Donald Trump: 2 tháng đầu tiên cầm quyền gói gọn trong 2 từ chẳng ai muốn nghe

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Ở thời điểm quan trọng nhất trong 2 tháng cầm quyền đầu tiên của ông Trump, răn đe và cả tối hậu thư của ông đều không thuần phục được bộ phận bất đồng chính kiến trong đảng Cộng hoà.

Việc Đảng Cộng hoà của tổng thống Mỹ Donald Trump dẫu chiếm đa số trong Hạ viện mà không tổ chức biểu quyết được để thông qua dự luật về cải cách y tế là thất bại chính trị nặng nề đối với đảng này và cá nhân ông Trump.

Ông Trump thật ra không phải là tác giả của dự luật - tác giả thật của nó là chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.

Nhưng dự luật này nếu được thông qua sẽ giúp ông Trump đồng thời đạt được nhiều mục đích. Nó sẽ thay thế cuộc cải cách chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế mà người tiền nhiệm của ông, tổng thống Barack Obama cùng Đảng Dân chủ thông qua trong quốc hội và thực thi trên thực tế từ năm 2009, còn được gọi là Obamacare.

Lật ngược và thay thế Obamacare là một trong những cam kết tranh cử trung tâm của ông Trump và là mục tiêu mà Đảng Cộng hoà theo đuổi từ năm 2009.

Nếu suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump luật hoá quan điểm riêng thành chính sách của chính quyền mới ở Mỹ bởi trong hơn hai tháng cầm quyền đầu tiên đến nay, ông Trump chỉ và rất thích sử dụng công cụ sắc lệnh hành pháp của tổng thống.

Donald Trump: 2 tháng đầu tiên cầm quyền gói gọn trong 2 từ chẳng ai muốn nghe - Ảnh 1.

Ông Trump xuất hiện trước công chúng trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Hy Lạp, ngay trước khi công bố rút dự luật mới. Ảnh: Reuters

Thất bại này đối với ông Trump còn tai hại hơn nhiều việc hai lần sắc lệnh cấm công dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ bị toà án bác bỏ, hơn hẳn những bê bối về nhân sự với việc cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn buộc phải từ chức, hơn cả việc Cục Điều tra liên bang (FBI) phản bác cáo buộc của ông về việc ông bị người tiền nhiệm nghe lén cũng như việc cơ quan này điều tra về vai trò của Nga đối với thắng lợi của ông.

Nó là đỉnh điểm của cả chuỗi thất bại của ông Trump kể từ khi nhậm chức. Giống như ở thời còn vận động tranh cử, ông Trump quyết rất nhiều, tuyên cáo rất hùng hồn, phát ngôn rất mạnh mẽ nhưng mọi cái đều chưa đâu vào đâu hoặc mới chỉ được tung ra rồi để đấy.

Sự thất vọng của dân Mỹ nói chung và của những bộ phận cử tri đã bầu ông Trump làm tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thể hiện ở mức độ tín nhiệm thấp, với không đầy 37%, thấp nhất trong số tất cả các tổng thống Mỹ trong cùng thời kỳ cầm quyền kể từ khi ở Mỹ tiến hành thăm dò dư luận về uy tín của tổng thống năm 1945 đến nay.

Tổng thống thất bại và đa số dân Mỹ thất vọng - hơn hai tháng cầm quyền của ông Trump là như thế.

Cái tai hại đối với ông Trump là những thất bại hoặc không thành công ấy đã làm cho ông chẳng khác gì tự bộc lộ hết chính mình. Ông đã cho thấy không phải cứ muốn làm gì cũng làm được và không phải cứ tuyên bố gì rồi cũng sẽ làm y thế.

Qua chuyện  dự luật mới về cải cách y tế lại còn có thể thấy đối với ông Trump, điều quan trọng hơn cả lật ngược và thay thế Obamacare là thể hiện khả năng thống nhất và kiểm soát, chi phối và dẫn dắt Đảng Cộng hoà. Cũng chính vì thế mà thất bại mới nặng nề và cay đắng hơn.

Không tai hại sao được đối với ông Trump khi mọi dọa nạt, răn đe và cả tối hậu thư đều không thuần phục được bộ phận bất đồng chính kiến trong chính Đảng Cộng hoà. Ông Trump đã phải trả giá đắt cho việc đánh giá mình quá cao. Tự tin quá thường hoá chủ quan và chủ quan quá thường hoá nhẹ dạ.

Ông Trump thì như thế trong khi Đảng Cộng hoà vẫn đắm chìm trong cuộc khủng hoảng về bản sắc và định hướng chính sách sau khi giành lại vị thế cầm quyền. Họ tuy cùng một đảng nhưng lại chẳng khác gì ở hai phe.

Donald Trump: 2 tháng đầu tiên cầm quyền gói gọn trong 2 từ chẳng ai muốn nghe - Ảnh 2.

Ông Trump thất bại trước hết bởi cách thức cầm quyền bất chấp tất cả: Quốc hội, toà án, phe đối lập, giới báo chí và truyền thông... Nhưng nguyên nhân cơ bản cũng còn là sự thiếu vắng của chiến lược tổng thể và chính sách rõ ràng, khả thi về mọi phương diện. Vì thế mà ông Trump và cộng sự cứ mãi phải "bóc ngắn cắn dài" và "vừa làm vừa sửa".

Hậu quả là muốn làm mới để bỏ cái cũ nhưng chưa có được cái mới nên đành phải tiếp tục cái cũ như có thể thấy trong chuyện nhập cư, nhập cảnh và Obamacare, trong quan hệ với NATO và EU, với Trung Quốc, Đài Loan và Nga, với các đồng minh và đối tác, nhưng cũng còn cả với những đối thủ như Iran hay Triều Tiên.

Những thất bại này dường như vẫn chưa đủ để giúp ông Trump thấm thía là lãnh đạo nước Mỹ khác với quản trị một doanh nghiệp. Nhiệm kỳ của ông Trump còn dài. Chỉ có điều nếu ông thật sự đã đeo đuổi ngay từ bây giờ tham vọng tái ứng cử tổng thống thêm nhiệm kỳ nữa thì không thể không tự điều chỉnh, nhanh chóng và thật sự, trước khi quá muộn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại