Gần 10 năm sau chiến công lịch sử, hóa ra Việt Nam ngày càng kém Thái Lan

Đoàn Dự |

Từ đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup 2008, thực tế thì trong những năm qua, nhiều lần bóng đá Việt Nam chỉ dám đặt mục tiêu "vào tới trận Chung kết".

Công Vinh đánh đầu ngược giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2008

Ngày 28/12/2008, ĐT Việt Nam hòa Thái Lan 1-1 trên SVĐ Mỹ Đình bằng bàn thắng phút 90+4 của Công Vinh. Cùng chiến thắng 2-1 trước đó ở trận lượt đi Chung kết AFF Cup 2008, ĐT Việt Nam có lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch AFF Cup.

Thời điểm bấy giờ, bóng đá Việt Nam tràn ngập tự tin rằng với chiến công lịch sử ấy, rồi đây nền túc cầu của chúng ta sẽ cất cánh, sẽ vươn lên đỉnh ĐNÁ, vượt qua cái bóng rất lớn của Thái Lan và vượt khỏi những đội Malaysia, Indonesia, Myanmar...

Nhưng thật đáng tiếc. Như lời HLV Lê Thụy Hải nói thì: "Nền bóng đá của chúng ta vẫn phát triển, nhưng có thể chúng ta phát triển không nhanh bằng các nước ở khu vực ĐNÁ. Nếu không cẩn thận, vài năm nữa chúng ta có thể bị Campuchia đuổi kịp".

Thực tế đã chứng minh, sau vinh quang năm 2008, 4 mùa AFF Cup sau đó, Việt Nam không thể lọt vào được trận Chung kết. Có 3 lần chúng ta gục ngã ở Bán kết vào các năm 2010, 2014 và 2016 rồi phải chấp nhận tranh giải Ba. Ở năm 2012, thậm chí ĐT Việt Nam còn không thể lọt vào tới Bán kết.

Gần 10 năm sau chiến công lịch sử, hóa ra Việt Nam ngày càng kém Thái Lan - Ảnh 2.

Lượt về Bán kết AFF Cup 2014, Công Vinh rơi nước mắt sau khi ĐT Việt Nam thua Malaysia 2-4 ngay tại Mỹ Đình, đánh mất suất vào chơi trận Chung kết.

Tại sân chơi được người Việt Nam "trọng vọng" không kém AFF Cup là SEA Games, bóng đá trẻ Việt Nam cũng tiếp tục kéo dài bài ca thất vọng. Năm 2009, một năm sau chiến công lịch sử của "đội lớn", bóng đá trẻ Việt Nam lọt vào Chung kết SEA Games nhưng lại thua cay đắng Malaysia với tỷ số 0-1.

Bốn kì SEA Games sau đó, chúng ta không còn có thể trở lại trận Chung kết được nữa. Thành tích tốt nhất của bóng đá trẻ Việt Nam là lọt vào trận tranh giải Ba 2 năm 2011 và 2015.

Ở kì SEA Games gần nhất, thực tế thì VFF và HLV Hữu Thắng còn tránh đả động trực tiếp tới mục tiêu "đoạt HCV" mà chỉ nói "sẽ cố gắng đạt thành tích cao nhất". Rốt cuộc, U22 Việt Nam không bước qua nổi vòng bảng.

Gần 10 năm sau chiến công lịch sử, hóa ra Việt Nam ngày càng kém Thái Lan - Ảnh 3.

Công Phượng cùng U22 Việt Nam thua cay đắng U22 Thái Lan 0-3 và bị loại khỏi SEA Games 29 ngay từ vòng bảng.

Đã từ lâu rồi, bóng đá Việt Nam chỉ dám đặt mục tiêu bước chân được vào trận Chung kết nhưng cứ bị những Indonesia, Myanmar, Malaysia níu chân trở lại. Còn Thái Lan, sau khi chiến thắng địch thủ này, đáng buồn là bóng đá Việt Nam ngày một sợ hãi các đoàn quân tới từ xứ sở Chùa tháp.

Vòng loại World Cup 2018, HLV Miura dẫn quân sang Thái Lan, chấp nhận từ bỏ danh dự, chơi 1 trận tử thủ để rồi thua cay đắng 0-1. Trở lại Mỹ Đình, Thái Lan đùa giỡn với Việt Nam như một đứa trẻ, để chiến thắng 3-0.

Vòng bảng SEA Games 2015, fan Thái như "nhảy xổ" vào Việt Nam trên phạm vi Mạng xã hội để truy tìm ca sĩ Tuấn Hưng, yêu cầu anh phải cạo trọc đầu như đã hứa khi U23 của họ đả bại thầy trò HLV Miura ở trận cuối cùng vòng bảng (3-1).

Tất cả những điều ấy thật đáng buồn, nhưng đáng tiếc là bóng đá Việt Nam sau đỉnh cao năm nào, sau chiến thắng lịch sử trước Thái Lan ngày càng trở nên bất lực với đại kình địch này.

Tranh hạng ba M-150 Cup: U23 Việt Nam 2-1 U23 Thái Lan

Mới đây, khi HLV Park Hang-seo cùng U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan ở giải giao hữu M-150, NHM Việt Nam vô cùng hân hoan, sung sướng. Nhưng đằng sau chiến thắng ấy chẳng là gì cả và sự sung sướng của chúng ta chỉ tố cáo những nỗi đau bị dồn nén vì thua kém Thái Lan rất nhiều năm đã qua.

Bóng đá là cuộc chơi, là những sự ganh đua. Quả thật là bóng đá Việt Nam có phát triển nhưng hình như đang không so bì được với nhiều nước ở khu vực ĐNÁ, khiến chúng ta tiến lên mà như đi thụt lùi.

Chỉ cách đây vài tháng thôi, bóng đá Thái Lan đưa ra một ý định táo bạo: Hy sinh AFF Cup cho lứa U23 cọ xát, hy sinh SEA Games cho lứa U20 lấy kinh nghiệm. Mục tiêu mà người Thái hướng tới giờ là các giải đấu châu lục và thế giới mà với Việt Nam vẫn là những đấu trường quá đỗi xa vời.

Vinh quang giờ đã xa, chỉ còn hiện thực ở lại. Chẳng có gì sai khi bóng đá Việt Nam lại ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2008 mỗi khi tháng 12 tới. Nhưng vào thời điểm kết thúc mỗi năm ấy cũng là lúc chúng ta cần trăn trở và tìm ra một kế hoạch thật sự hợp lý để tìm lại ánh hào quang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại