Đừng lấy làm lạ khi một ngày nào đó Mỹ đi mua vũ khí nước ngoài!

Thiên Minh |

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể sẽ cân nhắc khả năng mua sắm những hệ thống chiến đấu trên bộ tiên tiến từ nước ngoài, sau đó sửa đổi chúng để đáp ứng nhu cầu của Lục quân.

Mỹ mất dần ưu thế công nghệ

Tổng thống Trump muốn "made in America" (được sản xuất tại Mỹ) trở thành phương châm mới của quốc gia. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu vũ khí Mỹ kém ưu việt hơn vũ khí của các quốc gia khác tới mức họ sẽ phải nhập khẩu khí tài nước ngoài để có được những công nghệ tốt nhất?

Một số chuyên gia từng cảnh báo rằng Mỹ có nguy cơ tụt xuống vị trí thứ 2 trong lĩnh vực công nghệ quân sự, song những lời cảnh báo này lại thường được xem như một cái cớ để thúc đẩy chi tiêu quốc phòng hoặc mua sắm những loại vũ khí đắt tiền.

Nghiên cứu mới nhất từ Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đã cảnh báo rằng "những quốc gia như Nga và Trung Quốc không chỉ đang nâng cấp các hệ thống chiến đấu trên bộ hiện có (tăng cường khả năng chiến đấu, sống sót) mà còn phát triển các hệ thống chiến đấu hoàn toàn mới để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu".

Đừng lấy làm lạ khi một ngày nào đó Mỹ đi mua vũ khí nước ngoài! - Ảnh 1.

Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: Daily Mail

Nga đang phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến T-14 Armata, trong khi Mỹ vẫn sử dụng mẫu xe tăng Abrams và xe chở bộ binh Bradley đã có từ thời Chiến tranh Lạnh. Mẫu xe chiến đấu mới để thay thế chúng không thể được triển khai trước năm 2035.

"Có khả năng một hoặc nhiều hệ thống chiến đấu trên bộ mới do nước ngoài phát triển sẽ ra đời và vượt trội hơn các hệ thống của Mỹ" - CRS dự đoán.

Báo cáo của CRS đề cập tới một loạt khía cạnh mà các xe thiết giáp của Mỹ hoặc thua kém, hoặc ít nhất là mất đi lợi thế công nghệ:

- Mặc dù các cảm biến tiên tiến như thiết bị ảnh nhiệt từng mang lại cho xe thiết giáp Mỹ lợi thế trong các cuộc xung đột như Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, nhưng giờ đây chúng đã trở thành trang bị tiêu chuẩn trên xe thiết giáp của nhiều quốc gia.

- Các quốc gia như Nga và Israel đã và đang triển khai hệ thống phòng thủ chủ động (APS). Trong khi đó, "Mỹ, mặc dù đã quan tâm đến APS từ lâu, nhưng vẫn chưa thấy triển khai hay phát triển hệ thống nào" (CRS viết).

APS được xem là phương thức kết hợp với lớp giáp của xe để tăng cường khả năng sống sót cho kíp chiến đấu trước mối đe dọa ngày càng gia tăng. Một số xe tăng, như Merkava Mk 4 của Israel và T-14 Armata của Nga được thiết kế với hệ thống APS là thành phần chính, thay vì chỉ là một hệ thống trang bị thêm cho xe tăng.

Đừng lấy làm lạ khi một ngày nào đó Mỹ đi mua vũ khí nước ngoài! - Ảnh 2.

Xe chiến đấu Bradley. Ảnh: BAE Systems

- Pháo 25mm trên xe chiến đấu Bradley có cỡ nòng nhỏ hơn so với các loại vũ khí cỡ 30-40mm trên nhiều xe chiến đấu bộ binh khác.

- Pháo tự hành Paladin và các hệ thống pháo phản lực phóng loạt của Mỹ đã bị các mẫu pháo nước ngoài vượt xa về tầm bắn.

Mỹ có cần mua vũ khí nước ngoài?

Trong Chiến tranh Lạnh và 2 cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ đã may mắn khi không phải đối đầu với những khí tài tiên tiến.

Trước đây, Liên Xô thường cung cấp cho khách hàng ở "Thế giới thứ 3" các phiên bản vũ khí đã bị cắt giảm đáng kể tính năng so với phiên bản nội địa.

Tuy nhiên, theo CRS, hiện nay Nga và Trung Quốc đang tích cực xuất khẩu các loại vũ khí tiên tiến. Vì thế, dù nổ ra xung đột với một quốc gia nhỏ hơn, Mỹ vẫn có thể phải đối mặt với các loại vũ khí tinh vi như xe tăng T-90 của Nga và xe tăng MBT-3000 do Trung Quốc chế tạo.

Đừng lấy làm lạ khi một ngày nào đó Mỹ đi mua vũ khí nước ngoài! - Ảnh 3.

Xe tăng MBT-3000 của Trung Quốc.

Theo lẽ thường, ngay cả nếu Mỹ có tụt lại phía sau trong lĩnh vực xe tăng hay một số loại vũ khí khác thì họ sẽ vẫn bắt kịp được với đối thủ bằng cách đầu tư thêm nhiều nguồn lực để phát triển và mua sắm.

Thế nhưng, thực thế cho thấy chương trình phát triển và mua sắm của Mỹ đang gặp vấn đề. Tiêm kích tàng hình F-35 chỉ vừa mới đi vào phục vụ sau hơn 20 năm kể từ khi hợp đồng phát triển đầu tiên được trao cho nhà thầu.

Với tình hình này, Mỹ có thể sẽ mất tới hàng thập kỷ để phát triển mẫu xe tăng mới.

Điều này làm dấy lên một vấn đề tương đối nhạy cảm: Liệu Mỹ có cần mua vũ khí nước ngoài để duy trì lợi thế quân sự hay không?

Theo CRS, Mỹ đang phải đối mặt với sự gia tăng của các hệ thống chiến đấu trên bộ do nước ngoài chế tạo, cùng với đó là khoảng thời gian rất dài để phát triển, triển khai hệ thống chiến đấu mới theo quy định mua sắm của Bộ Quốc phòng, cũng như những hạn chế hiện nay và sắp tới về mặt ngân sách quốc phòng.

Tất cả những điều đó có thể sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ xem xét lại tính khả thi của việc mua sắm các hệ thống chiến đấu tiên tiến trên bộ từ nước ngoài, và sau đó sửa đổi chúng để đáp ứng nhu cầu của Lục quân như họ đã từng làm trước đây.

Theo nhà phân tích Michael Peck trên tạp chí National Interest, tới một mức độ nào đó, vấn đề này chắc chắn sẽ không thể tránh né được nữa. Vũ khí rất dễ bị sao chép. Dù là xe tăng hay cảm biến nhìn đêm, bất cứ thứ gì được một quốc gia triển khai thì các quốc gia gia khác sẽ nhanh chóng copy lại.

Sẽ là mù quáng nếu cứ cho rằng vũ khí Mỹ tốt nhất thế giới chỉ bởi chúng do Mỹ sản xuất.

Hơn nữa, đây sẽ không phải là lần đầu tiên Mỹ nhập khẩu vũ khí. Lầu Năm Góc thường sử dụng máy bay không người lái của Israel và vũ khí chống tăng của Thụy Điển. Ngoài ra, hiện nay, có quá nhiều phụ tùng trong các loại khí tài của Mỹ là do Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, rắc rối thực sự, theo quan sát của CRS, là quân đội Mỹ dường như có phần "cam chịu" rằng họ sẽ tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua vũ trang với các nước khác.

Qua chiều dài lịch sử, không có gì lạ khi các lực lượng quân đội lo ngại rằng đối thủ của mình sẽ mạnh hơn và được trang bị tốt hơn họ. Tuy nhiên, đối với nước Mỹ - quốc gia kể từ thế chiến II luôn tự hào là nước có công nghệ tiên tiến nhất thế giới - thì đây có thể coi là một sự thất thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại