Đối tượng mang súng AK đi cướp tiệm vàng ở Huế đối diện những tội danh nào?

Hoàng Dũng |

Theo Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, hành vi nổ súng cướp tiệm vàng của đối tượng Quốc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội, công cộng.

Đối diện 2 tội danh

Liên quan đến vụ cướp tiệm vàng xảy ra tại chợ Đông Ba (TP Huế), trao đổi với PV, luật sư Võ Thị Tuệ Minh - Công ty Luật An Doanh (Thừa Thiên Huế) cho biết, hành vi nổ súng cướp tiệm vàng của đối tượng Ngô Văn Quốc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội, công cộng.

Theo luật sư Võ Thị Tuệ Minh, trong sự việc này, đối tượng Quốc đã sử dụng vũ khí nguy hiểm mà cụ thể súng AK để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại hai tiệm vàng ở Huế. Đến thời điểm hiện tại, chưa xác định được cụ thể tổng thiệt hại trong vụ án để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt.

Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, giá trị tài sản bị chiếm đoạt đã đủ để xác định hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cướp tài sản" theo Điều 168 (Bộ Luật hình sự năm 2015) với tình tiết định khung là “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”. Tùy theo giá trị tài sản bị chiếm đoạt sau khi đã được xác minh mà mức phạt của Quốc có thể sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Đối tượng mang súng AK đi cướp tiệm vàng ở Huế đối diện những tội danh nào? - Ảnh 1.

Luật sư Võ Thị Tuệ Minh

Đồng thời cũng cần xác định, ở đây đối tượng Quốc thực hiện việc cướp tài sản tại tiệm vàng Hoàng Đức, rồi mới thực hiện cướp tại tiệm vàng Thái Lợi. Do đó, cần xem xét đây có phải điều tra làm rõ có hay không là hành vi phạm tội nhiều lần hay phạm tội liên tục để xác định dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.

Khi thực hiện hành vi cướp tài sản đối tượng còn sử dụng súng AK và bên trong còn có đạn được thu giữ để thực hiện hành vi của mình. Theo đó, súng AK là vũ khí quân dụng thuộc danh mục hàng cấm do Nhà nước quản lý và cấp phép sử dụng, đối tượng Quốc không được phép sử dụng nhưng vẫn sử dụng để phục vụ cho mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" theo Điều 304 (Bộ luật hình sự 2015).

“Hành vi của đối tượng Quốc là rất nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến các quy định độc quyền của Nhà nước về quản lý vũ khí quân dụng và vật liệu nổ, làm mất an ninh trật tự tại địa phương do đó cần có mức án tương xứng để răn đe, giáo dục, cải tạo đối tượng và góp phần phòng ngừa chung trong xã hội. Ngoài ra, cần điều tra làm rõ thêm vũ khí của đối tượng từ đâu mà có, trách nhiệm về việc quản lý vũ khí trong sự việc lần này”, luật sư Võ Thị Tuệ Minh cho hay.

Theo luật sư Võ Thị Tuệ Minh, đối tượng được xác định là người đang công tác trong lực lượng công an nên sẽ bị áp dụng biện pháp kỷ luật là tước danh hiệu công an nhân dân khi truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 27 và Điều 40 Thông tư số 16/2020/TT-BQP.

Người nhặt vàng có bị xử lý?

Bên cạnh vụ việc cướp tiệm vàng, theo luật sư Võ Thị Tuệ Minh, cần xem xét đối với hành đồng nhặt vàng của những người dân xung quanh và người tham gia giao thông nhưng không trả lại cho chủ sở hữu.

Đối tượng mang súng AK đi cướp tiệm vàng ở Huế đối diện những tội danh nào? - Ảnh 2.

Vụ cướp tiệm vàng xảy ra ngày 31/7 tại khu vực chợ Đông Ba (TP Huế)

Luật sư Võ Thị Tuệ Minh phân tích, trước hết, xét về mặt đạo đức xã hội, đây là hành vi xấu, đáng lên án và vô cùng phản cảm đối với hình ảnh của người dân Huế nói riêng.

Đồng thời, hành vi nhặt vàng này còn xảy ra khi đối tượng trong vụ cướp đang có vũ khí nguy hiểm đang có mặt tại hiện trường và mặc cho người dân xung quanh hô hoán là đang có cướp, điều này có thể làm nguy hiểm đến tính mạng của chính những người dân này nhưng vì lòng tham mà chính người dân này bỏ qua.

Đối với góc độ pháp lý, nếu người dân nhặt vàng không trả lại người bị mất và giao nộp lại tài sản không những đáng lên án mà đây còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, người dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội "Chiếm giữ tài sản trái phép của người khác" theo Điều 176 (Bộ luật hình sự 2015). Nếu chưa đủ yếu tố hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ- CP của Chính phủ.

“Thời điểm hiện tại, đã có một số người dân trả lại vàng theo yêu cầu thông báo của cơ quan điều tra. Do đó, người dân nên đến cơ quan điều tra để giao nộp lại số vàng đã nhặt được để phục vụ quá trình điều tra và hoàn trả lại cho người bị mất”, luật sư Võ Thị Tuệ Minh thông tin.

Vào khoảng 12h30 ngày 31/7, một đối tượng sử dụng súng AK bất ngờ xông vào hai tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi (tại khu vực chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo), nổ súng chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm vàng rồi cướp vàng; sau đó đối tượng đem số vàng này vứt ra phía vỉa hè rồi đi bộ đến khu vực cầu Gia Hội.

Ngay khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Công an tỉnh và Công an TP Huế nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khoanh vùng và ngăn không để người dân dân di chuyển vào hiện trường.

Khi được Đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế gặp gỡ, động viên, thuyết phục, đối tượng đã đồng ý hạ và giao nộp vũ khí.

Đối tượng gây án là Ngô Văn Quốc (SN 1984, trú tại thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế- cán bộ trại giam Bình Điền).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại