Tiết lộ gần đây cho thấy việc Malaysia hy vọng có thể dùng dầu cọ như một phương thức chi trả cho các hợp đồng vũ khí trong tương lai không có gì gây ngạc nhiên, mặc dù có vẻ như các nhà sản xuất phương Tây sẽ không xuôi theo các thỏa thuận như vậy.
Giữa tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu đã xác nhận rằng quốc gia của ông đang đàm phán với một số nước khác để mua khí tài quân sự thông qua giao dịch trao đổi hàng hóa. Trong đó, Trung Quốc, Pakistan và Nga có vẻ sẵn sàng chấp nhận cách thức này.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu (Ảnh: Bernama)
Ông Mohamad nói thêm rằng đây sẽ là cách để giảm nhẹ gánh nặng cho tài chính Malaysia sau nhiều năm khó khăn. Tình trạng này khiến chính phủ Malaysia phải thắt chặt chi tiêu, những nỗ lực hiện đại hóa quân sự của họ cũng gặp nhiều trở ngại do hạn chế về ngân sách.
Phương thức thanh toán được đề xuất ở đây có vẻ sẽ tác động tới các chương trình mua sắm tương lai, như kế hoạch trang bị 12-18 Máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) sắp tới dành cho Không quân Malaysia (RMAF).
Các máy bay mới sẽ hình thành nền tảng cho 3 phi đoàn chiến đấu cơ loại này vào năm 2055, theo kế hoạch Capability 55.
Hiện Malaysia đã đưa ra Yêu cầu thông tin (RFI) đối với một số hãng sản xuất máy bay chiến đấu.
Dùng dầu cọ đổi vũ khí: Có thực tiễn?
Một số nhà sản xuất máy bay xác nhận rằng họ đã hồi đáp lại yêu cầu RFI của Malaysia, trong đó có Nga với mẫu Yak-130, Pakistan với mẫu JF-17 Thunder hợp tác cùng Trung Quốc, công ty Leonardo (Italia) với mẫu M-346 Master, hãng Saab (Thụy Điển) với mẫu JAS-39 Gripen và Hàn Quốc với mẫu FA-50 Golden Eagle.
Các công ty châu Âu và Hàn Quốc chưa cho biết liệu họ có sẵn lòng chấp nhận phương thức chi trả bằng dầu cọ hay không, nhưng với hình thức thanh toán truyền thống là tiền mặt thì đây có thể sẽ là một thách thức đối với họ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Malaysia Dr Mahathir Mohamad đã công khai chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch cắt giảm và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng dầu cọ trong nhiên liệu sinh học. Điều đó khiến câu chuyện thêm phần phức tạp.
Châu Âu đang muốn hạn chế việc sử dụng dầu cọ. Nguồn: AFP/Mohd Rasfan
Việc Trung Quốc, Pakistan và Nga sẵn sàng chấp nhận dùng dầu cọ làm phương thức thanh toán có vẻ sẽ khiến các nước này, và những mẫu máy bay mà họ chào hàng, chiếm được nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. Có điều, RMAF đang tỏ ra rằng họ muốn chọn một mẫu máy bay phương Tây cho chương trình LCA tương lai.
Điều này cũng dễ hiểu do RMAF về căn bản đang được tổ chức và huấn luyện theo mô hình phương Tây, thậm chí các chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKM (do Nga chế tạo) cũng được trang bị các hệ thống điện tử hàng không của phương Tây và mang theo pod chỉ thị mục tiêu do Pháp sản xuất.
Trong trường hợp đó, Malaysia có thể tìm thấy giải pháp tiềm năng cho phương thức thanh toán ở quốc gia láng giềng Indonesia.
Jakarta đã đặt hàng 6 tàu ngầm diesel-điện từ Hàn Quốc theo 2 đợt, trong đó hợp đồng thứ hai gồm 3 tàu đã được ký kết vào tháng 4 vừa qua. Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu của Hàn Quốc sẽ cung cấp cho Indonesia một khoản vay tương đương 85% giá trị hợp đồng.
Malaysia có thể lựa chọn phương án tương tự như trên nếu phương thức thanh toán bằng dầu cọ không được chấp thuận. Song, mặc dù khoản vay này dường như có kỳ hạn khá rộng rãi nhưng Malaysia vẫn sẽ phải đánh giá khả năng gánh thêm các khoản nợ dựa trên những cân nhắc chính trị.
Những khoản vay như trên là một phần chiến lược của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp vũ khí, cũng như tiềm năng xuất khẩu của họ, bằng cách đề nghị cho các quốc gia đang eo hẹp về tài chính có những khoản vay mềm để mua vũ khí do Hàn Quốc sản xuất.
Điều này cho phép ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc duy trì hoạt động mà không phải phụ thuộc vào việc bán vũ khí cho quân đội Hàn Quốc, đồng thời giúp các nhà sản xuất tăng cường quảng bá nhờ đạt được những thành công trong xuất khẩu.
Những thách thức lớn
Malaysia cần cân nhắc một yếu tố khác, đó là những thách thức tiềm năng khi tích hợp các máy bay chiến đấu Nga hoặc Trung Quốc-Pakistan vào cấu trực lực lượng và kho vũ khí của RMAF.
Các hệ thống và phương tiện có nguồn gốc khác nhau, sử dụng các hệ thống khác nhau sẽ gây khó khăn khi kết hợp với nhau, trong khi đây là một yếu tố quan trọng để tăng cường năng lực phòng thủ cho không quân Malaysia.
Một bộ phận quan trọng của mạng lưới tích hợp này là các liên kết dữ liệu hiện đại như dữ liệu quân sự chống nhiễu Link 16, cho phép tất cả các thành tố đã được kết nối chia sẻ thông tin một cách an toàn, nhằm tăng cường khả năng nhận thức tình huống trên không phận.
Hệ thống liên kết dữ liệu chiến thuật trên đang được hầu hết các lực lượng không quân thân Mỹ sử dụng.
Tiêm kích Su-30 của Malaysia (Nguồn: AFP/ROSLAN RAHMAN)
8 tiêm kích Boeing F/A-18D Hornet của RMAF đang được trang bị hệ thống này sau chương trình nâng cấp gần đây. Tuy nhiên, gần như không có khả năng Mỹ sẽ đồng ý để tích hợp hệ thống dữ liệu liên kết lên các tiêm kích JF-17 hoặc Yak-130 nếu chúng được Malaysia lựa chọn cho chương trình LCA.
Các vấn đề về bảo dưỡng và hậu cần cũng cần được cân nhắc, nhất là đối với JF-17. Ngoài Pakistan, mẫu máy bay này đang được Myanmar và Nigeria vận hành, chúng được trang bị các hệ thống điện tử hàng không phương Tây nhưng chỉ tương thích với một số loại tên lửa không-đối-không tầm ngắn và bom dẫn đường bằng laser (phương Tây sản xuất) của Malaysia.
Động cơ trang bị trên JF-17 là một phiên bản của mẫu động cơ Nga đang được sử dụng trên các tiêm kích MiG-29 của Malaysia. Điều đó có nghĩa RMAF sẽ quen thuộc đôi chút với hệ thống này và họ đã có mối quan hệ với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) để phục vụ nhu cầu bảo dưỡng trong tương lai.
Song, JF-17 sử dụng radar do Trung Quốc sản xuất, như thế các tên lửa không-đối-đất và không-đối-không của JF-17 (các loại cần radar dẫn đường) cũng phải do Trung Quốc sản xuất.
Trong khi đó, Malaysia hiện đang có những tên lửa như vậy mua từ Nga và Mỹ để trang bị cho phi đoàn Su-30 và Hornet.
Việc bổ sung thêm một loại tên lửa từ quốc gia thứ 3 vào kho vũ khí của RMAF chắc chắn sẽ khiến các yêu cầu huấn luyện và hậu cần thêm phần phức tạp.
Tổ hợp hàng không Pakistan PAC) muốn tích hợp radar phương Tây cho JF-17 nhưng cho tới nay họ vẫn chưa làm được điều đó do các lý do về thương mại và an ninh. Malaysia có thể sẽ thấy ngần ngại nếu phải bỏ ra chi phí để tích hợp trong trường hợp lựa chọn JF-17.
Nhìn chung, với những thách thức trên, giới chuyên gia quân sự cho rằng, Malaysia cần cân nhắc tới chiến lược mua sắm khí tài quân sự bằng dầu cọ nếu phương thức thanh toán này thu hẹp các sự lựa chọn của họ và ảnh hưởng tới mức độ hiệu quả của lực lượng phòng thủ Malaysia.