Đến khu phố 8 (phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM), sau vài chỉ dẫn của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm được chú Nguyễn Hoàng Vũ – người đàn ông nổi tiếng với câu chuyện nhặt ve chai, mua gạo cho người nghèo. Sự tận tình, hết lòng vì người khác của chú Vũ khiến những người dân sống ở đây rất cảm phục.
Chú Nguyễn Hoàng Vũ – người đàn ông nổi tiếng với câu chuyện nhặt ve chai, mua gạo cho người nghèo
5 năm nhặt ve chai, mua gạo cho người nghèo
Nhắc về thời điểm đầu bén duyên với hoạt động thiện nguyện, chú Vũ tâm sự: "Năm 2012, tôi từ An Giang lên TP HCM để gả con gái. Dân nhà quê mới lên thành phố, đâu có chịu được cảnh ngồi không, thấy người ta đi tập thể dục nên tôi cũng đi theo.
Một buổi sáng đi tập thể dục, khi đến đoạn bờ sông Vàm Thuật thì tôi gặp cụ bà khoảng 80 tuổi dắt theo đứa cháu gái 11, 12 tuổi. Thấy cháu khóc lóc, tôi lại hỏi thăm thì được biết bà dắt cháu đi nhặt ve chai nhưng vì cháu lười biếng nên bị bà đánh. Lúc đó, tôi mới bảo bà đừng đánh nữa và hứa là mỗi sáng sẽ nhặt ve chai giúp bà".
Hứa là làm, mỗi buổi sáng chú Vũ đều đặn ra bờ sông nhặt ve chai. Sau hơn hai năm giúp đỡ, bà cụ cùng đứa cháu gái không còn xuất hiện nữa nhưng chú Vũ vẫn duy trì hoạt động của mình, nhặt ve chai, kiếm tiền để mua gạo tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố.
Từ việc nhặt rác giúp đỡ hai bà cháu, chú Vũ đã duy trì hoạt động ý nghĩa này được 5 năm.
Trò chuyện với chúng tôi, chú Vũ chia sẻ rằng, mỗi ngày đều thức dậy lúc 5 giờ sáng, quét dọn rồi thay quần áo, sau đó vác "đồ nghề" gồm gậy có gắn nam châm và một túi nilong ra bờ sông. Mỗi buổi sáng, chú nhặt khoảng 1 giờ đồng hồ rồi trở về với công việc hàng ngày.
Khoảng 3 – 4 tháng sau, khi gom được một số lượng lớn ve chai, chú mang ra đại lí thu mua và bán được trung bình từ 3.000.000 – 3.500.000 đồng. Không giữ lại cho mình một khoản nào, mỗi năm 3 lần vào các dịp đặc biệt như 30/4, rằm tháng 7 và Tết nguyên đán, số tiền bán ve chai đều được chú Vũ mua gạo rồi gửi tặng cho những người nghèo, người già neo đơn.
Khoảng 3 – 4 tháng, khi gom được một số lượng lớn ve chai, chú Vũ mang ra đại lí thu mua.
Mỗi lần bán được trung bình từ 3.000.000 – 3.500.000 đồng.
Nhớ lại những khoảng thời gian đầu, chú Vũ kể rằng bản thân chú bị người ta nói là ăn trộm, thậm chí bị chửi rủa rất nặng nề. Nhiều chủ quán ngay bờ sông Vàm Thuật còn nói với nhau rằng "Sáng nào cũng gặp thằng đó hết trơn, mất đồ của tao là thằng đó lấy chứ không ai hết".
"Nhưng mà tôi thấy không sao cả, vì biết người ta hiểu lầm thôi. Tôi là người đàng hoàng, chỉ đi nhặt ve chai và tuyệt đối không tham lam, trộm cắp của ai bất cứ thứ gì nên không phải sợ.
Sau đó có một người chủ quán nghi ngờ tôi lấy đồ, nói chuyện bâng quơ với tôi rằng: "Sáng nào chú cũng đi qua đây, chú cho cháu coi cái bọc của chú coi chú lấy gì trong đấy".
Tôi cũng sẵn sàng cho họ kiểm tra thôi, vì trong bọc toàn nắp bia, lon bia, vỏ chai… Từ đó về sau thì họ không còn nghi tôi nữa, thậm chí còn gom ve chai lại rồi kêu tôi vào lấy".
Người đàn ông 5 năm nhặt rác, mua gạo tặng người nghèo. (Clip: Công Tuấn)
Cảm phục câu chuyện của người đàn ông thích lo chuyện bao đồng
"Hồi mới đi nhặt, tôi hay bị mảnh chai bể đâm lắm. Lúc đó đâu biết là phải mang giày bảo hộ gì đâu, chỉ mang dép thường nên mảnh chai bể do những quán hàng ven sông ném xuống đâm vào chân, tôi cũng sợ. Tôi dòm thấy người ta mang giày đi tập thể dục, nên tìm hiểu thì biết là mua đôi giày bảo hộ để bảo vệ an toàn.
Rồi cả chuyện phải tìm ve chai ở các thùng rác to tướng của quán hàng, nồng nặc mùi thịt, cá, chuột chết… Mới đầu tôi không đeo khẩu trang, cũng chưa chế cục nam châm nên dùng tay không moi xuống dưới thùng rác. Mùi hôi thối xộc lên, bị ốm cả tuần. Bây giờ cũng quen với môi trường, trước ốm 10 phần thì giờ ốm 1 – 2 phần thôi", chú Vũ cười tươi, trải lòng về công việc của mình.
Đồ nghề của chú rất đơn giản: 1 đôi giày bảo hộ, 1 gậy có gắn nam châm và 1 túi nilong
Chiếc gậy có gắn nam châm rất hữu ích cho việc hút các nắp lon
Nhiều người thắc mắc, tại sao trong suốt 5 năm qua, chú Vũ luôn tặng gạo cho người nghèo mà không phải quà bánh gì khác.
Không chút đắn đo, chú Vũ nhấn mạnh, sở dĩ chú chọn tặng gạo cho bà con là bởi vì chính những túi gạo từ thiện đã nuôi sống gia đình chú trong những ngày khó khăn ở quê nhà. Nên khi nhớ lại những túi gạo đó, chú thấy gạo là thứ quý nhất trên đời. Chính vì thế, khi có tiền thì chú mua gạo tặng người nghèo chứ không tặng tiền, quà bánh.
"Lần đầu tiên mang ve chai đi bán, được 1.200.000 đồng, tôi mua 100 kg gạo, chia thành 10 túi nhỏ. Lúc đó cũng không biết ai khó khăn nên cứ thấy ai tàn tật, bán vé số là tặng gạo cho họ. Bây giờ thì các cô chú, anh chị trong tổ dân phố sẽ chọn những người nghèo, lên danh sách rồi đưa cho tôi. Tôi sẽ mang ve chai đi bán, mua gạo về rồi gọi điện cho họ đến nhận gạo.
Những người được nhận gạo đều là thuộc diện nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Có người cuộc sống đã ổn định hơn nên nói với tôi: "Chú Vũ ơi, con làm ăn đươc rồi. Con không dám nhận gạo từ thiện nữa, chú dành tặng cho người khác đi". Tôi cảm thấy ấm lòng lắm"
Chú Vũ luôn tặng gạo cho người nghèo chứ không phải quà bánh gì khác
Có nhiều người nói chú là làm chuyện bao đồng, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"
Có nhiều người nói chú là lo chuyện bao đồng, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Thế nhưng chú Vũ lại cười xòa, thậm chí chú còn khẳng định đây là mong ước từ hồi nhỏ, được đi làm công tác từ thiện, tặng gạo cho người nghèo.
Chú kể, người cha già 88 tuổi của chú ủng hộ lắm, nói rằng "con cứ làm công tác từ thiện cho những người nghèo khổ đi". Gia đình, mọi người xung quanh đều tạo điều kiện cho chú làm thiện nguyện, đó cũng phần nào giúp chú duy trì hoạt động đầy nhân văn này.
Mỗi ngày, chú Vũ vẫn miệt mài và lặng lẽ nhặt ve chai bên bờ sông Vàm Thuật mà không nghỉ ngày nào vì sợ người nghèo thiếu gạo. Câu chuyện của chú khiến nhiều người phải cảm phục và truyền đi những cảm hứng sống đẹp, nhân văn trong cộng đồng.