Cấp tập đầu tư
Bà Aung San Suu Kyi nhậm chức cố vấn nhà nước được xem là sự kiện mang tính lí thuyết nhưng không phải là không có ý nghĩa.
Khi bà Suu Kyi, biểu tượng của sự dân chủ cam kết lãnh đạo Myanmar ở vị trí "trên Tổng thống", cộng đồng quốc tế bắt đầu lũ lượt xếp hàng để tiếp cận với đất nước lâu nay bị cô lập.
Nhưng dù "thương hiệu" của bà Suu Kyi có khả năng thu hút sự chú ý thì cùng lúc đó, nó cũng là "gót chân" Achilles của Myanmar.
Các phái đoàn kinh tế của Mỹ dự kiến sẽ tới Myanmar để đánh giá cơ hội đầu tư, ông Scot Marciel, đại sứ Mỹ tại Myanmar cho biết.
Hôm 3/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã gặp gỡ bà Suu Kyi khi đang cân nhắc gói hỗ trợ phát triển trị giá 910 triệu USD.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida gặp người đồng cấp Myanmar Aung San Suu Kyi.
Những chuyến thăm này còn xếp sau hàng loạt những kẻ đi sớm, đón đầu gồm: Trung Quốc, Italy, Đức và Canada, những nước đã tiến hành gặp gỡ với Chính phủ mới ngay khi bộ máy này bắt đầu vận hành vào 30/3, theo Myanmar Times.
Dù được tiếp cận với mục đích kinh tế hay đòn bẩy chính sách ngoại giao, Myanmar – quốc gia kẹp giữa 2 người khổng lồ châu Á Ấn Độ và Trung Quốc – đang là một miếng mồi ngon.
Nhưng theo ông Lex Rieffel, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Viện Brookings, tại một đất nước còn thiếu năng lực tổ chức, "cơn sóng thần viện trợ" có thể cản trở tiến trình chuyển tiếp của Myanmar.
Các nhà tài trợ nước ngoài đã có được sự hậu thuẫn quý báu sau các cuộc gặp. Họ cũng đã thuê những người bản địa có năng lực và đẩy giá nhà đất lên cao ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
"Gót chân" Achilles của Myanmar
Nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) không được kiểm soát có thể gây nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các nền công nghiệp trong nước thông qua các mánh làm ăn phi đạo đức hoặc khai thác lỗ hổng tham nhũng, đặc biệt trong các ngành khai thác tài nguyên như: gỗ, khí đốt, ngọc, những ngành trực tiếp liên quan tới giới tinh hoa của đất nước.
Trong khi đó, nguồn viện trợ dồn dập nhanh chóng cũng đi ngược lại kế hoạch của Chính phủ mới. Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và Tân Tổng thống Htin Kyaw, không tìm kiếm "sự thay đổi có thể đứt đoạn" và đã phác thảo các giai đoạn chuyển tiếp kinh tế cho Myanmar.
Chủ nhân giải Nobel muốn đưa ra chiến lược kinh tế của riêng mình. Trong chuyến thăm 2013 tới Singapore bà Suu Kyi đã từng đề xuất: Myanmar nên đi theo hình mẫu của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thị trường tự do.
Và tuyên ngôn của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong cuộc bầu cử 2015 cũng nhắc tới "chủ nghĩa Suu Kyi". Theo đó, Đảng này muốn tìm cách nâng FDI nhưng chỉ khi các "tiêu chuẩn quốc tế cao nhất" có thể mang tới "lợi ích lâu dài bền vững".
Năm cột trụ kinh tế - cẩn trọng tài chính, công quyền có hiệu quả, nông nghiệp, ổn định tiền tệ và cơ sở hạ tầng – được xem là nền tảng cần thiết trước khi FDI thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Đảng NLD, chiếm 80% số ghế trong cuộc bầu cử hồi tháng 11, muốn có một sự khởi đầu nằm trong tầm kiểm soát, tránh để tình trạng bong bóng kinh tế, mất cân bằng thu nhập, tham nhũng ảnh hưởng tới một số quốc gia láng giềng.
Đối với nhiều người, con thuyền ấy đã ra khơi.
Không còn bị neo lại bởi những sửa đổi dẫn tới hàng loạt cấm vận quốc tế dưới thời cựu Tổng thống Thein Sein, kinh tế Myanmar dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 8,4% năm nay, theo báo cáo dự đoán mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á. Đây được xem là mức cao nhất ở châu Á.
Trong khi đó, FDI đã tăng lên mức kỉ lục 9,4 tỉ USD trong năm tài khóa 2015 – 2016. Theo tờ Daily Eleven, Myanmar sẽ tích lũy được 140 tỉ USD FDI tính đến năm 2030, nếu dự đoán về việc Mỹ khôi phục chế độ ưu tiên và dỡ bỏ những cấm vận còn lại trở thành sự thực.
Tuy nhiên, bà Suu Kyi cần thời gian để tập hợp một hệ thống quan chức đủ năng lực nhằm thực thi các điều luật và quy định về nguồn vốn thu về. Nếu không, số tiền này kết cục sẽ rơi vào túi những kẻ tham nhũng.
Bà cũng phải đối mặt với các thách thức về việc thương lượng quyền điều hành với quân đội, thúc đẩy thỏa thuận hòa bình với các nhóm thiểu số và cân nhắc các dự án xây dựng quy mô lớn hiện gây nhiều tranh cãi, như dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc thực hiện.
Tóm lại, Myanmar cần phải giải quyết một số vấn đề về bộ máy cũng như quy trình, trước khi nhận nguồn tiền hùng hậu từ nước ngoài và tiến tới triển vọng phát triển kinh tế, đúng như bài thơ vui của một cư dân Yangon mà chúng tôi tạm dịch:
"Phải đổ được móng
Phải khô được xi (măng)
Miến Điện khi ấy
Mới mơ chồng tầng".