EU bán ồ ạt tàu ngầm, tên lửa cho các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương

Anh Tuấn |

Mặc dù Liên minh Châu Âu (EU) không phải một thế lực quân sự có ảnh hưởng lớn tại khu vực Châu Á, song họ vẫn có cách để ảnh hưởng một cách gián tiếp đến tình hình tại đây.

Việc những thông tin về khả năng chiến đấu của các tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp bị tiết lộ đã phần nào cho thấy Châu Âu đang đẩy mạnh các hoạt động buôn bán khí tài quân sự tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

EU bán ồ ạt tàu ngầm, tên lửa cho các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Một tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp

Vào năm 2005, Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận với hãng đóng tàu DCNS thuộc sự kiểm soát của chính phủ Pháp để mua 6 tàu ngầm lớp Scorpene hạng nhẹ có tổng trị giá 3,5 tỉ USD. Các tàu này hiện đang được DCNS chế tạo với sự hợp tác của một công ty quốc phòng do chính phủ Ấn Độ quản lý.

Không chỉ có tàu ngầm Scorpene, Pháp cũng đang cố gắng để Ấn Độ chấp thuận thỏa thuận mua 36 máy bay chiến đấu Rafale có tổng chi phí 8,9 tỉ USD. Ngoài ra, Ấn Độ cũng bày tỏ sự quan tâm đối với việc mua các loại tên lửa do Pháp sản xuất.

Ngoài ra, vào tháng 4 năm nay, DCNS đã vượt qua các đối thủ ThyssenKrupp Marine System (TKMS) của Đức và liên doanh giữa Mitsubishi với Kawasaki của Nhật bản để giành thỏa thuận nhằm cung cấp cho Úc 12 tàu ngầm Shortfin Barracuda trong vòng 50 năm tới. Loại tàu này sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với hạm đội tàu ngầm của Hải quân Úc.

Trong khi Pháp đang giành được nhiều thương vụ quốc phòng lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương, Đức cũng tỏ ra không hề thua kém. 

Vào đầu tháng 8 vừa qua, hãng Rheinmetall AG đã hợp tác với các công ty Etika Strategi của Malaysia và BMC của Thổ Nhĩ Kỳ để chế tạo xe bọc thép, nhằm mở rộng hoạt động của ba hãng quốc phòng tại Châu Á. Thêm vào đó, TKMS sẽ chuyển cho Hải quân Singapore 2 tàu ngầm Type 218SG trước năm 2020 với tổng thi phí 2,2 tỉ USD.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2015, tổng giá trị của các loại khí tài mà Pháp và Đức đã bán cho các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương lần lượt là 9,681 tỉ USD và 7,166 tỉ USD. 

Đứng sau hai nước này gồm có Anh (với 4,736 tỉ USD), Thụy Điển (2,485 tỉ USD), Tây Ban Nha (2,135 tỉ USD), Ý (1,924 tỉ USD) và Hà Lan (1,197 tỉ USD).

Có thể thấy rằng, Pháp và Đức, hai quốc gia có nền kinh tế lớn bậc nhất trong EU đang nắm giữ một thị phần rất lớn trong thị trường quốc phòng ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Pháp là một rong những nước châu Âu có sự hiện diện quân sự ở Châu Á - Thái Bình Dương và có quan hệ sâu rộng với các nước trong khu vực này. 

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại, Paris đã quyết định đẩy mạnh ngành công nghiệp quốc phòng và trong tương lai họ được cho là sẽ trở thành nước xuất khẩu khí tài quân sự lớn thứ hai thế giới, vượt mặt Nga trong vài năm tới.

Trong khi đó, mặc dù thường tránh xa những căng thẳng quân sự trên thế giới, lãnh đạo Đức dường như cũng tìm cách đẩy mạnh lợi nhuận thu được từ sự bất ổn trên vùng biển ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Các nước EU cũng lặng lẽ xuất khẩu vũ khí cho tất cả các bên liên quan đến một cuộc xung đột ở châu Á. Ví dụ, họ bán khí tài quân sự cho cả Ấn Độ và Pakistan, cũng như cho các quốc gia đang phản đối những hành động trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Có thể nói rằng, mặc dù được coi là một thế lực “ôn hòa” sau khi Thế chiến II kết thúc, giống như Mỹ và Nga, EU cũng cung cấp một số lượng vũ khí lớn cho vùng Châu Á - Thái Bình Dương vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại