Thời gian qua xuất hiện thông tin cho rằng Tokyo sẽ tham gia một dự án quốc tế, mục đích hợp nhất chương trình máy bay chiến đấu tàng hình FX của họ với chiếc Tempest - còn được gọi là Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) do Anh - Ý hợp tác phát triển.
Tuy nhiên có lẽ để tránh nhầm lẫn với chương trình do Pháp - Đức - Tây Ban Nha tiến hành (cũng được gọi là FCAS) mà dự án của Anh - Ý - Nhật này sẽ có tên gọi Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP).
Liên doanh nói trên nêu bật mối liên kết chặt chẽ giữa chính phủ, quân đội và ngành công nghiệp giữa các quốc gia liên quan, đồng thời củng cố cam kết quốc tế của Anh đối với cuộc chiến trên không trong tương lai.
Tiêm kích GCAP sẽ được xây dựng dựa trên những tiến bộ đáng kể đã đạt được bởi những doanh nghiệp như BAE Systems, Leonardo UK, MBDA UK, Rolls-Royce và Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh. Họ đã hợp tác kể từ năm 2018 với tư cách là Nhóm Dự án Tempest để nghiên cứu, đánh giá và phát triển một loạt các khả năng của Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: "An ninh của Vương quốc, cả ngày nay cũng như đối với các thế hệ tương lai luôn là điều tối quan trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải đi đầu trong những tiến bộ về mặt công nghệ quốc phòng, vượt qua những kẻ tìm cách làm hại chúng ta".
Cuộc đua tiêm kích tàng hình thế hệ 6 đang diễn ra sôi động
Mặc dù Tokyo vẫn sẽ hợp tác với Washington trong một số dự án quân sự khác, nhưng điều đáng chú ý là Nhật Bản đã lần đầu tiên "đặt cược" vào Vương quốc Anh.
"Liên minh này cho thấy cam kết của những cường quốc trong việc phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6. Đối với Nhật Bản, đây là một động thái quan trọng để thoát khỏi 'sự phụ thuộc lịch sử' vào phi cơ Mỹ", ông William Davies, chuyên gia về hàng không vũ trụ tại Công ty Phân tích quốc tế Global Data giải thích.
Ông Davies nói thêm : "GCAP sẽ cho ra đời một đối thủ thương mại, thách thức trực tiếp Tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Mỹ và chương trình FCAS của Châu Âu".
"Tiềm năng của GCAP là rất lớn, bởi nhiều nước tham gia sẽ mang lại sự chia sẻ chi phí, tuy nhiên giá của máy bay vẫn sẽ cao và những quốc gia liên quan cần phải đưa ra quyết định khó khăn về chi tiêu quốc phòng".
Nhật Bản có thể cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho chương trình, dựa vào tiềm lực khoa học kỹ thuật cũng như tài chính hùng hậu của mình.
Chuyên gia Davies nhận xét: "Ngân sách đóng vai trò tối quan trọng, ví dụ Không lực Hoa Kỳ đã yêu cầu 1,7 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển NGAD vào năm 2023, và đến năm 2027, tổng chi phí dự kiến lên tới 11,7 tỷ USD.
Khoản tiền lớn cũng được phản ánh trong chương trình Tempest và FCAS, ước tính tiêu tốn 2,38 tỷ USD cho đến năm 2025 (Tempest) và 103,4 tỷ USD cho phát triển tổng thể (FCAS).
Tuy nhiên ông Davies nhận xét rằng bản thân nghi ngờ Nhật Bản sẽ là quốc gia cuối cùng được thêm vào chương trình GCAP, vì dự án càng thu hút nhiều đối tác thì chi phí càng được tiết giảm.
Thụy Điển đã cân nhắc việc tham gia chương trình, nhưng vào tháng 8/2022, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Saab - ông Micael Johansson, đã tuyên bố rằng sự tham gia của Stockholm bị gián đoạn.
Với chi phí và thị trường tiềm năng, Thụy Điển vẫn có thể thay đổi hướng đi và tham gia chương trình, giống như Tây Ban Nha chen chân vào dự án FCAS của Pháp - Đức.
"Chương trình GCAP sẽ cho phép quốc gia đối tác đưa ra các lựa chọn thiết kế để đáp ứng nhu cầu cụ thể, đồng thời tạo ra việc làm và cơ hội thương mại ở đất nước họ".
"Dự án cũng sẽ liên quan đến quan hệ đối tác bình đẳng giữa các công ty trong liên doanh, bao gồm BAE Systems của Anh, Leonardo ở Ý và Mitsubishi Heavy Industries đến từ Nhật Bản".
"Điều này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước và cung cấp quan hệ đối tác toàn cầu, thay vì các đối tác thuộc Liên minh châu Âu hình thành duy nhất theo chương trình Tempest trước đây", ông Davies kết luận.