Vén màn bí mật về vị Hoàng đế Tống triều lên ngôi nhờ 10 trinh nữ

Nguyễn Nhung |

Được tặng không 10 trinh nữ sắc nước hương trời, Triệu Duệ tuyệt nhiên không màng đến. Điều này đã giúp ông đường đường chính chính trở thành Hoàng đế lỗi lạc của Tống triều.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc, thường chỉ phổ biến hai kiểu lựa chọn Thái tử, đó là:

Hoàng đế sẽ căn cứ theo cổ huấn “lập trưởng không lập ấu” (lập con trưởng chứ không lập con thứ) để sắc phong Thái tử hoặc Thái tử sẽ do quần thần liên danh tiến cử.

Tuy nhiên, dưới thời Tống, vua Tống Cao Tông đã nghĩ ra một phương thức chọn Thái tử đi ngược lại với quy trình mà cha ông, tổ tiên và các triều đại trước từng thực hiện.

Theo đó, trinh nữ đã được vị vua này sử dụng để chọn lựa Thái tử. Cụ thể việc này như thế nào và tại sao Tống Cao Tông lại phải viện đến những cô nương trẻ trung, xinh đẹp để chọn người kế vị?

Tống Cao Tông không có con trai, phải chọn hậu duệ của Triệu Thái Tổ lập Thái tử

Kế thừa ngôi vị thống trị thiên hạ của Tống Cao Tông là Tống Hiếu Tông Triệu Duệ. Đây là vị vua tinh anh, lỗi lạc bậc nhất trong số các Hoàng đế của Tống triều.

Sau khi lên ngôi vua, ông đã nhanh chóng trưng dụng một số lớn các đại thần có năng lực, giải quyết dứt điểm vụ oan khuất của Nhạc Phi, cách hành xử mang đậm phong cách, quy phạm của vua Tống Thái Tổ, vì thế được bách tính tin yêu, nể phục.

Các tài liệu lịch sử của hậu thế ghi chép lại những câu chuyện liên quan đến Tống Hiếu Tông ngày nay còn khá nhiều, trong đó đáng chú ý nhất là trải nghiệm của ông trong lần thử thách trước khi được truyền ngôi.


Chân dung vua Tống Hiếu Tông Triệu Duệ.

Chân dung vua Tống Hiếu Tông Triệu Duệ.

Sở dĩ Triệu Duệ được kế vị ngai vàng, một phần nguyên nhân là vì Cao Tông không có con trai, buộc phải chọn một trong số những hậu duệ của dòng họ Triệu làm thái tử.

Mặt khác, được cho là nguyên nhân chính, là vì những biểu hiện xuất sắc của ông trước màn thử thách cam go của Cao Tông khi bỗng dưng được tặng đến 10 mỹ nữ còn trinh nguyên.

Việc này nghe có vẻ khó tin. Suy cho cùng, việc Triệu Duệ kế thừa ngai và và cách xử lý vấn đề của 10 mỹ nữ có quan hệ như thế nào?

Ngược dòng thời gian, trở lại thời điểm năm 1129 để nói về câu chuyện ly kỳ, thú vị này.

Trong năm này, Kim Tả Phó Nguyên soái là Tông Duy đánh chiếm Từ Châu, sau đó lại xua quân xuống phía Nam. Quân của Hàn Thế Trung trấn thủ tại Hoài Dương chỉ mới đánh một trận đã vỡ tan tác, Diêm Thành bị mất.

Quân Kim thừa thế xông lên, đánh thẳng tới khu vực gần Dương Châu do quân Thiên Trường chốt giữ. Sự thất bại của Hàn Thế Trung khiến Cao Tông vô cùng hoang mang lo lắng, vội vã tháo chạy khỏi vòng hiểm nguy.

Do cơn sợ hãi lên đến mức thái quá nên sau sự kiện này, Tống Cao Tông Triệu Cấu hoàn toàn mất đi khả năng sinh sản. Trong khi đó, Hoàng tử duy nhất của ông là Nguyên Ý cũng đã qua đời trong cuộc binh biến Miêu Lưu.

Thêm vào đó, đám con cháu dòng dõi Thái Tông sau binh biến Tĩnh Khang về cơ bản cũng đã bị quân nước Kim bắt sạch đem về phương Bắc.

Để tránh một thảm họa khủng khiếp, rằng ngôi vị Hoàng đế sẽ rơi vào tay ngoại tộc sau khi mình qua đời, Cao Tông đã buộc phải tìm người kế vị trong số các hậu duệ của vua Tống Thái Tổ.


Anh hùng khó vượt qua ải mỹ nhân nhưng chính nhờ vượt qua cửa ải này, Triệu Duệ đã giành được cơ hội lớn trong đời.

Anh hùng khó vượt qua ải mỹ nhân nhưng chính nhờ vượt qua cửa ải này, Triệu Duệ đã giành được cơ hội lớn trong đời.

Khác với hậu duệ của Tống Thái Tông, con cháu của Tống Thái Tổ lên đến hàng nghìn người và việc chọn lấy một người xuất sắc trong số này không phải là việc dễ dàng.

Sau một quá trình tìm kiếm tỉ mỉ, cuối cùng Tống Cao Tông tìm được hai đứa trẻ, một béo, một gầy. Trong hai đứa trẻ này, đứa gầy là Triệu Duệ. Ban đầu, Triệu Cấu không có cảm tình tốt với Triệu Duệ và hướng sự chú ý cho đứa trẻ béo.

Theo lý mà nói, cơ hội kế vị Hoàng đế của Triệu Duệ đã đặt dấu chấm hết tại đây. Song có lẽ do ý trời, đúng lúc cậu bé gầy từ bỏ giấc mộng đế vương, một sự việc “cỏn con” đã xảy ra và thay đổi toàn bộ cục diện tình hình lúc đó.

Sự việc “cỏn con” đó như sau: Có một lần, Tống Cao Tông cùng lúc vời cả Triệu Duệ và đứa trẻ béo vào cung. Vừa khéo lúc đó, một con mèo tiến lại gần.

Triệu Duệ đang tập trung lắng nghe nhà vua nói chuyện, thậm chí con mèo đến sát cạnh cũng không chớp mắt. Trong khi đó, đứa trẻ béo lại có những biểu hiện hoàn toàn ngược lại.

Nhìn thấy con mèo đến gần, cậu bé này tỏ ra sợ hãi, không còn tâm trạng nào nghe Hoàng đế chỉ bảo, liên tục giơ chân ra đá con vật lạ.

Hành động bộc phát của đứa trẻ béo đã làm Tống Cao Tông phật ý, cuối cùng ra lệnh cho đứa trẻ béo ra về, giữ Triệu Duệ ở lại cung.

Trinh nữ được dùng để thử thách Thái tử tương lai

Về lý mà nói, khi đã được giữ lại cung, người kế thừa ngai báu không còn ai khác ngoài Triệu Duệ. Thế nhưng, ở trong cung gần 20 năm, ông vẫn không được xác lập Thái tử.

Có hai nguyên nhân giải thích cho việc này. Một là vì Triệu Duệ không phải là con đẻ của Cao Tông, thậm chí còn bị Cao Tông có thành kiến. Nhà vua muốn kéo dài thời gian lập Thái tử, một phần nữa là nuôi hy vọng có thể xuất hiện kỳ tích, ông sẽ có con trai kế vị.

Nguyên nhân thứ hai là vì Vĩ hậu – mẹ đẻ của Tống Cao Tông không thích Triệu Duệ mà thích một đứa trẻ khác được lớn lên trong cung là Triệu Trác.

Vĩ hậu luôn khuyên con trai lập Triệu Trác làm Thái tử, khiến cho việc xác lập người kế vị của Cao Tông trở nên bất định.

Cuối cùng, ông nghĩ ra một cách vừa khiến Vĩ hậu không tức giận, vừa có thể thử thách Triệu Duệ và Triệu Trác. Theo đó, Cao Tông ra lệnh ban tặng cho cả hai chàng trai mỗi người 10 trinh nữ, đợi sau nửa tháng sẽ gọi tất cả những cô gái trên về “điều tra”.

Trong việc này, nếu ai ít sa đà vào sắc đẹp sẽ được chọn làm người kế vị.


Nhờ không sa đà vào các mỹ nhân, Triệu Duệ đã đường hoàng kế vị ngai vàng và trở thành một vị vua lỗi lạc của Tống triều.

Nhờ không sa đà vào các mỹ nhân, Triệu Duệ đã đường hoàng kế vị ngai vàng và trở thành một vị vua lỗi lạc của Tống triều.

Cách làm này tỏ ra vô cùng hiệu quả. 10 trinh nữ được gửi tặng cho Cao Tông sau nửa tháng trở về vẫn vẹn nguyên như lúc đầu trong khi những người được phái đến chỗ Triệu Trác đã không còn trinh nguyên.

Sau màn thử thách này, Triệu Duệ nhanh chóng được sắc phong Thái tử và sau đó là kế vị ngai vàng của Hoàng đế Tống triều.

Người đời sau cũng đánh giá rằng, cả đời hành sự, đây là việc làm giá trị nhất của Tống Cao Tông Triệu Câu.

Năm 1162, Tống Cao Tông thoái vị. Triệu Duệ chính thức nắm giữ ngai vàng, cai quản giang sơn xã tắc trong vòng 27 năm. Ông lấy miếu hiệu là Hiếu Tông, nghĩa là “vì tổ tiên biết giữ trách nhiệm và bổn phận”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại