Lời kêu gọi trên được ông Mazloum Kobani – Chỉ huy Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd đóng vai trò chủ đạo, đưa ra sau các cuộc đàm phán với giới tướng lĩnh cấp cao của Mỹ ở Syria.
Những phát biểu của ông Kobani có lẽ cũng đã đưa ra được quan điểm toàn diện nhất từ trước đến nay về việc Lực lượng Dân chủ Syria mong muốn sự giúp đỡ về quân sự lâu dài của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Những gì ông Kobani bày tỏ cho thấy ông này vẫn còn hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thay đổi trong quyết định rút quân khỏi chiến trường Syria – một quyết định đang bị chỉ trích gay gắt ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump có thể khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức.
"Chúng tôi muốn được ủng hộ, hậu thuẫn từ trên không cũng như từ một lực lượng đóng quân trên mặt đất để phối hợp với chúng tôi”, ông Kobani cho một nhóm nhỏ phóng viên biết tại một căn cứ không quân ở một địa điểm không xác định trên chiến trường đông bắc Syria.
Với sự giúp đỡ của Mỹ, lực lượng chiến binh do người Kurd dẫn đầu đã đánh chiếm được sào huyệt cuối cùng của tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở đông Syria. Ở lúc phát triển mạnh mẽ nhất cách đây 4 năm, IS từng chiếm khoảng 1/3 lãnh thổ của cả Iraq và Syria rồi tuyên bố lập nên cái gọi là nhà nước tự xưng.
Tuy nhiên, IS vẫn còn hàng ngàn chiến binh và đang nằm rải rác ở khắp nơi. Chúng được cho là đang áp dụng chiến thuật thực hiện các cuộc tấn công kiểu du kích.
Ông Kobani cho biết, đang có các cuộc thảo luận về việc binh sĩ của Anh và Pháp sẽ hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria. Tuy nhiên, vị chỉ huy của Lực lượng Dân chủ Syria nhấn mạnh, ông vẫn muốn ít nhất “có một nhóm binh sĩ Mỹ” đóng tại Syria. Hiện tại, Mỹ đang có hơn 2.000 quân ở Syria.
"Các lực lượng Mỹ vẫn phải ở bên cạnh chúng tôi”, ông Kobani nói như vậy qua một người phiên dịch.
Sau các cuộc đối thoại với ông Kobani, Tướng Lục quân của Mỹ Joseph Votel – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ cho biết, ông vẫn đang thực hiện lệnh của Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái về việc rút quân hoàn toàn ra khỏi chiến trường Syria.
"Chúng tôi chắc chắn hiểu rõ điều mà họ muốn chúng tôi làm nhưng tất nhiên đó không phải là con đường mà chúng tôi đang đi vào thời điểm cụ thể này”, ông Votel cho các phóng viên biết.
Khi được hỏi về việc có bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến việc tiếp tục duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Syria, ông Votel cho hay: "Thực tế các cuộc thảo luận không đề cập đến việc quân Mỹ ở lại đây. Chúng tôi chỉ xem xét vấn đề liên quân có thể làm gì ở đây”.
Những phát biểu trên của vị quan chức cấp cao của Mỹ cho thấy, bất chấp những lời kêu gọi của đồng minh, Washington vẫn tiếp tục kế hoạch rút quân của mình.
Quyết định rút quân khỏi Syria đầy bất ngờ của ông Trump đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt của giới nghị si Mỹ bởi họ cho rằng, hành động của ông chủ Nhà Trắng sẽ làm phương hại đến an ninh của nước Mỹ đồng thời cũng là hành động trao lại khu vực quan trọng cho Nga, Iran và Syria.
Đáp lại, ông Trump giải thích rằng, quyết định rút quân của ông là do Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại lực lượng khủng bố IS hay còn gọi là Daesh.
Việc Mỹ rút quân khỏi chiến trường Syria chẳng khác nào việc mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh lực lượng người Kurd. Chính vì thế, không ít người cho rằng, Mỹ đang bỏ rơi đồng minh.
Mới đây, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đã lên tiếng cảnh báo lực lượng người Kurd đừng “đánh cược” vào đồng minh Syria mà hãy bắt tay với chính quyền Syria bởi chỉ có quân đội của ông này mới có thể bảo vệ được lực lượng người Kurd.
Nếu Mỹ khăng khăng rút quân, rất có thể đội quân người Kurd sẽ về đầu quân cho chính quyền của Tổng thống Assad. Điều này chắc chắn sẽ khiến sức mạnh của quân đội Syria gia tăng và giúp củng cố thêm cho vị thế của ông Assad.