Gặp gỡ người con trai út của gia tộc 6 đời làm nghệ thuật

Nguyễn Hương |

Trong cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Thanh Sơn, mỗi lần nhắc đến dòng họ làm nghệ thuật lâu đời của mình, giọng nói anh lại không giấu được sự tự hào.

Tôi gặp nghệ sĩ Thanh Sơn lần đầu tại một quán cafe trên đường Trương Định, Q.3, TP. HCM. Lần đó, chúng tôi nói chuyện không nhiều vì anh chuẩn bị qua trường quay game show Cười xuyên Việt để làm cố vấn vũ đạo cho chương trình.

Cái hẹn sau đó là ở nơi anh tập tuồng cho một đám học trò chuẩn bị đi hát từ thiện tại chùa Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa, Đồng Nai).

Anh cười: "Anh hẹn học trò anh lúc 10 giờ, hẹn em 9h, anh ăn gian tụi nó được 1 tiếng để nói chuyện với em...".

"Cọp chết để da, người chết để tiếng"

Nghệ sĩ Thanh Sơn sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Anh theo nghề của cha mẹ, dòng tộc từ năm 7, 8 tuổi. Ban đầu, anh cũng phải làm quân lượm tiền, cầm cờ chạy hiệu, bắt ngựa, dọn lớp... rồi học cả đánh trống, làm đèn, chỉnh âm thanh, đạo cụ, hậu đài.

Nghệ sĩ Thanh Sơn nhớ lại: "Ba nói muốn giỏi nghề thì tất cả những thứ đó phải biết hết để sau này không ai làm khó mình".

Mãi tới năm anh 14 tuổi mới được cha giao cho vai diễn đầu tiên, mà giao trong tình huống rất ngộ.

Có hai cậu diễn diễn viên trong đoàn làm khó ông chủ đoàn Minh Tơ nên về miền Tây diễn, không có ai đóng Quang Bình - Châu Xương trong vở "Quan Công đại chiến Bàng Đức". Vậy là Thanh Sơn và Bạch Long được cho thế vai.

Vai diễn thứ hai của anh cũng lại là một vai đóng thế - Tào Tháo. Chỉ trong 3 ngày nhưng Thanh Sơn đã thuộc tuồng và diễn trọn vẹn vai này trước sự ngỡ ngàng của hai người thầy khó tính là cha và anh trai (NSND Thanh Tòng).

Gặp gỡ người con trai út của gia tộc 6 đời làm nghệ thuật - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thanh Sơn trên sân khấu - ảnh do nhân vật cung cấp.

Thanh Sơn lớn lên trong cái nôi nghệ thuật của gia đình nên nghề truyền nghề, đời truyền đời là lẽ đương nhiên.

Thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau, không chỉ làm nghề mà còn làm người, từ cái khoanh tay cúi đầu chào khi gặp người lớn đến chuyện kính trên nhường dưới, khiêm nhường học hỏi anh em đồng nghiệp.

Những năm 90, đoàn tuồng cổ Khánh Hồng – Minh Tơ tan rã, Thanh Sơn vừa cho thuê âm thanh ánh sáng, vừa đi diễn cho Ban Ái Hữu, đoàn Bé 2 Bầu Quới, đoàn Huỳnh Long, Kim Hương, Trần Hữu Trang...

Anh có một số vai diễn hay được nhiều người trong nghề nể trọng như Hồng Xích Nguyên (vở Bão táp nguyên phong), Triệu Văn (vở Tô Hiến Thành xử án), tướng giặc trong Biến nước Ngũ bồ... nhưng anh không phải là một nghệ sĩ nổi tiếng với công chúng.

Anh bảo hồi xưa anh có đóng phim nhưng giờ gác kiếm rồi. Anh rất có duyên với những vai ác như tướng Sầm Hưng trong "Phạm Công Cúc Hoa", phim này anh đóng khi mới 25 tuổi. Sau này anh còn tham gia phim "Lửa cháy thành Đại La", "Người đàn bà săn đuổi"...

Diễn sân khấu có, đóng phim có nhưng biệt tài của Thanh Sơn là dàn dựng các lớp diễn vở diễn sử dụng nhiều vũ đạo.

Nhờ khả năng này mà hồi đoàn Minh Tơ còn hoạt động, anh được cha nâng lương từ 8.000 đồng lên 13.000 đồng/tháng sau khi dựng lớp diễn Hồng Xích Nguyên múa roi dây trong vở Bão táp nguyên phong.

Biết được khả năng vũ đạo của Thanh Sơn, năm 2006, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, chủ nhiệm khoa Kịch hát dân tộc mời anh về giảng dạy tại trường Sân khấu điện ảnh TP. HCM.

"Hồi đó vô trường sân khấu rất khó vì các thầy cô không thích bộ môn này nhưng khi thấy anh làm việc, họ ok.

Lúc anh dạy, thầy Xuân Hiểu ra bắt tay anh và nói, "không ngờ Thanh Sơn còn giữ được truyền thống hát bội như thế", bởi vì hát bội bây giờ lai hết trơn", nghệ sĩ Thanh Sơn kể.

Ngoài công việc giảng dạy, anh còn làm cố vấn vũ đạo cho các game show "Tài tử tranh tài", "Cười xuyên Việt"... dạy vũ đạo cho các nghệ sĩ và cộng tác với nhiều sân khấu.

Chia sẻ về thu nhập của mình, nghệ sĩ Thanh Sơn bảo: "Nói thật với em là nhờ ba mẹ vợ anh để lại cho cái nhà, anh cho thuê tầng trệt mới có tiền cho mấy đứa con ăn học.

Còn thu nhập của anh thì lay lất nữa, nghệ sĩ rày đây mai đó, khổ lắm. Vì anh yêu nghề nên mới làm, truyền nghề vì sợ bị mai một.

Có nhiều nghệ sĩ mời anh hướng dẫn vũ đạo để tham gia chương trình này chương trình kia, xong cũng có trả đồng xu nào uống trà đá đâu. Nghệ sĩ nổi tiếng luôn đó em.

Anh nghĩ buồn, thà gom mấy đứa đệ tử lại dạy cho chúng nó hết tất cả những gì mình biết để chúng nó có nghề kiếm cơm mà sống có tình có nghĩa còn hơn".

Gặp gỡ người con trai út của gia tộc 6 đời làm nghệ thuật - Ảnh 2.

Một trong những lớp diễn do nghệ sĩ Thanh Sơn dàn dựng trong vở "Nỏ thần" của sân khấu kịch Hồng Vân.

Nghệ sĩ Thanh Sơn là người dàn dựng vũ đạo lớp diễn Ngũ Hổ tướng trong vở "Nỏ thần" của sân khấu kịch Hồng Vân khi tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010, lớp diễn được người trong nghề hết lời khen ngợi. Vở diễn này đạt huy chương vàng tại liên hoan năm đó.

Khi dựng vũ đạo cho "Nỏ thần", có một kỷ niệm mà nghệ sĩ Thanh Sơn cứ tủm tỉm cười mãi mỗi khi nhớ lại.

Lần ấy, anh dựng từ 8h sáng đến 4h chiều. Nghệ sĩ Tuấn Anh, chồng danh hài Hồng Vân ngồi tuốt ở ghế cuối rạp Kim Châu theo dõi.

Cuối ngày, Tuấn Anh cầm ly cà phê mời nghệ sĩ Thanh Sơn bằng hai tay. Hỏi ra mới biết, Tuấn Anh rất mê màn Thanh Sơn ráp 4 mã tấu thành cây nỏ đánh công thành.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, rất nhiều lần nghệ sĩ Thanh Sơn bị người ta "chối bỏ" công sức. Họ mời anh làm rồi chẳng thèm nhắc đến tên anh. Có lần anh dàn dựng vũ đạo cho tiết mục biểu diễn 3 phút của chương trình Chuông vàng vọng cổ nhưng khi lên sóng, họ không ghi tên nhóm anh.

Hồi xưa anh không quan trọng chuyện đó nhưng sau này anh nghĩ "cọp chết để da, người chết để tiếng", vậy là khi tham gia bất cứ chương trình nào, anh yêu cầu được để tên, anh mới làm.

Đó không chỉ là sự tôn trọng anh mà còn là sự tôn trọng với nghề nghiệp với tổ tiên, gia tộc anh trong nghệ thuật.

Gia tộc 6 đời làm nghề hát

Theo lời kể của nghệ sĩ Thanh Sơn, bà cố anh tên Xuân là một đào hát bội hay nhất trong ban hát bội nổi tiếng nhất nhì ở Sài Gòn – Gia Định đầu thế kỷ 20. Chồng bà Xuân cũng là một kép hát bội tên Vĩnh nổi tiếng thời bấy giờ.

Con trai lớn của ông bà Xuân – Vĩnh là Hai Thắng (bầu Thắng). Theo cha mẹ đi hát từ nhỏ, ông Hai Thắng nổi danh từ khi còn rất trẻ – 14 tuổi.

20 tuổi, Hai Thắng đã nổi danh khắp lục tỉnh (6 tỉnh miền Nam ngày đó) là kép giỏi. Vợ của ông Hai Thắng, bà Nguyễn Thị Ngọc vốn là một người hâm mộ ông.

Gặp gỡ người con trai út của gia tộc 6 đời làm nghệ thuật - Ảnh 3.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tòng hướng dẫn cho con cháu trong gia tộc tập tuồng.

Năm 1925, ông Hai Thắng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc lập ra gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban – đặt theo tên phụ thân, phụ mẫu như một cách cảm tạ ơn đấng sinh thành và truyền nghề cho mình.

Gánh hát được đặt "trụ sở" tại đình Thái Hưng, còn gọi là đình Cầu Quan (nay là công viên 23-9, đối diện đường Yersin, q.1, TPHCM), bắt đầu sự nghiệp làm bầu lẫy lừng của một dòng họ 6 đời làm nghệ thuật.

Nghệ sĩ Thanh Sơn kể: "Về các bậc tiền bối trong dòng họ anh không rành lắm. Anh chỉ nghe ba kể là ngày ấy hàng năm đều có chương trình Nam Bắc tranh hùng, hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân - pv).

Ông nội anh có vóc dáng cao to, bặm trợn, đầu sói trọc lóc, lông tay rất dài và dày, khi vuốt ngược lên thì dựng như lông gấu. Ông nội chuyên đóng vai Châu Du nhưng lần đó miền Bắc cũng có một kép muốn đóng vai này nên ông nhường, còn mình đóng vai Trương Phi.

Màn đó đánh 3 hồi Châu Du phải hộc máu nhưng ông nội anh có thần quá Châu Du hộc không được. Ông nội anh có cái giọng khủng khiếp lắm, đóng mấy vai quan tướng mà thét một tiếng có người sảy thai".

Ông bầu Thắng có 8 người con, 5 người trong số đó theo nghiệp gia đình và đều là những tên tuổi lẫy lừng trong lĩnh vực hát bội: Khánh Hồng, Minh Tơ, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú.

Quãng những năm 1940-1945, hát bội không còn được yêu thích như trước. Sau khi bầu Thắng qua đời (1939), ba anh em Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú theo đoàn cải lương Phụng Hảo của NSND Phùng Há để học hát, mở đầu cho dòng hát bội pha cải lương ra đời.

Trải qua nhiều biến cố thời cuộc, gánh hát Vĩnh Xuân Ban lần lượt đổi sang nhiều cái tên như đoàn Bầu Thắng – Khánh Hồng, đoàn cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng – Minh Tơ, cải lương tuồng tàu Khánh Hồng - Minh Tơ và cuối cùng là đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ.

Nghệ sĩ Huỳnh Mai, vợ cố NSND Thành Tôn, mẹ của các nghệ sĩ nổi tiếng như Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lý, Bạch Lựu, Bạch Long, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc chính là em ruột nghệ nhân Minh Tơ – Khánh Hồng, cô ruột nghệ sĩ Thanh Sơn.

Nghệ sĩ Đức Phú là người viết lời hát cho các tuồng cổ mà đoàn Minh Tơ diễn.

Nhưng vì hồi đó chưa có chuyện đăng ký bản quyền, đoàn chuyên hát cải lương Hồ Quảng (tuồng tàu) lấy cốt truyện Trung Quốc như Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài nên những sáng tác của ông vẫn bị hiểu nhầm là của Kinh kịch Trung Quốc.

Nghệ sĩ Thanh Sơn chính là con trai út của nghệ nhân Minh Tơ và nghệ sĩ Bảy Sự. Nghệ sĩ Thanh Sơn kể: "Anh nghe mẹ kể là nếu không hư thai, không chết sớm thì nhà anh có 17 anh chị em. Giờ thì chỉ còn 7 người thôi.

Anh là trai út, trên còn chị Xuân Yến, anh Thanh Tòng là NSND, chị Thanh Loan, anh Minh Tâm, anh Quang Minh và chị Xuân Thu. Mẹ anh hồi đó cũng bên hát bội, bà đóng Đát Kỷ hay lắm, hơi sang sảng. Mẹ anh với nghệ nhân Năm Đồ là hai chị em ruột".

Gặp gỡ người con trai út của gia tộc 6 đời làm nghệ thuật - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Tú Sương đang hướng dẫn cho con gái, bé Hồng Quyên làm nghề.

Em trai NSND Thanh Tòng, nghệ sĩ Minh Tâm là nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc cho sân khấu tuồng cổ, ông vừa bị tai nạn giao thông gẫy dập ngón tay cách đây vài ngày.

Điều đặc biệt là từ thế hệ thứ 4 này lại kết nối với dâu rể và đào tạo ra những nghệ sĩ tên tuổi cả nước trong lĩnh vực cải lương.

Con gái NSND Thanh Tòng mới 30 tuổi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT – Quế Trân. Trinh Trinh và Tú Sương con gái nghệ sĩ Xuân Yến, Thanh Loan từng giành huy chương vàng giải Trần Hữu Trang...

Đời thứ 5 đang kế thừa truyền thống làm nghề của gia tộc chính là những nghệ sĩ như Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh... Tiếp tục đặt những viên gạch cho gia tộc mình là đời thứ 6 như Tú Quyên, Hồng Quyên trong Đồng ấu Bầu trời xanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại