Dự án doanh nghiệp nhà nước trị giá 2.759 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới 2.651 tỷ

Nguyễn Thảo |

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam có tổng vốn lên đến 2.759 tỷ đồng, tuy nhiên càng vận hành càng thua lỗ, khoản nợ phải trả cũng lên đến 2.651 tỷ đồng.

Dự án nghìn tỷ càng làm càng lỗ

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6).

Tháng 10/2003, dự án được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi với tổng mức đầu tư 1.487 tỷ đồng tuy nhiên sau nhiều năm không thể hoàn thành dù tháng 11/2007 đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2.286 tỷ đồng, tháng 6/2009 chủ đầu tư dự án được chuyển từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) thuộc Bộ Công Thương.

Theo đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã triển khai nhiều công việc với mục tiêu đưa dự án vào hoạt động, song khi được chạy thử có tải cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn, toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử.

Tổng công ty đã mời chuyên gia nước ngoài nghiên cứu khắc phục sự cố nhưng kết quả nhận được là dự án không có khả năng khắc phục sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.

Vì vậy, Bộ Công Thương vào tháng 4/2014 đã đề nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty Giấy Việt Nam dừng đầu tư dự án và tiến hành tái cơ cấu.

Trước đề nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý đối với dự án trình Chính phủ xem xét.

Bế tắc với khoản nợ khổng lồ

Trong một báo cáo, Bộ Công Thương từng cho biết, số liệu quyết toán dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được kiểm toán của công ty TNHH Kiểm toán Việt Anh tại thời điểm 31/12/2015 tổng nguồn vốn là 2.703 tỷ đồng.

Trong đó đáng lưu ý, khoản nợ dài hạn lên đến 2.426 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 225,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 107,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại báo cáo này, Bộ Công Thương chưa phản ánh được nguồn vốn thực tế đã giải ngân tính đến thời điểm 31/12/2015 lên đến 2.759 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bán đấu giá đối với toàn bộ tài sản cố định và hàng hoá tồn kho của dự án theo quy định của pháp luật.

Đối với các khoản nợ phải trả, được biết Bộ Công Thương đề nghị Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục thanh toán cho các nhà thầu thực hiện dự án theo biên bản đối chiếu công nợ đã được 2 bên xác nhận.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng Societe General đối với khoản nợ đã đến hạn theo quy định.

Song với phương án mà Bộ Công Thương đưa ra có thể thấy, Bộ Công Thương chưa đưa ra được phương án xử lý dứt điểm đối với khoản nợ phải trả 2.651 tỷ đồng tính đến 31/12/2015 của các đơn vị là Ngân hàng Societe General 465 tỷ đồng, và nợ phải trả Bộ Tài chính vì trước đó Bộ Tài chính đã ứng ra từ Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài để trả nợ thay Tổng công ty Giấy Việt Nam, số tiền phải trả lên đến hơn 1.398 tỷ đồng.

Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam cũng nợ các nhà thầu hơn 55 tỷ đồng.

 Một số nhà thầu đã khởi kiện Tổng công ty Giấy Việt Nam ra toà để yêu cầu trả các khoản nợ liên quan và toà đã có phán quyết buộc Tổng công ty Giấy Việt Nam phải trả nợ cho 2 nhà thầu là CTCP Xây lắp và Vật tư xây dựng và CTCP Đầu tư và Xây lắp cao tầng khoảng 22 tỷ đồng. Cuối cùng là khoản nợ phải trả đối với các đối tượng khác cũng lên đến hơn 732 tỷ đồng.

Trước kiến nghị của Bộ Công Thương lên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng Societe General đối với khoản nợ đến hạn, Bộ Tài chính cho biết, nguồn Quỹ tích luỹ trả nợ này là có hạn vì vậy Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tổng công ty Giấy Việt Nam phải cân đối thu chi tài chính, có trách nhiệm trả nợ nước ngoài.

Về việc sử dụng nguồn thu từ việc bán đấu giá tài sản của dự án, tại công văn số 3657 ngày 21/5/2015 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (khi đấy) cũng đã có ý kiến về nguyên tắc, số tiền thu được từ việc xử lý nhà máy trước hết để trả nợ khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, sau đó trả cho khoản vay Quỹ tích luỹ trả nợ phù hợp với các quy định hiện hành do phần lớn các tài sản của nhà máy được hình thành từ nguồn vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và vốn ngân sách cấp cho chủ dự án.

Căn cứ vào công văn này, Bộ Tài chính sau đó đã trình Thủ tướng xem xét quyết định việc sử dụng tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản của dự án, tiền thu được từ các khoản phải thu của dự án để thanh toán cho các chủ nợ.

Theo đó, ưu tiên trả nợ khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Societe General. Thứ 2 là trả nợ Bộ Tài chính khoản tiền Bộ Tài chính đã ứng từ Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài để thanh toán nợ nước ngoài thay cho dự án.

Thứ 3, số tiền còn lại sẽ thanh toán cho các nhà thầu và các khách hàng, trả nợ cho các tổ chức tín dụng trọng nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại