Ép Iran tới bước đường cùng, tại sao Mỹ vẫn không thể hoàn toàn đẩy Tehran xuống "cửa tử"?

Tất Đạt |

Các cuộc căng thẳng giữa Mỹ và Iran dường như đang có xu hướng leo thang và không có khả năng đạt được giải pháp trong tương lai gần.

Không còn gì để cấm vận

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ tiếp tục áp đặt thêm các cấm vận đối với Iran. Nhưng theo Bloomberg, Mỹ hiện tại đã không còn nhiều lựa chọn bởi hầu hết nền kinh tế Iran đã bị kiệt quệ nặng nề dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt.

Trước đây, Mỹ đã mạnh tay cấm vận các ngành kinh tế mũi nhọn của Iran như dầu mỏ, ngân hàng và thép, chỉ chừa lại một số sản phẩm xuất khẩu nhất định. Hiện tại, ông Trump có thể "tấn công" ngân hàng trung ương Iran bằng loạt cấm vận lần thứ 2, nhưng việc đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân thường và gây ra khủng hoảng nhân đạo ở nước này.

"Chính quyền ông Trump đã nhắm vào hầu hết các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao của Iran và đẩy quốc gia này vào suy thoái nghiêm trọng trong năm nay. Rất nhiều hàng xuất khẩu của Iran đã cạn kiệt bởi lo ngại rủi ro và trừng phạt trong hệ thống ngân hàng," Peter Harrell, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ, cho biết.

Hôm 22/6, ông Trump cho biết sẽ áp loạt cấm vận mới đối với Iran vào ngày 24/6, vài ngày sau khi ông đột ngột hủy bỏ kế hoạch không kích nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo để đáp trả việc Iran bắn hạ một máy bay không người lái của hải quân Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đưa ra bình luận tương tự vào ngày 23/6.

Ép Iran tới bước đường cùng, tại sao Mỹ vẫn không thể hoàn toàn đẩy Tehran xuống cửa tử? - Ảnh 1.

Xuất khẩu dầu mỏ Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề do cấm vận Mỹ. Ảnh: Oil and Gas People

Trả lời phóng viên trước khi bay tới Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để vận động một liên minh chống Iran, ông Pompeo cho biết "khoảng hơn 80%" kinh tế Iran đã bị cấm vận. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định một đợt cấm vận tiếp theo "sẽ đảm bảo rằng Iran sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm cách phát triển kinh tế và né tránh cấm vận".

Mỹ hiện tại đã cấm vận gần 1.000 thực thể của Iran, bao gồm ngân hàng, cá nhân, phương tiện liên quan tới hoạt động giao thương, ngành năng lượng và máy bay Iran. Hồi tháng 5, chính quyền ông Trump đã nghiêm cấm việc mua sắt, thép, nhôm và đồng từ Iran.

Mỹ cũng thu hồi lệnh miễn trừ cho phép 8 quốc gia bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Ông Trump đã dùng mọi biện pháp để thắt chặt xuất khẩu dầu Iran nhằm buộc Tehran từ bỏ các tham vọng ở Trung Đông và tái thỏa thuận hiệp ước hồi năm 2015. Trong nửa tháng 6 vừa qua, dầu thô từ Iran đã giảm xuống mức 190.000 thùng/1 ngày, ít hơn 1/10 so với khối lượng được xuất khẩu vào đầu năm 2018.

Mỹ chỉ có một số ngoại lệ với cấm vận Iran vì mục đích nhân đạo ví dụ như mua thực phẩm, thuốc men, mặc dù không ai rõ những quy định này được quyết định và thông qua như thế nào.

Bộ Ngân khố Mỹ đã cấm vận thống đốc ngân hàng trung ương Iran và một quan chức ngân hàng cấp cao khác với lí do là "cung cấp hỗ trợ cho hoạt động khủng bố".

"Tuyệt vọng hơn"

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul, một trong những thành viên quan trọng của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho rằng những trừng phạt với Iran vẫn "chưa đủ".

"Chúng ta cần phải khiến cho Iran tuyệt vọng hơn. Một khi nền kinh tế Iran suy kiệt, các lãnh đạo của quốc gia này sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán với chúng ta," ông nói.

Tuy nhiên, xét trên những cấm vận đã được áp đặt, thì việc trừng phạt các công ty và những quan chức còn lại hầu như chỉ mang tính biểu tượng và không có nhiều ảnh hưởng tới độ "buộc Iran phải trả đũa quyết liệt".

"Mỹ có thể cấm vận hàng loạt mặt hàng dân dụng tới Iran, nhưng điều đó sẽ khiến người dân khổ sở hơn chứ không phải chính phủ," một nghị sĩ Mỹ đánh giá.

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố các lệnh cấm vận mới của Mỹ vào ngày 7/6 cho thấy lời kêu gọi của ông Trump về việc đàm phán với Tehran là hoàn toàn "vô nghĩa". Những cấm vận mới sẽ càng củng cố thêm quan điểm này của phía Iran.

Xuất khẩu dầu mỏ của Iran - nguồn thu nhập chính của quốc gia này - đã giảm mạnh vì cấm vận. Các dự báo đầu năm nay cho thấy GDP của Iran sẽ giảm 6% trong năm nay sau khi giảm 4% trong năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại