EVN đề xuất xây dựng cơ chế tiền lương đặc thù

Tâm An |

Phó Tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cho biết, việc đổi mới cơ chế tiền lương, đào tạo nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng năng suất lao động.

Đạt chỉ tiêu năng suất lao động

Trao đổi liên quan đến việc thực hiện Đề án nâng cao năng suất lao động giai đoạn 2016-2020, một phần của Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 của Tập đoàn, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, đây là một đề án lớn, có vai trò quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn này và những năm tiếp theo.

Đó là, xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững, giữ vai trò nòng cốt, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng; làm cơ sở để ngành công nghiệp Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, có đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả.

EVN đã tiến hành sửa đổi các quy chế, quy định liên quan đến quản lý lao động, hoàn thiện khâu quản lý và sử dụng lao động hợp lý, gắn sử dụng lao động với hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị. Đồng thời tiến hành tái cơ cấu các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, bố trí, sắp xếp hợp lý lao động.

Năm 2017, Tập đoàn đang thực hiện chủ đề Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, với mục tiêu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động.

Tập đoàn đã rà soát mô hình tổ chức sản xuất, sửa đổi, bổ sung định mức lao động cho các khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh điện, tăng cường quản lý lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động có tính đến việc ứng dụng khoa học công nghệ.

Trên cơ sở đó, tiến hành đổi mới mô hình tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa cao, tách khâu dịch vụ sửa chữa với khâu quản lý vận hành tại các Tổng công ty.

Định mức lao động trong sản xuất kinh doanh điện cũng được rà soát, sửa đổi và tăng từ 15 - 50% so với định mức trước đây. Một số công việc giản đơn không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, được thuê dịch vụ bên ngoài.

Ông Đinh Quang Tri cho biết, về năng suất lao động, các đơn vị thành viên đã đạt được các chỉ tiêu về năng suất lao động hàng năm theo yêu cầu của Đề án. Năng suất lao động thực hiện năm 2016 đạt 1,76 triệu kWh điện thương phẩm/lao động sản xuất kinh doanh điện, tăng 12,6% so với thực hiện năm 2015.

Trong quá trình triển khai đề án, ông Tri cho biết có những khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, quản lý và sử dụng lao động.

Cụ thể, số lượng lao động tính trên cùng một đơn vị sản phẩm vẫn còn cao so với Điện lực các nước trong khu vực. Nguyên nhân là, các nước trong khu vực thường sử dụng phổ biến dịch vụ thuê lao động ngoài.

Ngoài ra, một số thiết bị, công nghệ của các nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp, công tơ đo đếm của Việt Nam... được đầu tư từ trước năm 1990, đến nay đã lạc hậu, trình độ tự động hóa chưa cao dẫn đến hao phí lao động nhiều.

Việc quản lý lao động, tuyển dụng lao động trước đây chưa chặt chẽ, định mức lao động chưa sát, còn tồn tại lực lượng lao động phổ thông không có chuyên môn, tay nghề. Một số lao động do tuổi cao, sức yếu không đảm bảo làm việc trên cao, nhưng không đủ trình độ để bố trí việc khác.

Xây dựng cơ chế trả lương hợp lý

Nhằm tăng năng suất lao động, ông Đinh Quang Tri cho biết, đổi mới cơ chế tiền lương, đào tạo nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng.

Theo đó, EVN đã xây dựng cơ chế trả lương cho người lao động một cách hợp lý, với mục tiêu, tiền lương, thu nhập là công cụ quản lý lao động hiệu quả và đòn bẩy tăng năng suất lao động.

Từ năm 2015, EVN đã xây dựng cơ chế tiền lương đối với người lao động; tiền lương, thù lao đối với người quản lý các đơn vị gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu tối ưu hóa chi phí.

Các đơn vị trong EVN xây dựng quy chế trả lương theo vị trí chức danh công việc, gắn tiền lương với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và mức độ đóng góp của người lao động đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch; nghiên cứu cơ chế trả lương và chế độ đãi ngộ phù hợp đối với lực lượng lao động chất lượng cao, từ đó, thu hút và xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Về đào tạo, Tập đoàn đã đề ra chỉ tiêu mỗi cán bộ nhân viên ít nhất được đào tạo 1 lần trong năm. Chương trình đào tạo cũng đưa ra định hướng, đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyên sâu trong các lĩnh vực kỹ thuật, từng bước làm chủ công nghệ, giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác cung cấp thiết bị của nước ngoài, giảm chi phí thuê chuyên gia.

Cũng theo ông Tri, để thực hiện Đề án này, EVN kiến nghị để có cơ chế cho lực lượng lao động chuyên môn thấp, sức khoẻ không đáp ứng, ngoài những chính sách hỗ trợ lao động nghỉ việc của Nhà nước, Tập đoàn có thêm cơ chế đặc thù trong việc chi trả, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm.

Về cơ chế tiền lương, EVN đề nghị được xây dựng cơ chế tiền lương đặc thù trình các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt bởi để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo tiền lương của người lao động và người quản lý, xét về dài hạn là vấn đề khó khăn với các đơn vị trực thuộc EVN.

Hiện, chỉ tiêu lợi nhuận của toàn Tập đoàn được phê duyệt trong phương án giá điện, EVN điều hành, phân bổ chỉ tiêu lợi nhuận cho các đơn vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại