Đối thoại Dân tộc Syria: Chuyến tàu hoà bình đang rời bến, ai lên chậm sẽ lỡ tàu

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Hội nghị Đối thoại Dân tộc Syria tại Sochi với những kết quả tích cực của nó là bước đầu thúc đẩy các bên trở lại bàn đàm phán, nhằm tìm ra giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột.

Thành công lớn của hội nghị

Hội nghị "Đối thoại Dân tộc Syria" đã được triệu tập tại thành phố Sochi thuộc miền Nam nước Nga trong hai ngày 29-30/1/2018.

Đây là Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Nga với sự tham gia đông đảo nhất từ trước tới nay của đại diện các tầng lớp xã hội Syria, trong đó có đại diện của chính phủ Syria, các đảng phái chính trị, tôn giáo, các nhóm sắc tộc và tổ chức đối lập bên trong và bên ngoài Syria.

Thời gian qua, Nga đã có nhiều cố gắng vận động hành lang, phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - hai đối tác chính của Nga - trong tiến trình Astana để đưa Hội nghị Sochi đến thành công.

Trong bối cảnh Ankara phát động "Chiến dịch Nhành Ô-liu" vào Afrin thuộc miền bắc Syria, việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Hội nghị Sochi có ý nghĩa đặc biệt bởi nước này là thành viên của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là quốc gia có vai trò to lớn ở khu vực Trung Đông nói chung và cuộc xung đột Syria nói riêng.

Đối thoại Dân tộc Syria: Chuyến tàu hoà bình đang rời bến, ai lên chậm sẽ lỡ tàu - Ảnh 1.

Bục phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: TASS

Trong tình hình hết sức phức tạp, Mỹ, Pháp, một số nước Ả Rập tìm cách phá hoại và Ủy ban đàm phán tối cao (HNC) thuộc diễn đàn Riyadh tẩy chay, thì chỉ riêng việc triệu tập được Hội nghị Sochi vào đúng thời gian đã định đã là một thành công lớn.

Chưa kể, hội nghị còn triệu tập được sự tham gia đông đảo của 1511 nhân vật đại diện cho các đảng phái, các thành phần xã hội, các nhóm vũ trang và các tổ chức đối lập Syria.

Hội nghị này còn có sự tham gia của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria - ông Staffan De Mistura.

Một số nước thành viên Hội đồng Bảo an, Kazakhstan, Jordan, Ai Cập, Iraq, Lebanon tham gia với tư cách quan sát viên là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các cố gắng của Nga nhằm tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho vấn đề Syria.

Hội nghị kết thúc đã nhất trí thông qua 3 văn kiện, tuyên bố cuối cùng và bức thông điệp của những người tham dự. Hội nghị cũng đưa ra danh sách 150 ứng cử viên tham gia vào Ủy ban nghiên cứu các vấn đề liên quan đến dự thảo Hiến pháp.

Giải pháp chung cho vấn đề Syria

Thông điệp của những người tham dự Hội nghị gửi cộng đồng quốc tế nêu rõ nguyện vọng chung của họ là muốn sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.

Đồng thời, họ cũng kêu gọi LHQ, các tổ chức nhân đạo và tất cả cộng đồng quốc tế tham gia vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh và công cuộc tái thiết Syria, tiếp tục cố gắng tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, trên cơ sở nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an ngày 30/12/2015.

Đối thoại Dân tộc Syria: Chuyến tàu hoà bình đang rời bến, ai lên chậm sẽ lỡ tàu - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Nga phát biểu tại cuộc đối thoại. Ảnh: TASS

Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị nêu rõ, những người tham gia Hội nghị nhất trí về một giải pháp chính trị gồm 12 điểm, trong đó có nguyên tắc tôn trọng hoàn toàn độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.

Nhân dân Syria là người quyết định tương lai của Syria bằng các biện pháp dân chủ thông qua bầu cử tự do và là người duy nhất có quyền lựa chọn chế độ chính trị, xã hội và kinh tế của mình mà không phải chịu bất cứ sức ép hoặc can thiệp nào từ bên ngoài.

Tuyên bố cũng khẳng định nhà nước Syria sẽ là một nhà nước dân chủ, đa đảng, đa chủng tộc, tôn trọng quyền con người và tất cả mọi người dân đều có quyền bình đẳng như nhau. Đây chính là những nguyên tắc phổ biến trong quan hệ quốc tế.

Một số nước chống lại các cố gắng của Nga cho rằng Nga muốn tạo ra một diễn đàn mới thay thế cho các cuộc đàm phán Geneva. Tôi cho rằng nhận định này không có cơ sở và thiếu tầm nhìn toàn diện.

Đối thoại Dân tộc Syria: Chuyến tàu hoà bình đang rời bến, ai lên chậm sẽ lỡ tàu - Ảnh 3.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới Syria. Ảnh: Anadolu Agency

Cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 8, cướp đi sinh mạng gần nửa triệu người và 1/2 dân số phải bỏ nhà cửa ra đi, đất nước bị tàn phá, các cuộc đàm phán tại Geneva từ 2014 đến nay đều bế tắc.

Trong bối cảnh ấy, Hội nghị Sochi lần đầu tiên tập hợp được rộng rãi các thành phần chính trị, xã hội, tôn giáo... của Syria và những kết quả đạt được cần phải được coi trọng.

Những kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán tại Geneva sắp tới có nội dung thực chất hơn.

Tiền đề cho tiến trình hòa bình của LHQ

Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, ông Alexander Lavrentiev, Đặc phái viên của Tổng thống Nga V. Putin về vấn đề Syria khẳng định các văn kiện của Hội nghị Sochi sẽ được chuyển cho Đặc phái viên của LHQ về Syria để tiếp tục công việc.

Mục tiêu của Hội nghị Đối thoại Dân tộc Syria là nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán hoà bình Geneva theo nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an.

Ông cũng khẳng định Nga dành toàn quyền cho Đặc phái viên Staffan De Mistura nhằm chủ động điều hành tiến trình giải pháp Syria và coi thành công của Hội nghị Sochi chỉ là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán tại Geneva. Như vậy không thể nói diễn đàn Sochi là nhằm thay thế cho Geneva được.

Cuộc Đối thoại Dân Tộc Syria diễn ra trong ngày 29/1. Nguồn: RT

Các cuộc thảo luận tại Hội nghị Sochi không hề dễ dàng chút nào. Kết quả quan trọng nhất là tất cả những người tham dự Hội nghị đã nhất trí nội dung tuyên bố 12 điểm cốt lõi của giải pháp Syria mà LHQ đã nêu ra trước đây.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11 năm ngoái tại Sochi và Hội nghị "Đối thoại Dân tộc Syria" lần này, Nga đã nhiều lần tuyên bố Hội nghị Sochi chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại đàm phán giữa các bên xung đột Syria.

Tất cả các vấn đề vẫn sẽ được thỏa thuận trong khuôn khổ hoà đàm Geneva dưới sự chủ trì của LHQ.

Hội nghị Sochi vẫn để ngỏ cho tất cả các phe phái Syria tham gia.

Đặc phái viên Staffan De Mistura sẽ tiến hành tham vấn với tất cả các bên Syria, kể cả các tổ chức đối lập vừa qua không tham gia Hội nghị Sochi về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp và tất cả các vấn đề khác liên quan đến giải pháp cho cuộc xung đột.

Đối thoại Dân tộc Syria: Chuyến tàu hoà bình đang rời bến, ai lên chậm sẽ lỡ tàu - Ảnh 5.

Cuộc xung đột Syria kéo dài hơn bảy năm với hàng trăm tổ chức đối lập bên trong và bên ngoài Syria, sự can dự của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.

Giải pháp cho cuộc xung đột Syria cần nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột và cộng đồng quốc tế. Vai trò của các nước liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột, trong đó có Mỹ là hết sức quan trọng.

Rất tiếc đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện hầu hết các cam kết của ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng chỉ có một điều ông chưa thực hiện là hợp tác với Nga để giải quyết vấn đề Syria.

Hội nghị Đối thoại Dân tộc Syria tại Sochi với những kết quả tích cực của nó là bước đầu thúc đẩy các bên trở lại bàn đàm phán, nhằm tìm ra giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột.

Con tàu hoà bình Syria đã bắt đầu chuyển bánh, ai lên chậm sẽ bị lỡ tàu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại