Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Theo hãng AP, các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu ngày 20/10 đã đưa ra thảo luận về việc áp mức trần giá khí đốt nhằm kiềm chế khủng hoảng năng lượng sau leo thang Nga - Ukraine.
Trước đó, tại cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu vào đầu tháng 10, các nhà lãnh đạo khối đã không thể tìm được tiếng nói chung trong việc áp giá trần khí đốt để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng. Những nước này chỉ ủng hộ việc thiết lập các biện pháp mua sắm khí đốt chung vào cuối mùa đông để tránh phải trả giá cao hơn trên thị trường.
Ở thượng đỉnh lần này, đây là lần đầu tiên Đức và Pháp tiếp tục đưa ra các quan điểm khác nhau. Trong khi Đức bày tỏ nghi ngờ và muốn chấm dứt các kế hoạch áp mức trần giá khí đốt thì hầu hết các quốc gia thành viên khác của EU đều muốn duy trì quy định này.
"Vai trò của chúng ta là đảm bảo một khối châu Âu thống nhất và Đức là một phần trong đó. Bất kỳ sự tách biệt nào đều khiến khối không hoàn chỉnh. Điều quan trọng là các đề xuất cần nhận được đồng thuận rộng rãi và tìm kiếm sự nhất trí", Tổng thống Pháp Macron cho biết tại hội nghị thượng đỉnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh bất kỳ cuộc tranh chấp nào đều nằm ở phương pháp thực hiện chứ không phải mục tiêu chung.
"Giá khí đốt, bao gồm dầu mỏ, than đá phải giảm xuống, giá điện cũng phải giảm xuống và đây là điều đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn châu Âu", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
Theo AP, giá khí đốt tự nhiên đã tăng mạnh, vượt ngoài tầm kiểm soát trong mùa hè khi các quốc gia EU tìm cách trả giá cao hơn để lấp đầy dự trữ cho mùa đông. Giờ đây, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải tìm cách tăng cường thu mua khí đốt và có thể thiết lập mức giá trần khí đốt tạm thời để đảm bảo sức nóng của thị trường năng lượng không quay trở lại.
Giải pháp cho mùa đông tới
Các quốc gia thành viên EU cũng đã đồng ý sẽ cắt giảm nhu cầu khí đốt 15% trong mùa đông. Bên cạnh đó, EU cũng đã cam kết lấp đầy kho dự trữ khí đốt lên 80% công suất trong tháng 11 đồng thời giảm sản xuất điện từ khí đốt nhằm giảm nhu cầu cao sử dụng điện. Việc áp giá trần khí đốt liên tục là chủ đề nóng trong chương trình nghị sự chính trị của EU trong nhiều tháng qua.
Đức và Hà Lan đều cho rằng các biện pháp can thiệp vào thị trường như việc áp giá trần khí đốt có thể ảnh hưởng không tốt đến sự sẵn có của khí đốt tự nhiên và không hề giúp khuyến khích các chính phủ và người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng. Tổ chức doanh nghiệp châu Âu Business Europe mới đây cảnh báo, tình hình hiện tại có thể khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa do không thể thanh toán được các hóa đơn năng lượng. Theo các nhà ngoại giao, kế hoạch của EU sẽ thúc đẩy các hợp đồng mua khí đốt chung và là biện pháp để cải thiện tình đoàn kết giữa các quốc gia EU bị tổn thương nhiều nhất do giá năng lượng cao.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sáng ngày 21/10 cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí đối với các biện pháp liên quan nhằm khống chế giá năng lượng tăng. 27 nhà lãnh đạo các quốc gia EU đã tham gia hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày ở Brussels nhằm cải thiện sự khác biệt giữa các quốc gia trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng năng lượng ở châu lục.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định thượng đỉnh này đã thiết lập một lộ trình vững chắc để tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng. Trước đó, trong bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận hội nghị này sẽ rất khó khăn và kêu gọi một hành động khẩn cấp nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng trên cơ sở đảm bảo 3 mục tiêu: giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, đảm bảo an ninh nguồn cung và kiềm chế giá cả.
"Tôi biết rằng nhiều người dân châu Âu đang lo ngại về lạm phát, hóa đơn năng lượng và nguồn cung khí đốt khi mùa đông sắp tới. Phản ứng tốt nhất lúc này là đoàn kết và thống nhất châu Âu. Và trên tinh thần này, Ủy ban vừa nhất trí về một khuôn khổ lập pháp mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang leo thang hiện nay", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh./.