Đừng thanh minh Công Vinh ơi, nhìn về phía tây mà làm bóng đá

Ngô Trà |

"Anh em ở đây ai cũng biết coi đá banh hết anh Vinh ơi!", "Tao coi đá banh lúc mày còn nhỏ xíu à!", dù Công Vinh có nói gì, cũng chẳng thể xóa được nỗi đau của cổ động viên TP.HCM.

1. Rồi tất cả cũng sẽ qua đi, vài ngày nữa thôi, khi V-League quay trở lại, người ta rồi sẽ lại tấm tắc với những chiêu trò truyền thông làm sáng bừng cái tên Công Vinh, giờ đây gắn với CLB TP.HCM - đợi bóng đang nổi nhất giải VĐQG Việt Nam, thậm chí còn hơn cả HAGL của bầu Đức. Nhưng sau sự bóng bẩy ấy, là sự thất vọng đến tội nghiệp của những người yêu bóng đá TP.HCM.

Công Vinh thanh minh rằng lịch thi đấu quá dày khiến CLB quyết định đối đầu với SLNA bằng đội hình dự bị, và đấy là lý do cho trận thua bạc nhược vừa qua. Người hâm mộ CLB TP.HCM nào có trách điều đó, họ trách cái cách đội bóng của anh "buông tay" trắng trợn ngay khi trận đấu chỉ mới bắt đầu. Từng là cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, lẽ nào Vinh không biết điều đấy?

Chắc chắn Công Vinh biết vì sao cầu thủ của mình lại coi thường người hâm mộ đến thế. Ngày xưa, Công Vinh chẳng từng có thời gian ngồi dự bị dài khi ở đội tuyển trẻ Nghệ An, anh đứng gần như "đội sổ". Hẳn Vinh biết, với cầu thủ dự bị, mỗi lần được ra sân là một cơ hội để chứng tỏ mình, phải thi đấu bằng hết khả năng để chen chân vào đội hình chính.

Đừng thanh minh Công Vinh ơi, nhìn về phía tây mà làm bóng đá - Ảnh 1.

Đằng sau hình ảnh bóng bẩy này là một trận đấu làm đau lòng người hâm mộ.

Tội nghiệp người hâm mộ TP.HCM, họ phản ứng không phải vì đội nhà thua, mà với cái cách các cầu thủ "tát vào mặt" mình khi buông xuôi, không thèm đá, còn chủ tịch CLB thì đem tâm thế của một ngôi sao để trấn an người hâm mộ: "Mọi người đã ủng hộ em rồi thì phải ủng hộ đội bóng", "Em có cầu thị thì em mới sang đây".

CLB TP.HCM của Công Vinh đã "cho" truyền thông tất cả để được "lên sóng": nhà vệ sinh 5 sao, những bản hợp đồng cho thấy tham vọng, xe bus 5 sao, những chiêu trò để kéo khán giả TP.HCM đến sân, nhưng sự cống hiến và chơi đẹp - như những lời hứa thì chỉ sau một trận cầu "buông tay", đã thành đổ sông đổ biển.

Hẳn nhiên là các cầu thủ, dù là cầu thủ dự bị của CLB TP.HCM không bao giờ dám tự động "buông" trận đấu. Nó nằm trong tính toán của Ban huấn luyện và Ban lãnh đạo CLB khi "buông" cúp Quốc gia, và trong sự tính toán ấy, hẳn người hâm mộ không có chỗ. Không ít đội bóng chủ động "buông" để tập trung cho V-League, nhưng buông một cách chuyên nghiệp, nó khác.

2. Lại nói về sự chuyên nghiệp, người yêu bóng đá Việt Nam được dịp phì cười với phát ngôn của HLV Lê Huỳnh Đức chê trọng tài "muốn nổi bật" chỉ vì rút thẻ vàng với cầu thủ dự bị của SHB Đà Nẵng đưa nước vào sân khi trọng tài còn chưa cắt còi.

Chiếc thẻ này là đúng, và không có gì có thể biện hộ được cho lỗi của SHB Đà Nẵng, dù rằng như HLV Lê Huỳnh Đức "tình huống chẳng có gì ghê gớm", "trận đấu chẳng có gì căng thẳng". Luật là luật, và như một thói quen cố hữu, trọng tài luôn là "miếng mồi ngon" cho các HLV "liên hoan" mỗi khi không vừa ý.

Đừng thanh minh Công Vinh ơi, nhìn về phía tây mà làm bóng đá - Ảnh 2.

Khán đài trống vắng vốn là hình ảnh đã quá quen thuộc với bóng đá Việt Nam.

Các đội bóng, các HLV, các chủ tịch CLB kêu gào bóng đá Việt Nam phải chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp hay không là từ chính họ, chứ chẳng phải đâu xa. Khi bản thân mình còn coi rẻ sự chuyên nghiệp, thì đừng đòi hỏi điều đó Ban tổ chức hay Liên đoàn. Cuộc chơi bóng đá, trên hết là của các đội bóng, chẳng phải ư?

Xưa nay, bóng đá Campuchia chưa bao giờ đáng để Việt Nam "để vào tầm mắt". Ngay cả ở "vùng trũng" Đông Nam Á, họ cũng chỉ là đội bóng lót đường ở các giải đấu khu vực. Thậm chí mới 2 năm trước, CLB Phnom Penh Crown - đội bóng vô địch quốc gia 2/3 mùa gần nhất đã đình chỉ 7 cầu thủ và 4 quan chức vì dính dáng vào bán độ ở giải VĐQG.

Nhưng sau 2 năm, trong khi bóng đá Việt Nam ngập chìm trong sự thất vọng với những thấy bại liên tiếp ở các giải đấu khi vực, V-League rên xiết với vấn nạn trọng tài, bạo lực khiến người hâm mộ quay lưng, thì bóng đá Campuchia đã kịp thâu tóm được niềm tin của người hâm mộ, khiến giới truyền thông và chuyên môn Việt Nam phải giật mình khi nhìn sang.

Trận đấu gần đây nhất, Campuchia có trận thắng 1-0 đầy bất ngờ trước Afghanistan để đĩnh đạc bước lên ngôi nhì bảng, xếp trên chính Việt Nam ở vòng loại thứ 3 Asian Cup 2019. Nhưng người hâm mộ Campuchia để xô ủng hộ đội nhà không phải vì trận thắng ấy. Tính từ đầu năm 2017, đội tuyển Campuchia thua liên tục đến 4 trận, trước trận thắng vừa qua.

Đừng thanh minh Công Vinh ơi, nhìn về phía tây mà làm bóng đá - Ảnh 3.

Chẳng những thua, Campuchia còn thua đậm hẳn hoi (2-7 trước Saudi Arabia và 0-7 trước Jordan), nhưng chính thái độ thi đấu nghiêm túc, hết mình của đội hình gồm rất nhiều cầu thủ trẻ đã thuyết phục được cổ động viên đất nước Chùa Tháp đặt niềm tin và tình yêu vào đội nhà.

Nếu như trận đấu với Jordan trên sân Thống Nhất vừa qua, ĐTQG Việt Nam của HLV Hữu Thắng chỉ kéo được 15.000 khán giả đến sân, thì trận đấu giao hữu của ĐTQG Campuchia với Indonesia được phủ kín bởi 70.000 khán giả lấp đầy sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh.

Làm bóng đá đẹp, bóng đá cống hiến để lấy được tình yêu của khán giả dễ mà khó, Công Vinh ạ! Ngày hôm nay, vị chủ tịch CLB có thể lấy danh tiếng của mình để xoa dịu, để đưa ra lời hứa hẹn với người yêu bóng đá TP.HCM, nhưng như người hâm mộ đã nói "Tao coi đá banh lúc mày còn nhỏ xíu à!", họ yêu nhiều rồi, đau nhiều rồi. Đừng để họ thất vọng thêm lần nữa!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại