Đứng trước ngã ba đường, đừng biến thầy Park và VFF thành những "kẻ yêu nhau"

Tâm Anh - Ảnh: Đông Anh |

Có nực cười không khi thầy Park nói: "Tôi có vội đâu!", thì bầu Đức đã kịp đòi đuổi người kế nhiệm của mình ở VFF, và quả tình ông phó chủ tịch VFF từ chức thật.

1. Có một câu nói mà những đôi trẻ yêu nhau gần đây vẫn thường hay nhắc vui, rằng "Ai yêu nhiều hơn, người đấy thua cuộc". "Câu chuyện tình" giữa thầy Park và bóng đá Việt Nam, suốt khoảng thời gian hơn một năm rưỡi qua không có người thua, kẻ thắng. Suốt quãng thời gian ấy, họ cùng nhau kinh qua những thử thách gian khổ, và cùng đoạt được những kỳ tích mà chẳng ai dám nghĩ đến trước khi HLV Park Hang-seo đặt chân đến Việt Nam.

Hẳn nhiên, sau những ngày tháng "hương lửa mặn nồng" ấy, tình cảm của thầy Park với bóng đá Việt Nam và ngược lại chỉ càng thêm thắm thiết. Có lẽ bản thân HLV Park Hang-seo, cũng như người hâm mộ bóng đá Việt Nam chưa từng nghĩ đến kịch bản "chia tay", và việc gia hạn tiếp "mối tình" đang thăng hoa này là điều tất nhiên.

Dẫu vậy, việc quyết định "tình phí" cho bản hợp đồng mới lại không chỉ phụ thuộc vào một mình HLV Park Hang-seo, mà chịu sự chi phối rất nhiều của người đại diện của ông - Lee Dong-jun, người vừa phát biểu trên báo Hàn Quốc rằng "Hi vọng ông Park được VFF đối xử công bằng". "Công bằng", có nghĩa là mức đãi ngộ mới phải xứng đáng với những gì HLV Park Hang-seo đã và sẽ cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

Đứng trước ngã ba đường, đừng biến thầy Park và VFF thành những kẻ yêu nhau - Ảnh 1.

Dĩ nhiên, mức ưu đãi gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với hiện tại là hoàn toàn xứng đáng với HLV Park Hang-seo, chỉ có điều với động thái ấy của người đại diện 33 tuổi này, cộng với sức ép từ tận... năm ngoái đến tận bây giờ của báo giới, dự luận và người hâm mộ bóng đá Việt Nam, có vẻ như VFF đang bị đặt vào thế khó khi vừa phải bằng mọi giá giữ chân được thầy Park, vừa phải cân đối kinh phí, bởi trước mắt là rất nhiều giải đấu lớn, rất nhiều tiền phải đổ ra đầu tư cho các đội tuyển.

2. Ông Phó chủ tịch VFF Cấn Văn Nghĩa từ chức, có phải do không tìm được kinh phí để trả lương cho thầy Park ở bản hợp đồng mới? E rằng là không. Nên nhớ, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2019, VFF được cho là đã thu về được 148 tỷ tiền tài trợ.

Nhưng ông Nghĩa từ chức, liệu có phải do áp lực từ bầu Đức, với phát biểu rằng người kế nhiệm của mình nên từ chức? E rằng là có, dù cho số tiền ông Đức cam kết rằng người mà mình đề cử ngồi vào chiếc ghế của ông Nghĩa để lại chỉ là 200 tỷ mỗi năm, so với số tiền mà VFF kiếm được chỉ 6 tháng đầu năm thì rõ ràng vẫn còn "dưới định mức" khá xa.

Đứng trước ngã ba đường, đừng biến thầy Park và VFF thành những kẻ yêu nhau - Ảnh 2.

Ai có lợi khi ông Cấn Văn Nghĩa phải rời ghế? Hay ho thay, lại chính là VFF. Với việc ra đi của ông Nghĩa, cùng lời đồn đoán VFF khó khăn trong việc kiếm tiền để trả cho thầy Park, "phía ông Park" sẽ phải có sự cân nhắc hơn về việc đề xuất chế độ đãi ngộ mới cho ông, sau đòi hỏi "được đối xử công bằng". Chẳng phải "Ai yêu nhiều hơn, người đấy thua cuộc" sao? Trên bàn đám phán, hẳn nhiên tình yêu không phải là thứ được đặt lên đầu tiên.

Ông Cấn Văn Nghĩa chia tay VFF, rất có thể chiếc ghế này lại rơi vào tay của một doanh nhân lớn, như nó đã từng qua suốt các thời kỳ, từ ông Nguyễn Quốc Kỳ, Lê Hùng Dũng, đến Đoàn Nguyên Đức.

Việc ông Cấn Văn Nghĩa ngồi vào chiếc ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ chưa chắc đã là điều hay, bộc lộ rõ qua việc ông phải từ chức chỉ sau có 6 tháng tại vị. Nhưng ít ra, nó cũng đưa nguồn tài tài chính của VFF thoát khỏi tay của các "ông lớn".

Đứng trước ngã ba đường, đừng biến thầy Park và VFF thành những kẻ yêu nhau - Ảnh 3.

Từ ông Nguyễn Quốc Kỳ cho tới Đoàn Nguyên Đức, VFF đều phụ thuộc rất nhiều vào sự "rộng tay" của các ông phó chủ tịch phụ trách tài chính. Ngay như bầu Đức, trong suốt nhiệm kỳ của mình, có bao giờ ông dám dõng dạc tuyên bố rằng đem về cho VFF một hợp đồng nào "ra tấm ra món"? Thậm chí, sau khi ủng hộ thành công Hữu Thắng vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG Việt Nam, lời hứa "lo tất cho các đội tuyển" cũng theo gió mà bay đi.

Việc bầu Đức trả lương cho thầy Park có phải là việc hay? Dĩ nhiên. Nhưng hôm nay, với sự thành công của thầy Park, vị thế của bóng đá Việt Nam đã khác. VFF có quyền đường hoàng mời gọi và đàm phán sòng phẳng các hợp đồng tài trợ với các đối tác cần đến mình, thay vì trông chờ vào những "gói cứu trợ" kiểu như của bầu Đức.

Đứng trước ngã ba đường, đừng biến thầy Park và VFF thành những kẻ yêu nhau - Ảnh 4.

Theo Tiền Phong, cách đây không lâu VFF đã thông qua cơ chế chi "hoa hồng" cho các "đại lý" đem tài trợ về cho Liên đoàn. Con số "hoa hồng" này lên tới 30% với một "đại lý" lớn, và đây chính là công ty Nam Hương của doanh nhân Nguyễn Hoài Nam - người được bầu Đức tiến cử ngồi vào chiếc ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính.

Nếu bầu Đức thành công thật trong việc đặt ông Nam vào chiếc ghế ông từng ngồi, có một câu hỏi sẽ khiến nhiều người nghĩ đến, là doanh nhận này liệu sẽ bớt số "hoa hồng" kia, để làm lợi cho VFF, cho bóng đá Việt Nam, hay tăng nó lên để làm lợi cho bản thân?

Chưa trả lời được câu hỏi này, thì "mối tình" của VFF và thầy Park vẫn còn mờ mịt lắm, bởi họ vẫn sẽ thủ thế " Ai yêu nhiều hơn, người đấy thua cuộc". Vẫn đang trong cơn "nồi da xáo thịt", thì dẫu cho thầy Park có thật lòng đến mấy, thì VFF chắc gì đã đủ bình yên để một lòng một dạ "yêu" người đem về những kỳ tích chưa từng có cho bóng đá nước nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại