Việc không thể sử dụng những vũ khí này trong thời gian dài đã tạo ra thách thức đáng kể đối với các lực lượng Ukraine . Trong số những loại vũ khí phải đưa đi sửa chữa, pháo hạng nặng chiếm số lượng nhiều nhất. Ukraine cho biết, pháo hạng nặng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công của họ, nhưng chúng cần được bảo dưỡng thường xuyên do sử dụng với tần suất lớn.
Đôi khi do có cấu tạo phức tạp hoặc do tính bảo mật nên việc bảo trì cần phải được thực hiện trên lãnh thổ các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cách xa chiến tuyến hàng trăm km.
Pháo tự hành Panzerhaubitze (hay PzH2000) của Đức. Ảnh: Reuters
Một số quan chức NATO cho biết, Ukraine chỉ được cung cấp những hệ thống với số lượng rất hạn chế, nên việc không thể sử dụng chúng trên chiến trường, cùng các yếu tố khác như thời tiết, có thể làm chậm bước tiến của Kiev.
Theo thống kê, trong trường hợp hỏng hóc, khoảng 90% các loại lựu pháo mạnh như Panzerhaubitze 2000 do Đức sản xuất, M777 do Anh sản xuất và Caesar của Pháp cần phải được bảo dưỡng bên ngoài Ukraine. Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin cho biết, Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine gặp rất ít vấn đề trên chiến trường, nhưng nếu có trục trặc, chúng cũng sẽ được chuyển ra nước ngoài để sửa chữa.
Các quan chức cấp cao của Đức cho biết, Ukraine sử dụng chưa đến 50% số lượng pháo tự hành Panzerhaubitze (hay PzH2000) – một loại pháo cơ động, có nòng dài, trên chiến trường vì phần còn lại cần phải được đưa đến Litva để sửa chữa. Litva nằm cách mặt trận Kherson, miền Nam Ukraine gần 1.500km. Tính đến thời điểm hiện tại, Đức đã chuyển giao cho Ukraine 14 hệ thống pháo này trong khi Hà Lan chuyển giao 5 hệ thống.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho biết, Ukraine có một hệ thống bảo trì 3 cấp độ. Các binh sỹ Ukraine được đào tạo ở nước ngoài sẽ cố gắng sửa chữa vũ khí trước. Trong trường hợp cần thiết họ có thể liên lạc với các chuyên gia phương Tây để nhận sự hướng dẫn bảo trì qua điện thoại hoặc bằng hình thức trực tuyến. Cuối cùng, nếu 2 biện pháp trên thất bại, họ sẽ chuyển trang thiết bị hoặc phụ tùng cần phải bảo trì ra khỏi đất nước.
Một số nước như Mỹ và Anh bảo dưỡng vũ khí mà họ cung cấp cho Kiev ở Ba Lan, gần biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, Warsaw đã từ chối đề xuất của Đức thành lập một trung tâm sửa chữa tại Ba Lan, thay vào đó, yêu cầu các nhà sản xuất Đức cung cấp thông tin kỹ thuật bí mật để một công ty do chính phủ Ba Lan kiểm soát thực hiện công việc sửa chữa. Hiện Đức và Ba Lan vẫn đang đàm phán về vấn đề này.
Tuy nhiên, ba quan chức cấp cao của Đức cho biết, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để vũ khí Đức được bảo trì tại Ba Lan là điều không thể chấp nhận được.
Lựu pháo Panzerhaubitze của Đức do công ty Đức Krauss-Maffei Wegmann GmbH & Co chế tạo, có độ chính xác cao, có khả năng tấn công các mục tiêu nhỏ cách xa 40km. Các quan chức Đức cho biết, quân đội Ukraine đã sử dụng lựu pháo PzH2000 với tần suất lớn - gấp nhiều lần giới hạn cho phép khoảng 100 phát mỗi ngày, khiến nòng pháo dễ bị hỏng hóc và biến dạng.
Trước đó, chính phủ Đức đã đề nghị Ukraine thuyết phục Ba Lan cho phép công ty này thành lập trung tâm sửa chữa ở Ba Lan nhưng không thành công. Cuối cùng Berlin đã nhờ sự trợ giúp của Slovakia để thành lập một trung tâm dịch vụ tại Slovakia, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2022. Theo các quan chức Đức, nhiều vũ khí Berlin tặng cho Ukraine, như hệ thống phòng không Iris-T SLM cũng sẽ được sửa chữa ở đây.
Quân đội Đức hiện chỉ có chưa đến 100 hệ thống PzH2000. Berlin đang phải nỗ lực rất nhiều để cung cấp đủ phụ tùng và đạn dược cho quân đội nước này, cũng như hỗ trợ Ukraine.
Nếu như PzH2000 gặp phải nhiều vấn đề thì hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất đến nay vẫn chưa gặp sự cố nghiêm trọng nào. Một số đơn vị vận hành của Ukraine cho biết, chỉ có một số trục trặc xảy ra với khung gầm của hệ thống nhưng chúng có thể được sửa chữa tại Ukraine.
Theo các binh sỹ Ukraine, quân đội nước này chỉ có thể khắc phục khoảng 10 đến 15% sự cố xảy ra với các hệ thống pháo binh do phương Tây cung cấp, một phần do thiếu phụ tùng thay thế và thiếu kho chứa trang thiết bị.
Một số nguồn tin cho biết, đôi khi có những vấn đề xảy ra do các binh sỹ Ukraine không được huấn luyện đầy đủ về cách sử dụng vũ khí. Chẳng hạn như kíp điều khiển phải tháo và làm sạch một số bộ phận của lựu pháo phương Tây hai ngày một lần. Nhưng không phải lúc nào họ cũng thực hiện được công việc này và điều đó khiến nhiều bộ phận bị bào mòn đến mức không thể sửa chữa được.
Một quan chức Đức cho biết, nếu như các binh sỹ Đức phải trải qua khóa huấn luyện dài 4 tháng để học cách vận hành lựu pháo thì đối với các binh sỹ Ukraine, thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn 40 ngày. Để giúp Ukraine, Đức đã thành lập các đơn vị hỗ trợ trực tuyến cho các đội pháo binh. Những đơn vị này có thể kết nỗi trực tiếp với các chuyên gia quân sự và nhà sản xuất vũ khí để khắc phục sự cố kỹ thuật trên chiến trường.