1. Sở dĩ nói CLB FLC Thanh Hóa dọa bỏ giải, là bởi tuy đây chỉ là phát ngôn của nhà tài trợ FLC, qua lời của chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, nhưng ai cũng biết chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa chỉ là "cánh tay nối dài" của "ông chủ" FLC, lời ông Quyết nói ra là đại diện, là quyết định của CLB xứ Thanh.
Chẳng thế mà ngay sau lời nói của "ông chủ" FLC, phó chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài lập tức lên tiếng ủng hộ quan điểm của "các anh ở trên", đồng thời "góp gió": "Nếu Ban khiếu nại, Ban kỷ luật giải quyết mà không thỏa đáng, thì quyết định cuối cùng do nhà tài trợ chính".
Ông Trịnh Văn Quyết rõ ràng không nói đùa. Vị tỷ phú USD này hẳn cũng đủ tỉnh táo để không vì bức xúc nhất thời mà nói văng mạng. Vậy đằng sau phát ngôn gây sốc đấy, sự thực là gì?
Đầu tiên phải xem xét án phạt của VFF dành cho tiền đạo đội trưởng Omar. Án phạt này liệu có nặng, và có minh bạch?
Hành động khiến Omar phải lĩnh án nặng.
Đầu tiên, rõ ràng án phạt này không minh bạch, ở chỗ luật đã có, quy định đã có, nhưng trong quyết định số 30/QĐ-LĐBĐVN ban hành ngày 16/1, hoàn toàn không ghi căn cứ để đưa ra án phạt với Omar, mà chỉ ghi chung chung "có hành vi khiêu khích thiếu văn hóa với khán giả". Đây là điểm khiến người ta có căn cứ nghi ngờ về sự khuất tất của quyết định.
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với quy định về kỷ luật, có thể suy đoán án phạt cấm thi đấu 8 trận, cùng 30 triệu đồng với Pape Omar Faye là tổng hợp của điều 11 "Đuổi khỏi sân" - đình chỉ 2 trận kế tiếp sau đó, cùng phạt 5 triệu đồng và điều 40 "Xúc phạm danh dự người khác bằng hành động, cử chỉ thiếu văn hóa" - đình chỉ 6 trận, phạt 25 triệu đồng.
Rõ ràng, khung hình phạt là có, nhưng án phạt này liệu có nặng không? Câu trả lời là có, bởi nếu chiếu theo quy định, Omar bị kỷ luật kịch khung.
2. Soi lại vào quá khứ, cuối mùa giải V-League 2015, VFF cũng đã từng ra án với Quế Ngọc Hải khi đạp gãy chân Anh Khoa của SHB Đà Nẵng, với mức án nghe chừng rất nặng: cấm thi đấu 6 tháng, nhưng thực ra chỉ có 5 trận, và cuối cùng được giảm xuống còn 4.
Trước đó 5 mùa, Công Vinh cũng đã từng bị ra án cấm thi đấu 6 trận, sau giảm xuống còn 3. Cả Quế Ngọc Hải và Công Vinh được giảm án đều cùng lý do "thực hiện nghĩa vụ quốc gia", thậm chí Quế Ngọc Hải còn được HLV Hữu Thắng đứng ra "xin hộ".
Công Vinh, Ngọc Hải còn có lý do để xin giảm án. Còn Omar, nếu chấp nhận án phạt, thì lấy lý do gì để xin giảm án đây? Nên nhớ, mùa giải chỉ có 26 vòng, và mất tiền đạo ngoại này đến 8 trận là thiệt thòi cực kỳ lớn cho đội bóng xứ Thanh, nên cũng dễ hiểu vì sao người FLC Thanh Hóa lại phản ứng quyết liệt đến như thế.
Dính án phạt 6 trận treo giò, song cuối cùng Công Vinh được giảm án xuống còn 3 trận.
Là một doanh nhân lọc lõi trên thương trường, hẳn nhiên là ông chủ tỷ phú của tập đoàn FLC chẳng mấy khó khăn để "đọc vị" được tình huống này và không ngần ngại phát ngôn mà chẳng sợ VFF "sờ gáy" đến mình hay CLB, bởi trên lý thuyết, ông chỉ là đại diện cho nhà tài trợ. Tuy nhiên, đây là đòn "nắn gân" không hề nhẹ với VFF.
FLC Thanh Hóa có phản ứng, thì người ta mới xoáy sâu và bóc tách cái sự nhập nhằng và "tiền hậu bất nhất" của VFF trong án phạt dành cho Omar. Omar sai, nhưng rõ ràng những người cầm trịch cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bao năm qua cũng chẳng thiếu những lần thiếu minh bạch trong cuộc chơi của chính mình.
Từ lâu, người hâm mộ và cả những người làm bóng đá nước nhà đã quá quen với lối hành xử khá tùy tiện và đầy cảm tính của những người "cầm cân nẩy mực" bóng đá Việt Nam.
3. Bóng đá cần sự rõ ràng, minh bạch và trong sạch, nhưng những người làm kinh doanh gắn liền với bóng đá cũng cần những tiêu chí nhất định, để đủ tin tưởng và hài lòng khi gắn bó thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp với một đội bóng, với cuộc chơi bóng đá ở đẳng cấp cao nhất của quốc gia.
Người ta đồn đoán rằng động thái này của ông chủ FLC hòng rút chân ra khỏi bóng đá Thanh Hóa. Điều này cũng sai lầm nốt. Nếu ngày xưa Sài Gòn Xuân Thành từng bất cần, dọa bỏ giải và bỏ giải thật, thì với Thanh Hóa, nó là một câu chuyện khác.
Với một đội bóng giàu truyền thống như Thanh Hóa, bóng đá không chỉ là cuộc chơi tiền bạc đơn thuần.
FLC Thanh Hóa gắn liền với tình yêu bóng đá của người dân Thanh Hóa. Nó không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh doanh, muốn chơi là chơi, muốn "bùng" là "bùng". Doanh nghiệp càng lớn, thì hình ảnh càng được chăm chút, chẳng thể vì tiền mà "bỏ của chạy lấy người" theo cách như vậy.
Sau tất cả, mọi thứ sẽ đâu lại vào đấy. V-League 2017 sẽ lại thành công tốt đẹp, với những bản báo cáo tròn trịa, với đầy đủ 14 đội bóng "đánh đích" thành công. Án phạt của Omar có lẽ rồi cũng sẽ được xem xét, sao cho "tất cả cùng vui" như bao nhiêu lần tương tự trước.
Chỉ có người hâm mộ, chắc hẳn rồi sẽ có đôi chút ngậm ngùi với cảm giác "như bị lừa" như bao lần trước. Nhưng có hề chi, cảm giác nào cứ lặp đi lặp lại nhiều quá, dù có đong đầy cảm xúc bao nhiêu đi nữa rồi cũng có lúc chai lỳ, trở nên bình thường, chỉ là chút "lạc trôi", "mông lung như một trò đùa" ấy mà.