Eo biển Tokara: "Mồi lửa mới" châm ngòi xung đột Trung-Nhật

Hải Võ |

Trung Quốc dường như đã tìm ra một vị trí "hiểm" trên biển Hoa Đông để chống lại Nhật Bản và khiến Tokyo "tiến thoái lưỡng nan" trong nỗ lực phản ứng.

Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) ngày 21/6 đưa tin, cuộc tranh cãi leo thang giữa Tokyo và Bắc Kinh về vụ tàu trinh sát Trung Quốc đi qua vùng biển đảo Kuchinoerabu (tỉnh Okinawa) ở eo biển Tokara hôm 15/6 có thể trở thành "mồi lửa mới" thổi bùng căng thẳng Trung-Nhật.

Trong khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố eo biển trên là tuyến hàng hải quốc tế và tàu chiến nước này đi qua là phù hợp quyền tự do hàng hải theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phía Nhật Bản thẳng thừng đáp trả rằng điều này "không thể chấp nhận".

Chính phủ Nhật Bản cho rằng việc thừa nhận chủ trương của Trung Quốc đồng nghĩa với khả năng bị hiểu là Tokyo thừa nhận tàu ngầm lưu thông qua khu vực này đúng với luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 20/6 nói:

"Căn cứ quy định của UNCLOS và tình hình thực tế quốc tế liên quan, trong eo biển lãnh hải có chức năng hàng hải quốc tế, tất cả tàu thuyền đều có quyền thông hành quá cảnh, không cần trình báo với quốc gia duyên hải."

Đáp lại, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố Tokyo "chưa từng có nhận thức như những gì Trung Quốc chủ trương".

Các quan chức Chính phủ Nhật chỉ ra "eo biển Tokara từ trước đến nay không hề được nhìn nhận như một eo biển quốc tế".

Eo biển Tokara: Mồi lửa mới châm ngòi xung đột Trung-Nhật - Ảnh 1.

Bà Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 20/6. (Ảnh: BNGTQ)

Làm giống Mỹ, Trung Quốc khởi động "cuộc chiến tự do hàng hải" với Nhật

Theo định nghĩa của UNCLOS, eo biển quốc tế là tuyến đường biển tự nhiên nối các biển, các đại dương với nhau và được sử dụng cho giao thông hàng hải quốc tế.

Eo biển có thể nối liền các vùng biển có chế độ pháp lý khác nhau như biển cả, vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải với biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế khác.

Giáo sư Đại học Osaka Akira Mayama nhận định, Trung Quốc đã bắt đầu "cuộc chiến tự do hàng hải" chống lại Tokyo, trong đó nhân tố quan trọng nhất là cách lý giải của Bắc Kinh đối với khái niệm "eo biển quốc tế".

Theo Nikkei, xác định một "eo biển quốc tế" theo luật quốc tế cần thỏa mãn các điều kiện thực tế về lưu thông quốc tế và tiêu chuẩn địa lý.

Đây cũng là nội dung chính trong xung đột lập trường giữa Trung-Nhật. Tokyo khẳng định "lượng tàu thuyền lưu thông qua eo biển Tokara ít", còn Bắc Kinh nói ngược lại.

Theo các chuyên gia về luật quốc tế, hiện chưa tồn tại tiêu chuẩn đánh giá lượng tàu thuyền lưu thông bao nhiêu là đủ để xác định "eo biển quốc tế".

Theo quy định của UNCLOS, "quyền thông hành" khi lưu thông qua loại eo biển này có mức độ hoạt động tự do hơn so với "quyền thông hành vô hại" khi đi qua lãnh hải một nước.

Nikkei cho hay, UNCLOS quy định rõ ràng về "quyền thông hành vô hại", trong đó cấm tàu thuyền đi qua triển khai hoạt động thu thập tình báo hoặc các thông tin liên quan về an ninh, quốc phòng của quốc gia duyên hải.

Trong khi đó, "quyền thông hành" bình thường không bị áp đặt quy định trên, cho phép tàu nước ngoài "có cơ sở giải thích" nếu tiến hành thu thập thông tin khi đi qua vùng biển gần một nước khác.

Giáo sư Mayama cho hay, định nghĩa của UNCLOS về eo biển quốc tế rất có lợi cho hành động của hải quân các nước và chính quân đội Mỹ cũng có phạm vi giải thích rộng đối với vấn đề này.

Eo biển Tokara: Mồi lửa mới châm ngòi xung đột Trung-Nhật - Ảnh 3.

Tàu trinh sát Trung Quốc bị Nhật Bản phát hiện "xâm nhập lãnh hải" hôm 15/6.

Nhật muốn đối đầu Trung Quốc nhưng "vướng" Mỹ?

Ông Mayama nói: "Lần này Trung Quốc đã đưa ra cách lý giải giống với Mỹ. Trung Quốc cho rằng, eo biển Tokara đáp ứng đủ điều kiện của một eo biển quốc tế. Có thể thấy Bắc Kinh đã 'ngắm chuẩn' địa điểm thích hợp này và sẽ tập trung máy bay, tàu ngầm đến đây trong tương lai."

Akira Mayama nhận định, Nhật Bản bắt buộc phải đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ khi Bắc Kinh xem Tokara như một eo biển quốc tế, nhưng điều này đồng thời tạo ra rào cản ảnh hưởng đến hoạt động của hải quân Mỹ.

Học giả người Nhật bình luận:

"Nhiều khả năng sau này Trung Quốc sẽ đưa ra chủ trương hoạt động quân sự tự do trong vùng đặc quyền kinh tế giống như Mỹ.

Nước Nhật, vốn phụ thuộc vào sự bảo hộ an ninh của quân đội Mỹ, sẽ phải chống lại nước tấn công về pháp lý của Bắc Kinh như thế nào, là một diễn biến rất đáng quan tâm."

Nói cách khác, Nhật Bản không thể tuyên bố chống lại lập trường của Trung Quốc hoặc đưa vấn đề ra các cơ quan trọng tài quốc tế để giải quyết về pháp lý mà không gây ra những hệ quả tiêu cực nhất định đối với Mỹ, bởi Bắc Kinh từ trước đến nay luôn cáo buộc Mỹ/đồng minh áp đặt "tiêu chuẩn kép" trong ứng xử với họ.

Theo Kyodo News, căng thẳng Trung-Nhật đã leo thang trong vài tuần qua kể từ lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc đi vào Vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, và vấp phải phản ứng gay gắt.

Tokyo cứng rắn tuyên bố sẽ ngăn cản các chiến hạm Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gọi đây là "giới hạn cuối cùng không được phép vượt qua".

Có thể hiểu Chính phủ Nhật Bản cảnh cáo sẽ ra mệnh lệnh "hành động cảnh bị trên biển" và điều động Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (MSDF).

Kyodo cho hay, việc các tàu Trung Quốc tiến xa hơn trong việc mang vũ khí đến gần các khu vực nhạy cảm trên biển Hoa Đông có thể diễn biến thành xung đột vũ lực giữa hai nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại