì tôi luyện thêm tiếng Anh.
Ngay từ thời còn trẻ, nghệ sĩ nhân dân Thế Anh đã nhiều lần đóng chung với các bạn diễn người nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp... trên sân khấu cũng như phim ảnh. Trong ảnh, Thế Anh diễn cùng một bạn diễn người Thái Lan.
"Chú già rồi, chẳng có gì hơn lớp trẻ thì phải có cái đầu, có kiến thức để người ta còn trọng mình. Ông Albert Einstein nói rồi có 2 điều vô hạn, 1 là vũ trụ và 2 là sự ngu dốt của con người. Chú chỉ cố gắng để mình không ở vế thứ 2", Thế Anh hài hước.
"Phim bây giờ lấy thân thể phụ nữ ra làm mồi câu khán giả"
Nói về điện ảnh hiện nay, đạo diễn Thế Anh bảo "tiền nào của nấy".
"Các đạo diễn bây giờ phải tính đến bài toán thu hồi vốn nên làm dễ dãi, câu chuyện giản đơn, miễn là có các ngôi sao hot, các người mẫu... Nói thật với cháu, họ lấy thân thể của phụ nữ ra để làm cò mồi câu khán giả. Hở ngực hở đùi, hở đủ thứ...
Bây giờ xem phim Việt chú phải bịt mũi. Thôi, mình không tham gia vào là hay nhất. Chú không đi xem phim rạp. Thấy phim nào hay thì chú ra tiệm băng mua đĩa về xem thôi", ông nói.
Hồi mới tốt nghiệp khóa 1 lớp Diễn viên điện ảnh Việt Nam, Thế Anh được Nhà nước cho sang Liên Xô, Đức thực tập một thời gian. Cho đến bây giờ, gần 60 năm trôi qua nhưng ông vẫn không quên câu nói của người dạy mình về diễn xuất.
Ông kể: "Chú nhớ hoài cái câu bà đầm dạy diễn xuất của Liên Xô nói: "Tôi không thích có những cái mông đít ở trên sân khấu", ý nói mấy người diễn viên diễn mà gương mặt không cảm xúc. Diễn viên mình bây giờ y chang, cậy đẹp, cái mặt đơ đơ, nói như đọc bài trên lớp.
Cái quan trọng nhất của người diễn viên là trí tuệ, kiến thức chứ không phải đẹp. Mỗi lần liên hoan phim quốc tế, ra Hà Nội dự, Tây nói chuyện với Tây, ta nói chuyện với ta. Bảo mở cửa mà thành ra đóng cửa".
Tôi hỏi, đóng phim gần 60 năm giờ ở nhà ông có buồn không? Ông trả lời ngay "Không. Rất may cho chú là nhà có tivi, có internet.
Chú thích xem phim, kênh HBO, Star Movie, Cinemax... không lúc nào hết phim, mà toàn phim mới sản xuất năm 2015, 2016. Xem phim, đọc báo là hết ngày rồi, chẳng có gì buồn cả".
Nghệ sĩ Thế Anh vào vai trung úy Phương trong "Nổi gió" năm 1966.
Tôi bảo, người đọc sẽ khó hình dung trọn vẹn được con người của ông nếu không biết về cuộc sống của ông phía sau màn ảnh với những người thân trong gia đình.
Và trung úy Phương của "Nổi gió" bắt đầu kể về những người sống quanh mình...
Vợ là hoa khôi, con là tiến sĩ
NSND Thế Anh là người Hà Nội gốc. Ông bảo nhà mình giờ ở ngay khu sân vận động Mỹ Đình thuộc làng Canh, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm.
"Mẹ chú ngày xưa đẹp lắm. Bố chú đi Tây rồi lấy bà vợ khác bên đó từ lúc chú 3 tuổi, để lại gia tài cho mẹ nuôi 3 anh em chú. Ông anh thứ hai của chú mất từ lúc còn nhỏ, nhà còn hai anh em với bà mẹ…", nghệ sĩ Thế Anh kể về gia đình của mình.
Tôi thắc mắc, khi bố lập gia đình khác rồi không về, có khi nào mẹ ông, anh em ông trách chồng, trách cha chưa?
Ông trả lời ngay "không". Lễ giáo thời phong kiến, người phụ nữ được giáo dục đã theo chồng thì sống chết thờ chồng. "Mẹ chú không đi bước nữa, cũng chẳng trách móc gì", ông nói.
Nghệ sĩ Thế Anh bảo, hồi trẻ ông cũng có một quá khứ cực nhọc phụ mẹ kiếm tiền lo miếng cơm manh áo. Nhờ học giỏi, ông đi dạy Toán cho con nhà giàu. Đó là những ngày tháng mấy mẹ con ông chưa bắt liên lạc được với bố.
Cho đến khi Thế Anh nổi tiếng trên màn ảnh, bố con mới tìm thấy nhau, nhờ thế mà kinh tế trong nhà mới bớt chật vật.
Mẹ và 3 anh em nghệ sĩ Thế Anh (giữa) lúc nhỏ.
Nói về đường tình duyên, nghệ sĩ Thế Anh bảo ngày xưa ông rất đẹp trai lại nổi tiếng nên có nhiều người "đến xin chết".
Sau khi trải qua vài mối tình với vài giai nhân trường Điện ảnh, ông gặp và yêu cô hoa khôi trường Trưng Vương (trường nữ sinh nổi tiếng Hà Nội) tên Nguyễn Thu Hằng - năm ấy bà mới 16 tuổi, còn ông 23.
Sau này hai người cùng có thời gian công tác tại Nhá hát Kịch nói Trung ương.
Đóng xong "Nổi gió" năm 1966, ông hỏi cưới bà. Nhưng mãi tới năm 1972, người con trai đầu lòng mới chào đời. Ông vừa cười vừa kể: "Hồi đó, nhiều người nói chú bị tịt ngòi, không có khả năng sinh con. Người nổi tiếng hay bị soi mà, chú làm luôn 2 thằng, chả ai nói gì nữa".
Tếu táo nên ông nói thế. Thực tình ngày đó ông bà có con trễ vì ông cứ đi phim miết. Mỗi phim chừng 6 tháng, 1 năm 2 phim. Ngày đó đâu có điện thoại cầm tay hay phương tiện đi lại dễ dàng như taxi bây giờ để mỗi lần nhớ vợ thì tranh thủ "trốn" về.
Cứ đi phim nào là ông như bị "bắt cóc" luôn, đến khi xong phim mới lại thấy ông "dẫn xác" về. Ngày ấy đến cả đi di tản, ông cũng toàn đi bộ, đi xe đạp hàng trăm cây số. Giờ ngồi nghĩ lại, ông cũng không thể tưởng tượng sao ngày ấy mình có thể làm được như thế.
Thế nên mang tiếng là vợ chồng nhưng hai người cứ như còn tân cả!
Phải mất tới 4 năm sau ngày cưới, tức là năm 1972 người con trai đầu lòng của ông mới chào đời, ông đặt tên con là Nguyễn Thế Phương (tên nhật vật Trung úy Phương ông đóng trong "Nổi gió").
Người con thứ hai Nguyễn Thế Duy sinh năm 1978 tại Sài Gòn. Ông bảo đó là tên nhân vật Ba Duy trong phim "Mối tình đầu", một trong những bộ phim ghi dấu ấn của ông trong nghề.
NSND Thế Anh hài hước bảo: "Hai thằng con trai chú, thằng lớn làm ở Hàng không Việt Nam. Thằng thứ hai làm bên Pháp là tiến sĩ kinh tế tài chính lấy vợ và ở bên đó. Thằng thứ ba là Nguyễn Thế Thôi, chứ không thể Nguyễn Thế Nữa được". Nói rồi ông cười.
Vợ chồng NSND Thế Anh cùng người con trai thứ hai và cháu nội.
Tôi hỏi, tại sao hai người con trai ông không ai theo nghề của cha? Ông nói: "Là vì chú cấm tiệt. Cái nghề này có tiếng mà không có miếng. Làm một bộ phim 3 tháng mà catse có 30, 40 triệu thì ăn cái gì, uống cái gì.
Mà đâu có được cầm trọn về, phải dúi 10 triệu cho đạo diễn để lần sau có phim còn được kêu. Không thì cứ ngồi ở nhà mà chơi.
Chú là diễn viên nổi tiếng như thế mà nói thật với cháu nếu không được ông bố giúp đỡ thì bây giờ chắc chú cũng đang bơm xe ở đầu phố.
Sở dĩ chú có được cái nhà này là ông bố chú cho tiền mua, ngang 4 thước, dài 20 thước, 4 tầng lầu ngót nghét mười mấy tỉ. Làm phim thì bao giờ đủ tiền mà mua được nhà này. Lương hưu của chú, nghệ sĩ nhân dân mà có hơn 4 triệu".
Trước khi tạm biệt ông ra về, NSND Thế Anh nói: "Chốt lại là mọi chuyện ở đời đều phải do mình tự lực, quan trọng nhất là kiến thức, đừng để mình ở cái vế vô hạn thứ hai như ông Albert Einstein nói là được".
"Nổi gió" được sản xuất cách đây vừa tròn 50 năm (1966-2016). "Nổi gió" là bộ phim đầu tiên làm về đề tài chiến tranh Việt Nam và giành giải Bông Sen Vàng ở hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên năm 1970.
Nhưng có một chuyện không phải ai cũng biết, khi "Nổi gió" quay được hơn 400 phút thì phải ngừng lại để tuyển diễn viên vì diễn chưa đạt.
NSND Thế Anh khi ấy còn là chàng diễn viên ở Nhà hát Kịch nói Trung ương - người thứ 13 thử vai và được đạo diễn Huy Thành chọn cho vai Trung úy Phương.
Đây cũng là một trong những vai diễn để đời của NSND Thế Anh trong sự nghiệp gần 70 bộ phim ông tham gia.
Và một điều thú vị khác là 5/7 diễn viên chính của "Nổi gió" sau này đều là những nghệ sĩ nổi tiếng và góp mặt trong nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.
NSƯT Tố Uyên nổi tiếng với "Con chim Vành khuyên"; NSNS Lâm Tới làm rạng danh điện ảnh cách mạng với "Cánh đồng hoang"; "Vĩ tuyến 17"; NSƯT Anh Thái để nhớ với phim "Chị Dậu", "Chủ tịch tỉnh"; NSƯT Thanh Loan vai ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn"...
Sau 50 năm "Nổi gió" sản xuất, dàn diễn viên năm nào mỗi người một nơi, ai cũng có cuộc sống và số phận riêng của mình.