Tim O’Brien và Michael D’Antonio là những người viết tiểu sử đã từng có nhiều thời gian ở bên cạnh ông Trump, khi vị tỷ phú bất động chưa trở thành Tổng thống Mỹ. Họ được đánh giá là những người rất hiểu tính cách và con người Trump.
Khi được hỏi đánh giá về tân Tổng thống, D'Antonio, tác giả của cuốn tiểu sử "Không bao giờ là đủ" nói về Trump, xuất bản năm 2015, đồng thời là một người từng được giải thưởng báo chí uy tín Pulitzer, cho rằng, ông Trump thích nổi tiếng, và muốn được yêu thích
O’Brien cũng đồng ý rằng sự nổi tiếng là một động lực đối với Trump:
"Ông ấy có một cách nhìn nhận rất "điện ảnh" về bản thân. Ông thường bị thu hút bởi các bộ phim và những người nổi tiếng", O’Brien nói. O’Brien là tác giả của cuốn sách "Dân tộc Trump: Nghệ thuật của việc là Donald".
O’Brien đánh giá, nhu cầu được chú ý của Trump thể hiện rõ hơn khi ông có cảm giác bất an về tài sản hay sự lôi cuốn của mình.
Tác giả O'Brien cho rằng Tổng thống Trump sẽ càng có nhu cầu được chú ý nhiều hơn khi ông cảm thấy bất an. Ảnh: CNN
Cả hai tác giả cho rằng, quá khứ rực rỡ của Trump đã tạo ra một nét vẽ lớn trong bức tranh khắc họa kiểu Tổng thống mà Trump sẽ trở thành.
"Quá khứ của ông Donald Trump, quá nổi bật với nhiều phát ngôn mạnh bạo, với sự sẵn sàng phá sản nhiều lần, gợi ý cho tôi rằng nhiệm kỳ Tổng thống của ông cũng sẽ có cùng phong cách đó", D’Antonio nói.
Được dạy để trở thành "chiến binh" và "ông hoàng"
O’Brien cho rằng, thỉnh thoảng, việc Trump sử dụng mạng xã hội cũng phản ánh những bất an của ông, đặc biệt là nhu cầu phản ứng lại những người đã chỉ trích ông. Nhà viết tiểu sử này nêu vấn đề:
"Một câu hỏi đang được đặt ra là liệu ông ấy [Trump] có thể tách cảm xúc và sự bất an cá nhân khỏi việc định hình các chính sách của đất nước, đảm bảo an ninh quốc gia và có cách ứng xử công bằng với tất cả hay không?"
D’Antonio thì cho rằng, xu hướng Trump xử lý mọi việc dựa trên sự mách bảo của bản năng hơn là khả năng phân tích có thể gây ra cho các vấn đề.
Xu hướng đó xuất phát từ những bài học của người cha - người đã dạy Trump trở thành một "chiến binh" và một "ông hoàng", và đó là những bài học mà Trump rất thấm nhuần.
"Có thể ông ấy sẽ phản ứng thái quá trong một khoảnh khắc khủng hoảng - ví dụ ông có thể ra lệnh tấn công quân sự nhầm mục tiêu. Đôi khi, hành động hay nhất là không hành động gì cả, nhưng tôi không chắc Trump đã nhận ra điều đó hay chưa", D’Antonio nói.
"Dù sao Trump đã vượt qua tất cả những sóng gió của thị trường và những lần phá sản bằng cách làm riêng của mình", O’Brien cho biết.
Không còn là ông chủ
Theo D’Antonio, có thể Trump sẽ thay đổi một phần cách hành xử của mình vì ông ấy thấy mình đã ở trong môi trường mới:
"Trong suốt thời trai trẻ của mình, ông ấy đã làm một ông chủ. Giờ đây, khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông ấy bỗng dưng ở vị trí là người phải có trách nhiệm với toàn bộ người dân Mỹ".
Có lẽ vì thế mà mới đầu, Trump sẽ phải nỗ lực để có thể hợp tác được với những người khác, khi mà ông chưa nhận ra rằng tại Washington, sẽ có nhiều người cũng có quyền lực riêng của họ và có thể thách thức ông.
Ở tuổi 70, Trump chuyển sang một vai trò hoàn toàn khác việc mà ông đã quen thuộc suốt thời trai trẻ. Ảnh: CNN
D’Antonio cũng cho rằng, nếu Trump có thể thích ứng được, ông sẽ tập hợp được mọi người cùng chí hướng.
"Nhưng nếu ông ấy không học được cách làm một chính trị gia và không hành động dựa trên sự tin tưởng vào người khác, ông ấy sẽ có 4 năm trong khủng hoảng", D’Antonio nói.
Hai tác giả cùng cho rằng Trump có nhu cầu được yêu quý và thành công, và nỗi sợ hãi bị chỉ trích có thể khiến ông thay đổi quan điểm ở một vài vấn đề.
"Ông ấy muốn người dân Mỹ yêu quý mình", D’Antonio nói.
Theo D’Antonio, ưu điểm lớn nhất đồng thời cũng là điểm yếu lớn nhất của Trump, đó chính là sự tự tin. D’Antonio cảnh báo, kể cả khi không có ai thách thức hoặc làm Trump sợ hãi, thì ông cũng vẫn nên lắng nghe những người xung quanh mình.
"Không có mức độ tự tin nào có thể xoay chuyển được lịch sử, thậm chí cả khi bạn là Tổng thống Mỹ".
Còn O’Brien thì cho rằng, điểm mạnh nhất của Trump là việc ông luôn là một "người sống sót", cả trong kinh doanh và sự nghiệp chính trị mới bắt đầu.
Nhưng có lẽ Trump không quan tâm lắm đến việc sẽ phải "tiến đến chuyên nghiệp" trong công việc chính trị như thế nào, vì ông chưa có hiểu biết sâu về chính sách công, và cũng thường không áp đặt nguyên tắc gì cho bản thân.
"Ông ấy không giống với bất cứ Tổng thống tiền nhiệm nào. Ông ấy không có được sự chuẩn bị kỹ càng như họ", O’Brien nói.
Mối quan hệ "trồi sụt" với giới truyền thông
Một khía cạnh ở Trump mà cả hai nhà viết tiểu sử cho rằng sẽ không thay đổi, đó là mối quan hệ đan xen nhiều cảm xúc với giới truyền thông.
"Ông ấy sẽ chỉ thích truyền thông khi họ chỉ nói tốt về mình. Nhưng có lẽ điều đó sẽ khó xảy ra", O’Brien nói.
Rốt cuộc ông Trump muốn trở thành một Tổng thống như thế nào?
"Tôi cho rằng Donald Trump muốn trở thành một Tổng thống được đánh giá là có quyền lực, quyết đoán và mạnh mẽ, có lẽ là giống như tướng George S. Patton mà ông ấy đã xem trong các bộ phim về Chiến tranh Thế giới thứ 2", D’Antonio nhận định.
"Còn tôi thì không cho rằng ông ấy còn chưa từng nghĩ tới việc mình sẽ trở thành một Tổng thống như thế nào", O’Brien nói.
Tuy nhiên, cả hai cây bút đều có ít nhiều suy nghĩ lạc quan và tích cực về Tổng thống Trump.
"Ông ấy có thể lớn tiếng, có thể có giọng điệu nạt nộ, nhưng ông ấy cũng có khả năng thay đổi suy nghĩ và ông ấy đã làm như thế nhiều lần. Vì vậy, nếu ông ấy có thể tận dụng khả năng thích nghi nhanh của một "người sống sót", chúng ta sẽ được thấy nhiều điều thú vị từ cách hành xử của ông.
Và có thể chúng ta cũng sẽ được lợi từ sự lãnh đạo của ông", D’Antonio bày tỏ quan điểm.