Vớt được gỗ quý ngàn năm liền bị bắt vì "ăn cắp tài sản quốc gia"

Như Quỳnh |

Trang Sohu đưa tin, ngày 1/7 vừa qua tại Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một người đàn ông họ Lâm đã trục vớt được 44 cây gỗ quý ở đáy sông Đông Giang.

Giá của mỗi mét khối gỗ này được xác định là vào khoảng trên dưới 500.000 NDT (hơn 1.7 tỷ VNĐ).

Khi đang thỏa thuận bán số gỗ vớt được này, ông Lâm bị dân làng tố cáo với tội danh “ăn cắp tài sản quốc gia”. Công an địa phương nhanh chóng đến hiện trường và thu giữ số gỗ quý.

Người đại diện trụ sở cảnh sát cho biết, các chuyên gia giám định tại địa phương khẳng định trong 44 cây gỗ được vớt từ dưới đáy sông lên, có một cây cổ mộc đã ngàn năm tuổi.

Tuy nhiên, cảnh sát tạm thời chưa kê khai số gỗ quý này lên chính phủ.

“Chúng tôi nhận được cấp báo tại Đông Giang có kẻ trộm gỗ. Vì vậy cảnh sát đã vào cuộc” - Quan chức trên cho hay.

Ngay sau khi thu giữ, có 41 cây gỗ đã được chuyển tới sở cảnh sát, số còn lại được chuyển vào hôm sau.

Gỗ quý "ngót dần" ở đồn công an?

Ngày 2/7, phóng viên tờ Yangcheng Evening News đã tới đồn công an nơi đang cất giữ 44 cây gỗ để phỏng vấn.

Tuy nhiên, tại địa điểm thu giữ, các phóng viên thấy hàng chục cây gỗ bị quẳng bừa bãi trên mặt đất, không có đồ bảo vệ, cũng không có biện pháp bảo quản.

Điều đáng chú ý là tại hiện trường còn rơi rụng lại một số mảnh gỗ, cho thấy dấu hiệu của việc bị cắt xén.

Tuy bị nhân viên bảo vệ cản trở, nhưng theo quan sát, các phóng viên cho biết số lượng cây gỗ tại hiện trường không tới 40 cây.

Chiều cùng ngày, các ký giả trở lại nhưng hiện trường vẫn là một đống bừa bãi như vậy và không có nhân viên cơ quan địa phương nào trực tiếp trả lời phỏng vấn.

Điều đáng nói chính là, chỉ trong một buổi chiều, khi phóng viên quay lại, đã có hơn 10 cây gỗ quý có dấu hiệu bị cưa cắt.

Nhân viên bảo vệ tại hiện trường một lần nữa xua đuổi phóng viên: “Các vị lãnh đạo đang ở trong phòng họp, chúng tôi không có cách nào xử lý.”

Những người trục vớt và dân làng cho biết: “Chúng tôi trực tiếp thu được 44 cây, nhưng trước khi chuyển giao cho công an, lại phát hiện ra có 4 khúc đã hỏng, chỉ còn 40 cây.”

Cũng trong ngày 2/7, ông Lưu Thiếu Huy – người đại diện cho công an địa phương đã trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Ông Lưu đã khẳng định 4 khúc gỗ bị hư hỏng thuộc vào loại gỗ mun, là tài nguyên cấp quốc gia, nhưng vẫn phải tiến hành phá bỏ.

Giải thích nguyên do của việc gỗ bị hư hỏng, ông Lưu cho rằng công việc trục vớt đã được tiến hành một, hai tháng. Có thể do người vớt không chú ý che chắn bảo vệ, những cây gỗ này trải qua mưa nắng, đã bị nấm mọt dẫn đến hư hỏng.

Ông Lưu nhấn mạnh, vào 18h ngày 2/7, các nhà chức trách đã trực tiếp tới nơi trông coi gỗ để thực hiện các biện pháp bảo quản chống ẩm, sau đó liên lạc báo cáo với các quan chức cấp tỉnh và chờ chuyên gia đến để thực hiện bước tiếp theo.

Về “tội trạng” của ông Lâm - người tổ chức trục vớt 44 cây cổ mộc, vị quan chức này giải thích: Lúc đầu nhận được tin báo của quần chúng, khẳng định là có người “bán trộm cổ mộc”.

Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, cảnh sát xác nhận ông Lâm không hành động trái pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại