Hai thành viên NATO là Đức và Pháp mới đây đã bình luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp S-400 cả Nga. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang tính sẵn phương án trả đũa nếu Mỹ trừng phạt vì thương vụ vũ khí với Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc để tìm các phương án đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan tới việc nước này mua các hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất theo chỉ thị của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Thông tin do Bloomberg dẫn từ một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên. Nguồn tin này cho biết, Ankara hiện đang phân tích các sản phẩm nhập khẩu và xuất khẩu sang Mỹ để tính toán các biện pháp trả đũa tiềm năng.
Theo hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, thông tin này cũng phản ánh tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14.6 rằng Ankara sẵn sàng chấp nhận bất kỳ hệ quả nào từ quyết định để bảo vệ quyền chủ quyền của nước này và có thể trả đũa nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt.
“Chúng tôi đang làm việc dưới sự chỉ đạo của Tổng thống về các biện pháp. Không hề có việc kiểu như "hãy ngồi im và không nói gì" trước quyết định của Mỹ. Nếu Mỹ tiến hành các bước đi tiêu cực nhắm vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ phải hành động. Chúng tôi sẽ kiên định quyết tâm trở thành một quốc gia độc lập và tự do" - Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói.
Những phát biểu này được đưa ra ít lâu sau khi người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin chỉ trích việc lá thư của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gửi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar có nội dung đe dọa loại Ankara khỏi chương trình huấn luyện phi công F-35 vì thỏa thuận S-400.
Trong diễn biến liên quan, Đức và Pháp mới đây đã có bình luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp S-400 của Nga.
Phó phát ngôn viên của chính phủ Đức Ulrike Demmer cho hay, Berlin muốn Ankara từ bỏ thỏa thuận với Mátxcơva ký tháng 12.2017 về việc mua các tổ hợp phòng không S-400.
"Ý định của Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua các hệ thống tên lửa Nga đang được trao đổi trong khuôn khổ liên minh và đó là một vấn đề tranh cãi với NATO. Chính phủ Đức sẽ hoan nghênh Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc quyết định của họ về S-400" - bà nói.
Người phát ngôn giải thích rằng, các vấn đề liên quan tới khả năng không tương tích của hệ thống phòng không Nga với các thiết bị của NATO là những quan ngại hàng đầu của liên minh khi đề cập tới vấn đề này.
Tuy nhiên, lập trường của Berlin và Washington về S-400 không giống với Paris. Bộ Ngoại giao Pháp lưu ý các quốc gia khác rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền chủ quyền trong việc mua các trang thiết bị quân sự cần thiết.
"Việc mua thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng là một quyết định chủ quyền. Tính toàn vẹn của liên minh NATO cũng quan trọng không kém và khả năng tương tác quân sự giữa các đồng minh quan trọng với liên minh" - Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp.