Đưa Iran vào SCO sau 13 năm, Nga - Trung có thực sự được như ý?

Kiểu Anh |

Đằng sau việc Iran trở thành thành viên của SCO là những tính toán sâu xa của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, Tehran có những chiến lược riêng để không bị biến thành quân cờ của các nước lớn.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AFP

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AFP

Nga - Trung “đi trước một bước” với Iran

Việc Iran chính thức được thông qua để trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã đem đến những thay đổi về địa kinh tế. Tổ chức quốc tế do Nga và Trung Quốc dẫn đầu này đã trì hoãn nỗ lực gia nhập của Iran trong suốt 13 năm trước khi đi tới khoảnh khắc quan trọng này.

Sau khi Iran đề nghị gia nhập SCO năm 2008, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Tashkent, Uzbekistan năm 2010, SCO thậm chí đã áp dụng một tiêu chí mới, theo đó, quốc gia thành viên của tổ chức này không bị Liên Hợp Quốc áp bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Đây rõ ràng là một quy định với mục đích chẳng khác nào ngăn không để Iran tham gia.

Mặc dù các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Iran đã được dỡ bỏ theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 nhưng SCO vẫn trì hoãn việc đồng ý cho Iran gia nhập tổ chức này thêm 6 năm trước khi thay đổi quan điểm. Tajikistan là quốc gia đã bác bỏ tư cách thành viên của Iran.

Rõ ràng, những toan tính phía sau đã khiến Bắc Kinh và Moscow thúc đẩy hợp tác cũng như nhanh chóng "trải thảm đỏ" tiếp nhận Iran ở SCO.

Đầu tiên, lệnh trừng phạt của phương Tây với Iran sẽ sớm được dỡ bỏ. Iran đã đưa ra sáng kiến sẵn sàng điều chỉnh mức độ làm giàu uranium và khiến cho Mỹ chỉ còn 2 lựa chọn: Hoặc tấn công và phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran - một quyết định đồng nghĩa với châm ngòi chiến tranh toàn diện, hoặc từ bỏ sự giận dữ và ngồi vào bàn đàm phán với một thỏa thuận thực tế để Iran quay lại tuân thủ các cam kết trong JCPOA.

Sự phụ thuộc của Iran vào Nga và Trung Quốc trong các cuộc đàm phán ở Vienna đã giảm đáng kể trong khi sự nóng lòng của Mỹ là điều có thể thấy rõ.

Với quan điểm thành công chỉ đến với những người biết nắm bắt thời cơ, Moscow và Bắc Kinh đã nhanh chóng thúc đẩy quá trình thông qua tư cách thành viên của Iran trong SCO. Hai nước này đã quyết định "đi trước một bước", trước khi Iran bắt đầu làm ăn nhiều hơn với các công ty phương Tây.

Nga hy vọng sẽ thúc đẩy thỏa thuận thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu với Iran và "có phần" trong "miếng bánh" tái thiết của Iran. Đối với Trung Quốc, nước này hy vọng có thể thực hiện thỏa thuận kinh tế 400 tỷ USD trong 25 năm với Iran - một thương vụ được kỳ vọng sẽ sớm tạo ra những khoản doanh thu lớn.

Trong khi đó, chính phủ "bảo thủ" mới ở Tehran đã trở thành một nhân tố khiến 2 nước này càng thêm an tâm khi quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ thân thiết với những quốc gia phương Đông.

Iran – Nhân tố bí ẩn trong sự dịch chuyển quyền lực Trung Á

Tuy nhiên, một thực tế khiến Nga và Trung Quốc lo ngại là chính quyền Tổng thống Ebrahim Raisi là một chính quyền theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, nhấn mạnh đến tự trị chiến lược và đàm phán cứng rắn để đảm bảo các lợi ích quốc gia. Bên cạnh đó, chính quyền Iran cũng đặt ra những mục tiêu tham vọng cho việc khôi phục các hoạt động kinh tế với phương Tây và thúc đẩy tiến bộ công nghệ.

Việc lựa chọn ông Hossein Amir-Abdollahian là Ngoại trưởng Iran càng củng cố cho lập trường này. Ông Abdollahian là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và quen thuộc với những nhà ngoại giao Mỹ khi tham gia đàm phán tại Green Zone ở Baghdad vào năm 2007.

Cuối cùng, thái độ của Iran với tình hình đầy biến động ở Afghanistan sẽ đem tới những hệ quả lớn cho tương lai của SCO. Nga và Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định về mối lo ngại của mình trong nỗ lực chống khủng bố nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.

Giống như những gì mà bất kỳ nước lớn nào trong lịch sử từng thực hiện, các nước này đang để mắt tới việc tái thiết Afghanistan. Họ cũng hiểu rõ rằng, Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác, dù sớm hay muộn, sẽ có ý định tiếp cận các mỏ khoảng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD ở quốc gia Tây Nam Á này.

Các nhà quan sát Nga đang thảo luận về việc cần có lực lượng đặc nhiệm hiện diện ở Afghanistan. Một cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn về nguồn khoáng sản như những gì diễn ra ở Mali hay một số nước châu Phi khác, có thể cũng sẽ bùng nổ ở Afghanistan.

Trong khi Nga và Trung Quốc phối hợp các chính sách của mình thì Iran trở thành một nhân tố bí ẩn. Nhận định rằng tư cách thành viên trong SCO sẽ khiến Iran tham gia cùng với Nga và Trung Quốc vẫn chỉ là một giả thuyết. Cho tới nay, Iran chủ yếu theo đuổi chính sách độc lập trong vấn đề Afghanistan.

Lần đầu tiên, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO ở Dushanbe, Tajikistan ngày 17/9, Iran xuất hiện trong cuộc họp dành riêng cho các ngoại trưởng cùng với Nga, Trung Quốc và Pakistan. Tuy nhiên, đó chỉ là sự xuất hiện mang tính chiếu lệ. Ngoại trưởng Abdollahian đã rời Dushanbe và lên đường tới New York.

Trên thực tế, Iran vẫn là một bên "dao động" chứ không đứng về bất kỳ bên nào. Sự hội nhập ngày càng tăng với cộng đồng quốc tế sẽ không hòa tan sự tự trị chiến lược của Iran, dù là ở Syria, Iraq hay Afghanistan. "Quả bóng" hiện giờ thực sự đang nằm trên "sân" của phương Tây./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại