Mới đây, tờ Foreign Policy đăng tải bài phân tích nhan đề: "It’s Syrian vs Syrian in Libya" (tạm dịch: Người Syria đánh người Syria ở chiến trường Libya) của tác giả Anchal Vohra.
Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều, đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp của chiến trường Libya hiện tại cũng như mối liên hệ giữa cuộc chiến này với xung đột tại Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Những người lính Syria dưới sự chỉ huy của Ankara
Năm 2011, khi "Mùa xuân Arab" quét qua hầu khắp các nước Trung Đông, người thợ cơ khí Mohammad Abu al-Saar (tên nhân vật đã được thay đổi) ở tỉnh Homs là một trong số hàng nghìn người biểu tình đã bị lực lượng an ninh Syria bắt giam.
Ngay sau khi được phóng thích vào một ngày tháng 4/2012, gần như ngay lập tức al-Saar đã gia nhập một nhóm phiến quân và tham chiến trong cuộc chiến Syria.
8 năm sau đó, al-Saar đã trở thành một người lính đánh thuê tham chiến trong một cuộc xung đột khác ở Bắc Phi, cuộc nội chiến Libya. Mặc dù đang ở cách quê nhà gần 2.000 km, rất có thể anh sẽ phải "một mất một còn" với những người đồng hương khác bên kia chiến tuyến.
al-Saar là một trong hàng nghìn phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ để chiến đấu bên cạnh lực lượng trung thành với của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA), một trong những phe phái tham chiến ở Libya kể từ khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ năm 2011.
Các khu vực do GNA (xanh) và LNA (đỏ) kiểm soát ở miền tây Libya, tháng 5/2020.
38 tuổi đời, al-Saar và gia đình nhỏ của anh là một trong hàng triệu nạn nhân của cuộc chiến tranh không hồi kết ở Syria và nay chỉ là một "con tốt thí" trong cuộc xung đột ở Libya.
Từ một tay súng phiến quân, anh đã phải chấp nhận kiếp sống của một lính đánh thuê tại Libya chỉ vì không đủ tiền để mua các khối xi măng xây nhà, mua bỉm sữa cho đứa con mới sinh ở Syria.
Vào năm 2014, gần như toàn bộ tỉnh Homs đã được Quân đội Arab Syria (SAA) tái chiếm và al-Saar đã phải di tản đến Aleppo do phiến quân kiểm soát. Tại đó anh gia nhập Sư đoàn Sultan Murad, một nhóm phiến quân chủ yếu là người Turkmen Syria do Thổ huấn luyện và tài trợ.
Nhưng ý định của Ankara khi tiếp tục nuôi dưỡng các nhóm phiến quân Syria không hoàn toàn là "trong sáng", họ ủng hộ các hoạt động chống chính phủ Damascus của phiến quân nhưng cũng lôi kéo họ vào các cuộc chiến vì lợi ích của riêng họ.
Phiến quân Syria và gia quyến được di tản khỏi miền nam vào tháng 7/2018.
al-Saar là người Arab, nhưng anh đã chọn tham gia nhóm phiến quân Turkmen để kiếm sống. Năm 2018, anh nằm trong số những tay súng được Ankara trả tiền để đẩy lui người Kurd khỏi khu vực Afrin ở miền bắc Syria.
Tham chiến ở Afrin, al-Saar đã được trả 450 liga Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 46 USD) mỗi tháng. Nhưng với việc được đưa tới Libya, mỗi tháng anh có thể kiếm được 2.000 USD - một công việc có vẻ nhẹ nhõm nhưng với thu nhập tăng vọt.
Sự trống vắng quyền lực kể từ năm 2011 ở quốc gia Bắc Phi này đã kéo các bên liên quan tham chiến nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và vào nguồn lợi dầu mỏ.
GNA được Liên Hợp Quốc công nhận và được ủng hộ bởi tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (HĐHG), một thế lực chính trị - quân sự ngầm trong toàn khu vực được sự ủng hộ của một số nhân vật "đồng minh" như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Sự hậu thuẫn của ông Erdogan với HĐHG cùng nhiều toan tính kinh tế và địa chính trị khác đã dẫn Ankara đến các hoạt động quân sự nhằm giúp GNA lật ngược thế cờ trước đối thủ Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Lực lượng GNA khai hỏa pháo phản lực BM-21 Grad vào vị trí của LNA ở Tripoli, Libya hôm 10/5/2020.
Những người lính Syria dưới sự chỉ huy của Moscow
Cũng như al-Saar, các cựu phiến quân ở vùng chính phủ kiểm soát cũng phải đối mặt với các vấn đề kinh tế tương tự. "Lối thoát" duy nhất cho họ là tham chiến về phía lực lượng LNA chỉ huy bởi Tướng Khalifar Haftar được Nga, UAE và Ai Cập hậu thuẫn.
Vào tháng 3/2020, khi LNA bị "tràn ngập" bởi máy bay không người lái tấn công (UCAV), các hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ và lính đánh thuê Syria, người Nga đã tìm cách đưa thêm lực lượng tiếp viện tới Libya, và quốc gia đồng minh Syria là lựa chọn không thể bỏ qua.
Người Nga đã bắt đầu tìm kiếm những tay súng sẵn sàng "nã AK" trong một cuộc xung đột ở nước ngoài để đổi lấy tiền mặt.
Theo thông tin chưa được kiểm chứng mà Foreign Policy tiếp cận, chịu trách nhiệm cho đợt tuyển mộ này là Đại tá Alexander Zorin, người từng là đặc phái viên của Bộ Quốc phòng Nga tham gia đàm phán về việc chấm dứt chiến sự ở Syria tại Geneva năm 2016.
Ở Syria, Zorin được biết đến với vai trò "cha đỡ đầu" của các thỏa thuận hòa giải giữa chính phủ Syria và phiến quân ở Ghouta, Daraa và Quneitra. Một nguồn tin của Nga cho biết vào đầu tháng 4/2020, Zorin đã đến miền nam Syria.
Đây được đánh giá là "mảnh đất vàng" cho việc tuyển mộ lính đánh thuê không chỉ do đói nghèo mà còn vì các nhóm phiến quân Syria đã bị người Mỹ "bỏ rơi" và đã phải chấp nhận cộng tác với người Nga vào tháng 7/2018.
Đại tá Alexander Zorin, Ngoại trưởng Nga Lavrov và hình nền là một nhóm phiến quân Syria.
Cùng với lực lượng tinh báo Syria, Zorin được cho là đã đàm phán với một số nhóm vũ trang - cựu phiến quân với mục đích đưa họ tới tham chiến ở Libya.
Abu Tareq, chỉ huy của một nhóm vũ trang đã từng chống lại nhóm khủng bố IS ở Quneitra, miền nam Syria đã xác nhận với Foreign Policy rằng mình đã gặp Zorin và đồng ý tham chiến ở Libya cùng với các tay súng dưới quyền.
"Chúng tôi đã gặp ông ta (Zorin), ông ấy đưa ra một đề nghị hào phóng với mức lương 5.000 USD cho một chỉ huy và 1.000 USD cho một tay súng mỗi tháng và nói rằng chúng tôi sẽ đến Libya dưới sự bảo trợ của một công ty an ninh (được cho là Wagner).
Với tình hình kinh tế khủng khiếp tại đây (miền nam Syria), chúng tôi đã không thể từ chối".
Tareq nói thêm rằng các cựu phiến quân đã bị lôi kéo tham chiến ở Libya không chỉ vì mức lương hào phóng mà còn bao gồm một lệnh ân xá của chính phủ.
Theo một số nguồn tin chưa được xác thực, thông điệp của Zorin còn bao gồm việc các nhóm vũ trang ở miền nam Syria có thể tăng số lượng tay súng dưới quyền nếu họ đưa ít nhất 1.000 thành viên tới Libya.
Theo Abu Jafer Mamtineh, thủ lĩnh của một nhóm vũ trang khác ở miền nam Syria, hàng trăm tay súng dưới quyền của ông đã được người Nga trang bị và huấn luyện ở tỉnh Homs vào tháng 4/2020 để chuẩn bị tới tham chiến ở Libya.
Một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất trong tay lực lượng LNA.
Kết luận
Tướng Haftar cũng đang từng bước trở nên "khăn khít" với chính phủ Syria và lực lượng của ông đang ngày càng phụ thuộc vào các thế lực nước ngoài để thực hiện các mục tiêu quân sự của mình ở Libya.
LNA đã kêu gọi ngừng bắn sau một chuỗi thất bại trước GNA, dường như lực lượng này đang muốn có thêm thời gian để tập hợp lực lượng và thuyết phục người Nga tham chiến nhằm đối phó với việc Thổ Nhĩ Kỳ leo thang.
Moscow vẫn đang giữ vai trò "trung lập" trong cuộc chiến ở Libya, nhưng nếu họ quyết định can thiệp gián tiếp vào Libya, họ thừa khả năng tung hàng nghìn tay súng Syria vào chiến trường.
Theo nhà phân tích Anas El Gomati tại Tripoli, Libya (vùng GNA kiểm soát) cho rằng trong khi lính đánh thuê người Nga (của Wagner) dẫn đầu cuộc tấn công ở Tripoli, các tay súng Syria chủ yếu bảo vệ các vị trí quan trọng ở miền đông Libya - hậu phương của LNA.
Tuy nhiên, không giống như những người Libya tham chiến ở cả hai phía, lính đánh thuê Syria đang phải trả giá đắt do quyết định của mình do họ không hiểu rõ chiến trường này và phải vật lộn trong chiến tranh đô thị và chờ đợi một hi vọng duy nhất, đó là sống sót để trở về nhà.
al-Saar kết luận: "Tôi biết rõ rằng ngày nào chúng tôi còn ở đây (Libya) chúng tôi sẽ vẫn phải đối mặt với nguy hiểm, nhiều người trong chúng tôi đã bị bắt. Nếu tôi có thể trở về (Syria), tôi chắc chắn việc đầu tiên tôi làm sẽ là mở một cửa hàng và trở về cuộc sống dân sự".
UAV của LNA chỉ thị cho pháo binh và súng cối tiêu diệt các ổ đề kháng của GNA tại Tripoli, Libya tháng 4/2020.