Chiếc smartphone màn hình gập Galaxy Fold là một cuộc cách mạng trong thiết kế phần cứng và công nghệ màn hình của Samsung nói riêng và ngành công nghiệp di động nói chung. Tuy nhiên, chiếc điện thoại màn hình gập này cũng là một minh chứng cho quan điểm, công nghệ sản xuất vẫn chưa theo kịp để hiện thực hóa ý tưởng công nghệ. Cụ thể hơn, việc dễ bị hư hỏng trong quá trình sử dụng vẫn là điểm yếu chí tử của Galaxy Fold.
Vào tháng Tư, một lượng nhỏ các cây viết công nghệ trên thế giới đã được trải nghiệm sớm Galaxy Fold, nhưng chỉ vài ngày sau, đã ghi nhận đến 4 trường hợp máy bị hỏng màn hình trong quá trình sử dụng. Samsung sau đó đã phải tạm hoãn bán Galaxy Fold để sửa chửa một số chi tiết trước khi mở bán trở lại vào tháng 9 này.
Bản thân Samsung cũng hiểu khá rõ điểm trừ này, khi hãng công nghệ Hàn Quốc vài ngày trước còn đăng tải một video "cảnh báo" người dùng nên sử dụng Galaxy Fold sao cho đúng cách để tránh hỏng hóc.
Mới đây nhất, video "hành hạ" Galaxy Fold của Youtuber nổi tiếng chuyên đăng tải các clip thử nghiệm độ bền smartphone JerryRig Everything càng chứng tỏ, Galaxy Fold dễ hỏng hóc đến nhường nào.
Thử nghiệm tra tấn Galaxy Fold của Youtuber nổi tiếng JerryRig Everything
Cào móng tay lên màn cũng có thể khiến màn hình Galaxy Fold bị tổn thương
Theo nhận định của BGV, đoạn video tra tấn của JerryRig Everything đã cho thấy các bộ phận làm bằng kim loại, thủy tinh của Galaxy Fold có độ bền như mong đợi, cùng với đó là phần bản lề được thiết kế lại tương đối chắc chắn.
Cụ thể, màn hình của máy vẫn tồn tại sau nhiều lần bị đốt cháy. Khi bị bẻ ngược lại, phần màn hình, bản lề và các phím của Galaxy Fold vẫn tỏ ra rất cứng cáp. Thiệt hại duy nhất có thể nhìn thấy là một số vết nứt nhẹ dọc theo đường ăng-ten nhựa.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Vấn đề muôn thuở chính là độ bền của màn hình của Galaxy Fold, vốn rất dễ bị hư hỏng bởi những tác động thông thường.
Về cơ bản, do tính chất của smartphone màn hình gập, Samsung buộc phải trang bị cho Galaxy Fold một màn hình làm bằng nhựa, dễ bị trầy xước và khả năng chịu lực kém hơn hẳn so với chất liệu kính mà chúng ta đã quen thuộc
Cào móng tay lên màn cũng có thể khiến màn hình Galaxy Fold bị tổn thương
Cụ thể hơn, màn hình Infinity Flex Display của Galaxy Fold được bảo vệ bởi 2 lớp, với 1 lớp nhựa dẻo polymer cùng 1 miếng dán màn hình ở trên cùng.
Vấn đề ở chỗ, cả 2 lớp bảo vệ màn hình này lại không thực sự đủ bền. Nhựa polimer có thể đủ linh hoạt để uốn cong, nhưng lại không bền như thủy tinh và dễ bị trầy xước. Đó là chưa kể chúng có hiện tượng phồng rộp, biến dạng, nhàu...Trong khi đó, miếng dán màn hình phía trên lại quá mỏng, với độ bền gần như "chỉ cho có".
Thử nghiệm của Youtuber JerryRig Everything đã cho thấy, bất cứ vật thể nào vô tình bị lọt giữa hai lớp bảo vệ màn hình này có thể để lại vết trầy, hay thậm chí là dễ dàng xuyên thủng cả miếng dán bảo vệ lẫn lớp nhựa polymer khiến điểm pixel trên màn hình của Galaxy Fold bị hư hỏng ngay lập tức. Chưa kể đến, kể cả việc dùng móng tay để cào, miết nhẹ trên lớp bảo vệ cũng có thể gây tổn thương tới màn hình của chiếc điện thoại gập này.
Đây cũng là lý do vì sao Samsung khuyến cáo người dùng khi thao tác trên màn hình cảm ứng, chỉ nên chạm nhẹ ngón tay và không được phép tạo ra lực quá mạnh lên màn hình.
Chỉ nên chạm nhẹ ngón tay và không được phép tạo ra lực quá mạnh lên màn hình Galaxy Fold
Đó là chưa kể đến việc, thông qua khoảng trống giữa bản lề và thân máy, các hạt bụi siêu nhỏ cũng có khả năng lọt vào giữa các lớp bảo vệ màn hình cũng như ở các khớp bản lề. Tuy nhiên, việc loại bỏ các hạt bụi bẩn này ở màn hình này là hoàn toàn bất khả thi, do máy sẽ không hoạt động nếu người dùng bóc lớp bảo vệ. Trong khi đó, việc nước và bụi có thể lọt vào phần bản lề của máy và gây hư hại cho cơ chế gập mở và các linh kiện bên trong.
Do vậy, nếu không muốn làm hỏng hóc chiếc điện thoại mỏng manh yếu đuối có giá bán cực kỳ đắt đỏ này, người dùng hãy nhớ "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" trong quá trình sử dụng Galaxy Fold.
Tham khảo BVR.com