Đừng coi thường tên lửa thông thường của Nga

Đăng Khoa |

Rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung (INF) giúp Mỹ tiến được một bước nhưng sẽ phải lùi nhiều bước trong an ninh quốc tế.

Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung (INF) được xem là một trong những thành tựu nhằm kiểm soát vũ khí, cấm hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ sở hữu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km), dù mang đầu đạn hạt nhân hay thông thường.

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF khi triển khai tên lửa hành trình 9M729, ra thời hạn đến đầu tháng 2 Nga phải quay lại tuân thủ INF nếu không Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF dự kiến kéo dài 6 tháng.

Chỉ tên lửa thông thường của Nga cũng đủ nguy hiểm

Việc Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF gây lo ngại có thể kích động một cuộc chạy đua hạt nhân mới. Bên cạnh lo ngại này nhiều ý kiến cho rằng rút khỏi INF có thể là bước đi có hại với Mỹ.

Đừng coi thường tên lửa thông thường của Nga - Ảnh 1.

Hiệp ước INF được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev (trái) và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) ký ngày 8-10-1987. Ảnh: WIKIPEDIA

Đến giờ vẫn chưa có nhiều cuộc bàn bạc về ảnh hưởng của việc phá bỏ Hiệp ước INF với các hệ thống tên lửa hạt nhân ở châu Âu. Theo Foreign Policy một khi INF không còn, Nga không cần phải tăng năng lực hạt nhân thêm nhiều mà chỉ cần phát triển và triển khai các tên lửa mặt đất thông thường cũng đã đủ nguy hiểm cho Mỹ và phương Tây.

Nói cách khác, INF không còn có thể dẫn đến hậu quả số tên lửa thông thường mặt đất tầm ngắn và trung của Nga sẽ tăng lên.

Sự nguy hiểm của đầu đạn thông thường được chú ý đến từ năm 1984 khi Tổng Tham mưu trưởng quân đội Xô viết Nikolai Ogarkov đề cập đến hiệu quả hủy diệt của loại đầu đạn này. Ông Ogarkov nói rằng theo thời gian loại đầu đạn thông thường sẽ nguy hiểm không kém vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tính nguy hiểm của đầu đạn thông thường được thể hiện qua cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 hay các hoạt động quân sự ở Yugoslavia, Afghanistan, Iraq, Libya. Và rồi “ngoại giao Tomahawk” bắt đầu xuất hiện trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tháng 12-2018 Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Liên bang Xô viết không sở hữu tên lửa tầm trung phóng từ biển và từ trên không như Mỹ. Tuy nhiên, ông Putin nói chuyện chuyển đổi các tên lửa phóng từ biển và trên không sang phóng từ mặt đất không khó.

Nga đã tăng ưu tiên phát triển tên lửa thông thường có độ chính xác cao hỗ trợ cho một số chiến dịch liên quan đến sức mạnh hạt nhân nước này. Học thuyết Quân sự Nga hiện công bố năm 2014 nói rằng Nga xem tên lửa thông thường có độ chính xác cao là một nhân tố chính của chiến lược ngăn chặn.

Rõ ràng hơn, Học thuyết Hải quân Nga năm 2017 nói: “Với sự phát triển của các tên lửa có độ chính xác cao, Hải quân đối mặt với một mục tiêu mới: hủy hoại quân đội và tiềm năng kinh tế của kẻ thù bằng cách tấn công các cơ sở sống còn của chúng trên biển”.

Nga thực hiện các chiến lược quân sự đã vạch ra trong học thuyết bằng cách phát triển năng lực đạt được các mục tiêu hủy hoại quân đội và tiềm năng kinh tế của kẻ thù. Trên biển, các tàu chiến nổi, tàu ngầm mới và hiện đại được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14 Kalibr – có tầm bắn từ 1.500-2.500km.

Đừng coi thường tên lửa thông thường của Nga - Ảnh 2.

Binh sĩ Nga cất dỡ bệ phóng tên lửa Iskander-M trong một cuộc tập trận quân sự tại TP Ussuriysk, tỉnh Primorsky Krai (Nga) ngày 17-11-2016. Ảnh: GETTY IMAGES

Trên không, nhiều máy bay ném bom Tu-95 Bear và Tu-160 Blackjack được trang bị tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 có tầm bắn ít nhất 2.500km.

Cả hai hệ thống này từng được dùng chống lại các mục tiêu ở chiến trường Syria. Nga cũng đang phát triển các tên lửa không đối đất Kh-47M2 Kinzhal và Kh-50 để trang bị cho các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu chiến lược.

Nga cũng triển khai các loại tên lửa mặt đất có độ chính xác cao, một phần lớn là các hệ thống tên lửa đạn đạo 9K720 Iskander-M và tên lửa hành trình 9M728 Iskander-K.

Tên lửa thông thường Nga đe dọa lớn với phương Tây

INF giới hạn tầm bắn chỉ 499km. Đây là một bất lợi chính với Nga. Hải quân và Không quân Mỹ cho phép NATO xây dựng một kho tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến nổi, tàu ngầm, và máy bay, ngoài quy định của INF.

Vì thiếu nguồn lực liên minh ở biển và trên không, cách duy nhất Nga có thể đối phó với kho tên lửa hành trình của NATO là tập trung phát triển tên lửa mặt đất thông thường theo hướng tiên tiến và sát thương hơn nữa. Một khi INF không còn chắc chắn Nga sẽ càng đẩy mạnh phát triển loại vũ khí này.

INF không hoàn toàn ngăn chặn Nga triển khai vũ khí, nhưng sự có mặt của Hiệp ước đã kiềm hãm Nga không tăng số lượng tên lửa. Một khi INF không còn thì chuyện sẽ khác.

Với sự chấm dứt của INF, Nga sẽ được tự do công khai sản xuất hàng loạt các biến thể tên lửa mang đầu đạn thông thường Novator 9M729 hoặc các hệ thống tên lửa hậu duệ nó. Được triển khai ở phía Tây Nga, tên lửa này có thể bắn đến mọi khu vực ở châu Âu.

Đừng coi thường tên lửa thông thường của Nga - Ảnh 4.

Tên lửa Novator 9M729 của Nga. NATIONAL INTEREST

Một điều nữa, phát triển các hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất – vốn tốn ít chi phí hơn nhiều so với các hệ thống phóng từ tàu và máy bay – và đưa hệ thống này thành sức mạnh trung tâm của lực lượng tên lửa thông thường là một chủ trương của Nga.

Hệ thống tên lửa thông thường phóng từ mặt đất sẽ có hai nhiệm vụ: ngăn chặn hiệu quả kẻ thù tấn công Nga, và gây thiệt hại lớn cho các nước NATO.

Ngoài các hệ thống hạt nhân hiện tại của Nga vốn rất mạnh thì việc Nga tăng cường năng lực tên lửa thông thường sẽ là mối đe dọa lớn với phương Tây. Vì lý do này, theo Foreign Policy, Mỹ cần suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi phá bỏ INF để rồi tự mình gây nguy hiểm cho mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại