Khi Hasani Kleart và 173 người đầu tiên trong tổng số khoảng 1.500 người nhập cư được đưa tới khu tị nạn này, họ đã rất sung sướng khi thấy những căn hộ còn thơm mùi sơn mới, những bãi có trải dài, sân chơi và cả sân bóng rổ.
Quá vui mừng nên chả mấy ai để ý đến dòng chữ bằng tiếng Đức: Cơ sở tiếp nhận người nhập cư và hồi hương.
Tuy nhiên, những người nhập cư này sớm ý thức được tình hình ngay sau khi đơn xin tị nạn của cậu sinh viên 20 tuổi đến từ Anbani, Kleart, bị từ chối chỉ sau vài giờ và cậu ta sẽ sớm bị hồi hương.
Quyết định nhanh chóng này là thông điệp rõ ràng nhất, chấm dứt hi vọng của những người tới Đức không phải để bảo toàn mạng sống của mình mà chỉ nhằm mưu cầu một cuộc sống tốt hơn.
Đức đang hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cần thiết để chào đón hàng trăm người tị nạn chính trị.
Song song với đó, quốc gia này cũng đã bắt đầu thiết lập một hệ thống hiệu quả và công bằng, sẵn sàng cho những người đến từ các nước nghèo nhưng không có bất ổn gì về chính trị cố sống cố chết tới Đức để tìm việc làm hồi hương ngay lập tức.
Khoảng 10.000 người đã bị hồi hương trong khoảng từ tháng 1 tới tháng 7 năm nay.
Kleart, 20 tuổi đến từ Anbani đã bị từ chối cho tị nạn chỉ sau vài giờ nộp đơn lên cơ quan tị nạn của Đức.
Thẳng thừng từ chối những trường hợp xin tị nạn vì lý do phi chính trị
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cho hay: “Những người tới Đức không phải vì bị áp bức chính trị hay chiến tranh mà chỉ vì lí do kinh tế sẽ không được ở lại.”
Có hơn 500.000 người di cư tới Đức trong năm nay và 42% trong tổng số 256.938 người nộp đơn xin tị nạn tại Đức không phải là dân Iraq hay Syria mà đều là dân đến từ các nước Châu Âu.
Anbani, Kosovo, Macedonia và Secbia là các quốc gia đói nghèo, nạn thất nghiệp và tham nhũng gia tăng nhưng được coi là các quốc gia an toàn. Không thể xin visa làm việc tại Đức nên những người di cư này thường lấy lí do tị nạn.
Những người di cư vì lí do kinh tế này đã làm cho hệ thống đang trong thời điểm cần kíp phục vụ cho những người tị nạn chiến tranh từ Afghanistan, Iraq và Syria bị quá tải. Số lượng người nhập cư tăng cao cũng khiến cho dân bản địa vô cùng bức xúc.
Một dự thảo luật liên bang dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng Mười sẽ thêm Anbani, Kosovo và Montenegro vào danh sách chính thức các quốc gia được cho là an toàn.
Những người di cư đến từ các nước này có thể bị cho hồi hương mà không sợ bị đe dọa đến tính mạng. (Bosnia-Herzegovina, Macedonia và Serbia đã có trong danh sách này từ năm ngoái.)
Đổi lại, Berlin cũng đang đàm phán với chính phủ các quốc gia phía Tây Ban căng này về việc mở rộng kênh xuất khẩu lao động.
Theo ông Frank Laczko từ Tổ chức Di Cư Quốc tế, Đức ước tính tới năm 2020 sẽ thiếu hụt 2,4 triệu công nhân.
Để giảm thiểu số người nhập cư bất hợp pháp, những người không tự nguyện hồi hương sẽ bị cảnh sát áp tải ra sân bay về nước.
Thêm vào đó, khoản trợ cấp hàng tháng trị giá 140 euro, tương đương $155/người trong khi chờ đơn tị nạn được xét duyệt sẽ sớm được quy ra sinh hoạt phẩm như giấy vệ sinh thay vì tiền mặt và chỉ được cấp một tháng.
Kể từ tháng 8/2015, bất cứ ai nộp đơn tị nạn không có căn cứ sẽ bị cấm tái nhập cảnh không chỉ ở Đức mà ở tất cả các nước trong khu vực không yêu cầu hộ chiếu của Liên minh Châu Âu trong vòng 5 năm.
Những cán bộ phiên dịch kiêm Người quyết định (Decider) chính là những người nắm trong tay vận mệnh của người tị nạn.
Những cửa ải khó khăn
Khi những người di cư tới Đức, họ bị đưa đi hết phòng nọ tới phòng kia để lấy dấu vân tay, chụp ảnh và kiểm tra sức khỏe.
Cuối cùng, họ sẽ tham gia buổi phỏng vấn quan trọng với một cán bộ có chức danh Người quyết định (Decider) để xem họ có được ở lại thiên đường này hay không.
Ông Peter Immeler là người chịu trách nhiệm chính về hoạt động tại hiện trường của văn phòng di cư liên bang.
Theo ông này, số cán bộ (Decider) từ 2 người ban đầu, nay đã tăng lên tận 60 người. Ông cũng cho hay, vấn đề nảy sinh là do thiếu các lựa chọn để nộp đơn xin nhập cư vì lí do kinh tế nên những người di cư mới đem tị nạn ra làm lí do.
Một số người quanh co khai rằng tính mạng họ bị đe dọa ở quê nhà. Một gia đình từ Macedonia nói vì họ là người Hồi giáo nên bị phân biệt đối xử trong khi một người phụ nữ Anbani lại cho hay cô ta bị lạm dụng tình dục dã man.
Những lí do chung chung như sợ trả thù đẫm máu hay gặp phải bệnh nan y không thể chữa được ở nước nhà cũng thường được đưa ra. Một số người còn giả vờ là người Syria nhưng đều bị lật tẩy.
Anh Anton Coli, có bố là người Anbani sang Đức lao động. Bản thân anh là phiên dịch viên tại một trong các cơ sở tiếp nhận người nhập cư và hồi hương nói trên.
Coli chia sẻ rằng anh đã phiên dịch cho 1.000 trường hợp yêu cầu tị nạn từ năm 2014 nhưng không một ai được ở lại.
Dù rất tiếc cho những người đồng hương nhưng theo người đàn ông này, “giờ đây còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ hơn họ”.