F-35 và F-22 là những máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất được đưa vào phục vụ ở phương Tây, và được thiết kế như những chiếc máy bay hạng nhẹ và hạng nặng bổ sung để có thể chiến đấu cùng với chiếc máy bay trước đây của quân đội Mỹ.
F-22, giống như máy bay thế hệ trước là F-15, được thiết kế để trở thành máy bay chiến đấu mạnh mẽ trong không chiến với tốc độ cao, khả năng bay ở độ cao lớn và và tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng, tốc độ quay đầu tốt, khả năng cơ động cùng với khả năng mang nhiều tên lửa không đối không là những điểm mạnh của dòng máy bay chiến đấu này.
Ngược lại, F-35, được thiết kế như một phiên bản kế nhiệm của F-16, lại chú trọng nhiều hơn vào khả năng không đối đất, máy bay được sử dụng chủ yếu với nhiệm vụ phòng thủ.
Việc tập trung vào các mục tiêu mặt đất là do phần lớn các mối đe dọa mà lực lượng không quân Mỹ phải đối diện đều xuất phát từ các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là sau Chiến tranh Lạnh, khi Hiệp ước Warsaw và Liên Xô sụp đổ và không có một quốc gia nào ngoài Trung Quốc có thể sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Tiêm kích F-22 bay cùng F-35 (Ảnh: Military Watch Magazine)
Mặc dù F-35 và F-22 dự kiến sẽ được sản xuất đồng thời như các phiên bản tiền nhiệm, nhưng các vấn đề với F-22 đặc biệt liên quan đến chi phí hoạt động quá cao, nhu cầu bảo trì cao và một số khiếm khuyết về hiệu suất đã khiến Lầu Năm Góc ra lệnh ngưng sản xuất vào năm 2009, chưa đầy bốn năm sau khi máy bay gia nhập đội bay.
Điều này hoàn toàn trái ngược với F-15, được gia nhập Không quân vào năm 1975 và vẫn được sản xuất cho đến ngày nay. Kết quả là F-35 tiếp tục được hiện đại hóa, với các phiên bản mới được cải thiện về hiệu suất, trong khi F-22 ngày càng bị bỏ lại phía sau.
Ngay cả các máy bay chiến đấu F-18E Block 3 và F-15EX thế hệ thứ tư đang được sản xuất hiện nay, loại trước đây dành cho Hải quân và loại sau bổ sung cho F-35 trong Không quân, cũng có một số lợi thế rất đáng kể so với F-22 do chúng sở hữu thiết kế mới hơn nhiều và đặc biệt là hệ thống điện tử hàng không vượt trội.
Tiêm kích F-15 và tiêm kích F-22 (Ảnh: Military Watch Magazine)
Bên cạnh nhu cầu bảo trì và chi phí vận hành thấp hơn nhiều, những ưu điểm chính của F-35 so với F-22 bao gồm hệ thống kết hợp cảm biến và khẩu độ phân tán giúp tăng cường nhận thức tình huống, khả năng tác chiến điện tử mạnh hơn nhiều, và khả năng chia sẻ dữ liệu.
Tuy nhiên, F-22 từ lâu đã được cho là có ưu thế trong không chiến, và đặc biệt là trong phạm vi trực quan, do hiệu suất bay tốt hơn nhiều. Tuy vậy, những khiếm khuyết của F-22 có thể khiến nó gặp bất lợi trong những cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn.
Ngày nay, tầm quan trọng của tác chiến tầm nhìn ngày càng bị hoài nghi trong chiến tranh hiện đại. Trong một cuộc chiến giữa các cường quốc, radar và tên lửa dẫn đường bằng radar có thể bị che khuất bởi nhiều biện pháp đối phó khiến các quốc gia phải phụ thuộc vào không quân tầm gần để không chiến.
Như đã thấy trong phần lớn Chiến tranh vùng Vịnh, các vấn đề về nhận dạng đồng đội hoặc kẻ địch cũng có thể buộc các máy bay chiến đấu phải xác nhận trực quan danh tính của mục tiêu trước khi thực hiện khả năng tác chiến tầm gần.
Cuộc giao tranh không đối không duy nhất trong thế kỷ 21 của Quân đội Mỹ nhằm vào một mục tiêu có người lái, một chiếc F-18E của Hải quân nhắm vào một máy bay chiến đấu Su-22 của Syria vào năm 2017, cũng là một cuộc không chiến "trong tầm nhìn."
Tiêm kích F-22 phóng tên lửa AIM-9 (Ảnh: Military Watch Magazine)
F-35 và F-22 đều có thể mang hai tên lửa không đối không AIM-9X trong khoang chứa vũ khí bên trong của chúng. Tuy nhiên, F-35 có lợi thế hơn khi có thể mang theo tên lửa AIM-9 ở bên ngoài, và mặc dù điều này sẽ làm tổn hại đến khả năng tàng hình của nó, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc giao tranh trong phạm vi trực quan nơi dựa vào tia hồng ngoại chứ không dựa vào các hệ thống dẫn đường bằng radar.
F-35 có lợi thế là có thể bay mà không bị đối phương phát hiện nhờ radar cự ly gần sử dụng hệ thống tìm kiếm và theo dõi tia hồng ngoại, được tối ưu hóa tốt hơn để chiến đấu ở cự ly gần. Đây cũng được coi là loại radar đáng tin cậy và khó gây nhiễu hơn. F-22 không có IRST, nghĩa là nó chỉ dựa vào một radar duy nhất.
Lợi thế về nhận thức tình huống của F-35 cũng tốt hơn so với F-22 nhờ việc được trang bị hệ thống khẩu độ phân tán, cho phép phi công nhìn xuyên qua máy bay bằng mũ bảo hiểm của họ và thu thập dữ liệu từ xung quanh máy bay một cách hiệu quả hơn.
Điều này cũng được sử dụng bởi J-20 của Trung Quốc. Vì vậy, hệ thống điện tử hàng không của F-35 cung cấp cho nó một thứ gì đó có lợi thế không chỉ ở những cuộc giao tranh tầm xa mà còn ở tầm gần.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc (Ảnh: Military Watch Magazine)
Có lẽ lợi thế lớn nhất của F-35 trong các cuộc chiến "trong tầm nhìn" là việc các phi công được trang bị mũ bay hiển thị tác chiến (HMS), một tính năng được Không quân Liên Xô tiên phong vào những năm 1980 trên các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 kết hợp với tên lửa R-73 để thu hút sự chú ý ở các góc nhìn xa cực cao.
Điều này cho phép các phi công điều khiển tên lửa không đối không để tấn công mục tiêu bằng HMS của họ mà không cần phải hướng mũi máy bay về phía mục tiêu, điều này có thể mang lại lợi thế rất lớn.
Đáng chú ý, Mỹ đã có cơ hội tiếp cận MiG-29 và tên lửa R-73 sau khi Đức gia nhập NATO. Tên lửa AIM-9X và mũ bay hiển thị tác chiến đi kèm đã được phát triển ngay sau đó để thu hẹp khoảng cách hiệu suất với thế hệ máy bay chiến đấu mới của Liên Xô.
Trong các cuộc giao tranh của Mỹ với các máy bay phản lực thế hệ thứ tư của Liên Xô, đặc biệt là MiG-29 ở Iraq và Nam Tư, đây là những phiên bản MiG-29 không được trang bị tên lửa R-73 như các biến thể của Đức và Liên Xô, có nghĩa là chúng không có khả năng nhắm mục tiêu tầm nhìn cao và có thể bị các máy bay chiến đấu của Mỹ "giải quyết" ở tầm gần.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 (Ảnh: Military Watch Magazine)
Trong khi tiêm kích AIM-9X có thể bắn ở góc nhìn xa, thì F-22 lại thiếu đi các thiết bị ngắm gắn mũ bảo hiểm cần thiết để phát hiện chúng. Máy bay chiến đấu sẽ cần hướng mũi về phía mục tiêu để giao chiến, nơi phi công F-35 có thể sử dụng mũ bảo hiểm của mình để bắn vào các mục tiêu phía trên, bên dưới, bên cạnh và thậm chí là phía sau.
Do đó, mặc dù F-22 có độ cơ động tốt hơn nhiều, đặc biệt vì nó là máy bay chiến đấu duy nhất của phương Tây sử dụng động cơ vectơ lực đẩy, nhưng điều này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng không được trang bị mũ bay hiển thị tác chiến.
Mặc dù các biến thể F-35B và F-35C gặp phải các vấn đề về khả năng bay siêu thanh, và các biến thể trước đây bị giới hạn khả năng cơ động chỉ ở mức 7g chứ không phải 9g và chỉ mang được 4 chứ không phải 6 tên lửa bên trong, nhưng F-35A được thiết kế cho Không quân Mỹ đã giải quyết được các vấn đề trên và được sản xuất với số lượng lớn.
Tuy các vấn đề về khả năng sẵn sàng chiến đấu và hiệu suất của F-35 thường xuyên được nêu rõ trong các báo cáo của Lầu Năm Góc và các báo cáo khác của chính phủ, nhưng một khi khung máy bay có được khả năng hoạt động đáng tin cậy hơn, nó có thể được coi là vượt trội hơn F-22 không chỉ trong vai trò tấn công mà còn ở các cuộc chiến tầm gần nhờ sở hữu tầm nhìn trực quan hơn.
Ngược lại, tiêm kích F-22 đã được sản xuất trong hơn một thập kỷ và đang phải đối mặt với việc bị cho "nghỉ hưu" sớm. F-22 sẽ bị thay thế bởi một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không có khả năng hơn nhiều hiện đang được phát triển trong chương trình "Máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" của Mỹ.