Những dấu hiệu Mỹ-Trung sẽ đối đầu ở hàng loạt lĩnh vực
Tờ Financial Times (Anh) cho hay, trong thời gian qua, có ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đối đầu với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, không loại trừ khả năng xung đột quân sự giữa hai nước sẽ xảy ra.
Dấu hiệu mới nhất đến từ phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer hôm 23/1, khi ông tuyên bố Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ ở biển Đông.
Trước đó, người được Trump đề cử vào chức vụ Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson, khi điều trần trước Thượng viện Mỹ đã tỏ rõ thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Tillerson gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh: "Trung Quốc không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo trên Biển Đông".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kịch liệt phản ứng trước tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ tương lai. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo một "cuộc chiến quy mô lớn", trong khi báo China Daily đe dọa một "cuộc đụng độ khốc liệt" giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xảy ra.
Tuyên bố của Tillerson không phải dấu hiệu duy nhất cho thấy, chính quyền Trump sẽ đối đầu với Trung Quốc. Những thay đổi trong chính sách về Đài Loan và thương mại của Mỹ cũng có khả năng đẩy quan hệ hai nước vào thế đối đầu.
Kể từ năm 1979, Washington đã đồng ý tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Chính sách này nhấn mạnh, Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
Nhưng vào tháng 12 năm ngoái, Trump đã phá vỡ thông lệ ngoại giao giữa hai nước, đã tồn tại gần 4 thập kỷ, bằng việc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sau khi đắc cử.
Giống như những phát ngôn trước đây của Trump, dư luận cho rằng tân Tổng thống Mỹ chỉ buột miệng nói chơi. Nhưng vào đầu tháng 1, Trump xác nhận chính quyền của ông để ngỏ khả năng yêu cầu đàm phán lại về "Một Trung Quốc", trừ khi Bắc Kinh chấp nhận các yêu sách của Mỹ về thương mại.
Chính quyền Trump đang tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều vấn đề (Ảnh: Damon Winter/The New York Times)
Đồng minh có thể không giúp được Mỹ
Vấn đề Trump chú trọng nhất trong quan hệ với Trung Quốc có lẽ là thương mại. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã tuyên bố với cử tri: "Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 500 tỷ USD. Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc bắt nạt như thế".
Trump bổ nhiệm Peter Navarro, người ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và đường lối cứng rắn với Trung Quốc, làm Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia, cơ quan cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ.
Với ba vấn đề nóng là Đài Loan, Biển Đông và thương mại, khả năng nước Mỹ của Trump đối đầu với Trung Quốc ngày càng hiện rõ. Khả năng này càng trở nên lớn hơn, khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là người đi theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.
Trung Quốc đang tăng cường sức ép quân sự, chính trị và kinh tế lên các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Các nước như Hàn Quốc và Singapore từ lâu đã chủ trương duy trì quan hệ kinh tế gần gũi với Bắc Kinh, nhưng lại nhờ cậy Mỹ để đảm bảo an ninh.
Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi. Chính phủ Trung Quốc đang đe dọa trừng phạt doanh nghiệp Hàn Quốc nếu Seoul không từ bỏ ý định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Trong khi đó, Singapore cũng đang chịu sức ép cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Hai bên đã nhiều lần tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung trong quá khứ. Đến tháng 11/2016, Trung Quốc đại lục tỏ ý không hài lòng và phản ứng bằng cách tịch thu 9 xe bọc thép của Singapore, khi chúng quá cảnh ở Hồng Kông trên đường trở về từ Đài Loan.
Hôm 10/1, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Đài Loan, khiến không quân Đài Loan phải điều máy bay chiến đấu để phản ứng. Trong khi đó, không quân Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được đặt trong tình trạng báo động trước các động thái của Bắc Kinh.
Cho đến nay, các cuộc đối đầu tương tự giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa xảy ra. Nhưng nếu ông Trump và ông Tập tiếp tục đường lối hiện tại của mình, Financial Times dự báo, khả năng đối đầu quân sự giữa hai nước chỉ là vấn đề thời gian.