Đức cảnh báo phạt nặng Facebook nếu không kiểm soát nội dung kỳ thị

Ngọc Anh |

Tại Đức, các công ty chủ quản của các mạng xã hội như Facebook hay Twitter có thể sẽ bị phạt nếu không kiểm soát được nội dung mà người dùng đăng tải.

Chính phủ Đức của Thủ tướng Angela Merkel đang lên kế hoạch để có thể phạt các mạng xã hội như Facebook hay Twitter nếu họ không có biện pháp chống lại những nội dung mang tính "kỳ thị" (về sắc tộc, giới tính, tôn giáo,...). Các quan chức chính phủ Đức cho rằng những công ty sở hữu mạng xã hội đang quá chậm chạp trong việc có các hành động phù hợp nhằm xử lý thực trạng ngôn ngữ kỳ thị đang tràn lan này.

Ngày 14/1, ông Volker Kauder, Chủ tịch đoàn Nghị sỹ liên minh Dân chủ/Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) tại Quốc hội Đức, cho biết, ông đã đạt được sự đồng thuận sơ bộ với Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas về việc yêu cầu các công ty công nghệ quản lý các mạng xã hội phải xử lý những phàn nàn về ngôn ngữ kỳ thị trong vòng 24 giờ. Nếu không tuân thủ yêu cầu đó, các ông lớn công nghệ đó sẽ bị phạt.

"Mức phạt sẽ phải cao và đủ răn đe, nếu không thì chúng sẽ không có tác dụng", ông Kauder trả lời các phóng viên trong một cuộc họp tại Saarland, miền Tây nước Đức.

Thủ tướng Merkel rất ủng hộ việc kiểm soát nội dung mạng xã hội, bao gồm những nội dung mang tính kỳ thị/ khơi gợi sự thù hận, vì việc này sẽ giúp chống lại các phong trào dân túy đang phát triển mạnh ở Đức cũng như trên toàn châu Âu.

Đặc biệt sự kiểm soát này là một hành động cần thiết trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tị nạn [ở Đức] đã trở nên tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Kauder, nhắc lại sự thất vọng của chính quyền Đức, nói rằng các công ty vận hành khai thác mạng xã hội đã "giả chết" khi đối mặt với vấn đề kiểm soát nội dung kỳ thị, kích động thù hận mà người dùng đăng tải.

Các nỗ lực của EU

Với những nỗ lực kiểm soát này, chính phủ Đức đã tham gia vào một cuộc tranh luận toàn diện về chủ đề: Một chính phủ có thể làm gì để hạn chế các nội dung có ngôn ngữ kỳ thị cùng tin tức giả mạo trên mạng xã hội, đồng thời "sự kiểm duyệt" bao gồm những gì.

Vào năm ngoái, các ông lớn công nghệ của Mỹ là Facebook, Twitter, Google và Microsoft đã hứa sẽ sát cánh với Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực xử lý ngôn ngữ mang tính kỳ thị. Từ tháng 5/2016, các công ty này đã cùng với Ủy ban châu Âu đã giám sát các hoạt động trực tuyến, một việc làm có phần "vượt qua" luật pháp của nhiều quốc gia.

Ông Kauder cho biết, Bộ Tư pháp Đức sẽ soạn thảo một dự luật bao gồm một "danh mục các khoản phạt" và tin tưởng rằng dự luật sẽ được thông qua nhanh chóng. Ông cho rằng nạn nhân bị tấn công trực tuyến cũng nên được luật pháp bảo vệ giống như họ được bảo vệ khỏi các hoạt động kích động khác.

"Điều này đơn giản chỉ là áp dụng những gì đúng đắn trong đời thực vào thế giới ảo", ông Kauder trả lời khi có phóng viên cho rằng những biện pháp như vậy chính là "kiểm duyệt" [xâm phạm tự do].

Facebook sẽ đối mặt với pháp luật nếu chậm xử lý các nội dung kỳ thị

Bộ trưởng Tư pháp Heiko Mass mới đây trả lời báo Đức Rheinische Post rằng Facebook cần phải cải thiện quy trình xóa bỏ các nội dung kỳ thị. Chính phủ sẽ có hành động xử lý theo pháp luật nếu công ty công nghệ này chậm chạp trong việc xử lý các nội dung đó.

Chính bản thân Thủ tướng Merkel đã phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích với ngôn ngữ mang đậm tính kỳ thị người nhập cư và kích động thù hận trên mạng xã hội, đặc biệt là sau vụ xe tải tấn công chợ Giáng sinh ở Berlin làm 12 người chết vừa qua.

Đức cảnh báo phạt nặng Facebook nếu không kiểm soát nội dung kỳ thị - Ảnh 1.

Làn sóng bài ngoại, phản đối chính sách nhập cư của Đức gia tăng một phần bởi sự tràn lan của các nội dung mang tính kích động, chưa được kiểm duyệt chặt chẽ trên mạng xã hội ở nước này. (Ảnh: AP)

Đức hiện đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng tị nạn, trùng hợp với thời điểm gia tăng các nội dung bài ngoại và phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội ở nước này.

Từ tháng 9/2015, trong cuộc gặp tại một bữa tiệc trưa của Liên Hợp Quốc, bà Merkel đặt câu hỏi với Giám đốc điều hành Facebook là Mark Zuckerberg, về việc công ty đã làm gì để xử lý vấn đề ngôn ngữ mang tính kỳ thị trên mạng xã hội.Ông chủ Facebook lúc đó đã xác nhận là họ đang tìm giải pháp cho vấn đề.

5 tháng sau đó, Zuckerberg có mặt tại Berlin, với lời thề sẽ xóa tất cả các phát ngôn kỳ thị người nhập cư trên mạng xã hội Facebook. Theo Zuckerberg, một nhóm nhân sự sẽ kiểm soát mạng xã hội Facebook ở Đức và gỡ bỏ tất cả các bài viết có nội dung phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, hiện nhiều công ty truyền thông khác cũng đang chịu áp lực từ các chính quyền phương Tây vì đã không có đủ những hành động cần thiết nhằm xóa bỏ nội dung liên quan tới các nhóm khủng bố hoặc các tổ chức cực hữu.

Vào tháng 12/2016, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều cho cho những công ty công nghệ [như Facebook] chứng minh rằng mình nghiêm túc trong việc xử lý các nội dung có tính kỳ thị; và vì thế mà các công ty này sẽ phải đối mặt với nhiều các biện pháp xử lý của luật pháp hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại