Cuộc dấn thân không suôn sẻ
Năm 2002, HAGL thành lập công ty con là Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh, đánh dấu cột mốc gia nhập thị trường bất động sản.
Đến năm 2004, HAGL đưa vào hoạt động HAGL Resort Quy Nhơn; năm 2005 khai trương hoạt động HAGL Resort Đà Lạt và năm 2006 khai trương hoạt động HAGL Hotel Pleiku, bàn giao Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương tại TP.HCM (HAGL chính chính thức chuyển sang hình thức công ty CP vào năm này với vốn điều lệ là 296 tỷ đồng).
Những năm sau đó, HAGL tung ra hàng loạt dự án bất động sản và lĩnh vực này nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tập đoàn.
Nhờ lợi thế quỹ đất đã mua từ rất lâu với giá rẻ, có công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ và đá granite khép kín trong quy trình xây dựng căn hộ nên sản phẩm có giá thành cạnh tranh trên thị trường.
Ngành bất động sản là chủ lực của HAGL trong suốt 7 năm (2006-2012), luôn dẫn đầu trong “miếng bánh” doanh thu hàng năm.
Đỉnh cao nhất là vào năm 2009 với 4 dự án chính đưa vào khai thác, gồm: New SaiGon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh (giai đoạn 1) và Hoàng Anh Golden House; mang về doanh thu hơn 3,300 tỷ đồng, chiếm hơn 77% tổng doanh thu cả năm này.
Tập đoàn này còn có nhiều dự án ở các tỉnh Gia Lai, Quy Nhơn, Đắk Lắk, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ
Tại TP.HCM, tập đoàn này đã để lại những dấu ấn lớn trên thị trường địa ốc khi đầu tư mạnh tay cho các dự án như: Chung cư Hoàng Anh Gold House nằm trên mặt đường Lê Văn Lương (quận 7); Khu căn hộ cao cấp Trần Xuân Soạn (quận 7) rộng trên 8ha; Dự án New Sài Gòn tại huyện Nhà Bè; Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương (quận 7); Khu căn hộ cao cấp Phú Hoàng Anh tại huyện Nhà Bè; Dự án tòa nhà Hoàng Anh Safomec -số 7/1 ThànhThái, phường 14, Q.10, TP.HCM với diện tích sàn xây dựng là 8.359 m2; Dự án đất nền Minh Tuấn tại quận 9; Dự án căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình tại quận 7 và dự án Hoàng Anh Phúc Bảo Minh tại quận Tân Phú...
Vẫn còn nặng gánh bởi bất động sản
Những kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tập đoàn lấn sân đa ngành trong chu kỳ kinh tế mới đang đặt ra sức ép cho doanh nghiệp này khi hiệu quả chăn nuôi bò, cao su, mía đường và cả bất động sản đều cho thấy dấu hiệu giảm sút.
Còn nhớ năm 2013, HAGL đã tái cấu trúc mảng bất động sản bằng cách tách phần lớn mảng kinh doanh này ra khỏi HAGL. Công ty tiếp nhận mảng kinh doanh bất động sản của HAGL là An Phú. Hiện nay, HAGL vẫn đang cho An Phú vay số tiền lên đến gần 4.500 tỷ đồng.
Điều này, đồng nghĩa với việc gần như mọi hoạt động kinh doanh của An Phú phụ thuộc vào HAGL. Rõ ràng gánh nặng của bất động sản vẫn đè nặng lên HAGL dù về chính thức An Phú không có vốn của HAGL.
Kịch bản được nhiều người nghĩ tới là Hoàng Anh Gia Lai có thể sẽ phải bán bớt tài sản để xử lý các khoản nợ. Thực tế, trong năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai từng xúc tiến bán 50% cổ phần ở Nhà Hoàng Anh (một công ty con của Tập đoàn, đang nắm 100% cổ phần ở Hoàng Anh Gia Lai Myanmar) cho Rowsley, một công ty bất động sản của tỉ phú người Singapore.
Tuy nhiên thương vụ bất thành do Hoàng Anh Gia Lai không đồng ý cho Rowsley đầu tư trực tiếp vào Hoàng Anh Gia Lai Myanmar như mong muốn của Rowsley. Lý do là thuế suất trên lợi nhuận chuyển nhượng vốn tại Myanmar quá cao (40%).
Trong mục tiêu sắp tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm những đối tác khác để đẩy mạnh việc bán cổ phần này.
Tiếp tục báo lỗ do BĐS
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức lỗ trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do thanh lý dự án bất động sản tại TP.HCM và lỗ do lãi vay.
Theo đó, doanh thu trong 6 tháng vừa qua của Tập đoàn đạt 3.658 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 591 tỷ. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong văn bản thông báo kết quả kinh doanh này là khoản lỗ trước thuế 1.075 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Hoàng Anh Gia Lai, khoản lỗ nói trên là do thanh lý dự án bất động sản tại TP.HCM với 413 tỷ đồng, đánh giá lại tài sản không hiệu quả 530 tỷ đồng và lỗ do lãi vay.
Về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư 6 tháng đầu năm, thông tin mới nhất từ Tập đoàn cho biết, đối với dự án bất động sản tại Myanmar, hiện Cao ốc văn phòng đã cho thuê được 60%, Trung tâm thương mại đã cho thuê được 95% và khách sạn 5 sao đã chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8 vừa qua.
Liên quan đến việc tái cơ cấu công ty, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã thực hiện thanh lý các dự án bất động sản tại Việt Nam, thanh lý các dự án khoáng sản và các mảng kinh doanh không có triển vọng. Tổng chi phí bất thường cho thanh lý các dự án và tài sản này là 944 tỷ đồng (chiếm 2% trên tổng tài sản hợp nhất).