CNN dẫn nguồn tin quân sự cho biết, hơn 1.000 tên khủng bố thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể đã rút khỏi Syria, tới những vùng núi và sa mạc ở phía tây Iraq trong 6 tháng qua, và nhiều khả năng đem theo tới 200 triệu USD tiền mặt trong quá trình tháo chạy.
Hiện tại, IS phải rút lui về những căn cứ cuối cùng còn sót lại ở đông nam Syria. Một sĩ quan Mỹ tiết lộ đa số những tay súng IS là cựu thành viên của tổ chức Al Qaeda ở Iraq.
Đầu tháng này, Joseph Votel - tướng 4 sao chỉ huy chiến dịch quân sự của Mỹ tại Trung Đông - ước tính có khoảng 20.000 tới 30.000 lính IS chưa bị tiêu diệt. Liên Hợp Quốc cũng đưa ra số liệu tương tự vào tháng 8/2018. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ thống kê rằng có khoảng 15.500 tới 17.100 lính IS tại Iraq và 14.000 tay súng IS khác ở Syria.
Trái ngược với tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump, một nhà ngoại giao Mỹ cho rằng cần phải định nghĩa rõ ràng hơn về từ "tiêu diệt hoàn toàn" khi đề cập tới IS.
Những trận chiến chống IS cuối cùng tại Syria. Nguồn: CNN
Theo vị này, "tiêu diệt" không chỉ nói về lãnh thổ địa lí của IS mà phải là cắt đứt được mạng lưới IS, bao gồm các nguồn tài chính, nguồn cung cấp vũ khí và những tổ chức bao che, cung cấp nơi ăn chốn ở cho nhóm khủng bố.
Do đó, có thể có tới hàng chục nghìn người liên quan tới IS - theo lời điều trần của cơ quan tình báo trước quốc hội Mỹ.
Những lãnh thổ cuối cùng
Trong khi đó, một tướng thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho rằng hiện IS chỉ kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng 700m2.
Tuần qua, SDF đã tổ chức tấn công thị trấn Baghouz Al-Fawqani ở miền đông Syria, một trong những cứ điểm cuối của IS.
Trả lời trong cuộc họp báo, chỉ huy Chia Kobani của SDF cho hay lực lượng này phải thận trọng để đảm bảo an toàn cho hàng nghìn dân thường bị IS sử dụng làm "lá chắn sống". Với nỗ lực giải phóng tù binh khỏi những nơi bị IS chiếm đóng, SDF đã giúp giải thoát được ít nhất 10 người dân trong những ngày gần đây.
"Một số người ngạc nhiên bởi chúng tôi vẫn chưa giành lại được Baghouz. Nhưng trên thực tế, chúng tôi đang di chuyển cẩn thận bởi vẫn còn hàng nghìn người dân bị bắt giữ. Trong những ngày tới, rất nhanh thôi, chúng tôi sẽ thông báo tin tốt lành tới thế giới, tới người Kurd, người Ả Rập, chính quyền ông Assad, tới người dân trong khu vực, về cái kết của tổ chức khủng bố IS," ông Kobani nói.
Trước đây, vào thời kì đỉnh cao, IS đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng bằng nước Anh và quản lí tới 10 triệu người.
Gần đây, Mỹ đã liên tục hứng chịu chỉ trích sau khi tổng thống Donald Trump quyết định rút lính Mỹ khỏi Syria.
Động thái này đã khiến các đồng minh bất ngờ và tạo ra sự chuyển biến địa chính trị lớn ở vùng Trung Đông.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng việc Mỹ rút quân sẽ làm tăng vai trò của Nga và Iran trong khu vực.
"Ngay lập tức rút quân khỏi Syria có phải là ý tốt không? Hay việc đó sẽ khiến tầm ảnh hưởng của Iran và Nga tại đây trở nên mạnh mẽ hơn? Đó là điều chúng ta phải bàn lại," bà Merkel nói.