Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Ba kịch bản kết nối với xe buýt

Trọng Đảng |

Để chuẩn bị cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến đường sắt 2A) đi vào hoạt động, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (HPTC) - Sở GTVT Hà Nội lên phương án kết nối xe buýt với đường sắt đô thị. Có 3 kịch bản cho phương án này.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc HPTC cho biết, theo phương án vận hành của tuyến đường sắt 2A, mỗi ngày có khoảng 287 nghìn lượt hành khách được vận chuyển trên tổng số 275 lượt tàu chạy/ngày.

“Theo phương án vận chuyển này lượng khách đi lại trên tàu đô thị sẽ rất lớn. Để đảm bảo việc kết nối dọc và kết nối ngang khi hành khách muốn tiếp cận tàu Cát Linh - Hà Đông, các tuyến buýt hiện có sẽ được điều chỉnh, bố trí lại”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, để thực hiện phương án trên, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT Hà Nội phải đảm bảo hai mục tiêu: kết nối để tổ chức tốt lượng hành khách di chuyển trên tuyến đường sắt 2A đến các điểm tốt nhất; không làm ảnh hưởng đến hành khách hiện nay do xe buýt đảm nhận. 

Cùng với đó, việc điều chỉnh luồng tuyến phải đảm bảo đồng bộ, tăng cường kết nối ngang từ 12 nhà ga với các tuyến buýt, giảm dần kết nối dọc.

Từ thực tế trên, HPTC đã tham mưu để Sở GTVT xây dựng phương án số 3622 để kết nối xe buýt với tuyến đường sắt 2A. 

Theo đó, có 3 kịch bản kết nối được đưa ra: kịch bản số 1 - sau khi vận hành 6 đoàn tàu; kịch bản số 2 - khi vận hành 10 đoàn tàu; kịch bản số 3 - khi có sự cố dừng tàu trên 2 tiếng.

Cụ thể, với kịch bản số 1 - chạy các đoàn tàu trong 15 ngày đầu chạy miễn phí: Sở GTVT sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí tàu đường sắt đô thị.

Kịch bản thứ 2 - sau thời gian chạy miễn phí (tuyến đường sắt 2A hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu): Sở GTVT tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), đảm bảo theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng sẽ được điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn sẽ thực hiện điều chỉnh sau. 

Việc này giúp hạn chế tới mức thấp nhất đối với hành khách đang đi xe buýt thường xuyên.

Cụ thể, các tuyến buýt sẽ được điều chỉnh lộ trình, gồm: 4 tuyến buýt số 02, 21, 27, 33 do có lộ trình đi trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị 2A; duy trì hoạt động đối với 05 tuyến buýt: 18, 23, 50, 99 và BRT01 theo hướng kết nối với Ga Cát Linh; Tổ chức hoạt động đối với 20 tuyến buýt có nhiệm vụ kết nối ngang đến các ga đường sắt đô thị gồm: 105, 19, 22B, 22C, 39, 103, 106, 85, 29, 60A, 05, 44, 60B, 104, 16, 24, 51, 30, 84, 09.

Kịch bản thứ 3 - Khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng: trong trường hợp này ở 3 tháng đầu khi đưa vào vận hành khai thác thương mại các đoàn tàu, Sở GTVT tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong 03 tháng đầu từ khi đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2. Tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga (nếu cần).

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện phương án kết nối trên đã được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đồng ý và giao các sở ngành triển khai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại