Tờ Anhui Business News ngày 15/3 đưa tin một thanh niên 31 tuổi họ Li đã bị cảnh sát bắt hôm thứ 4 (23/3) vừa qua sau vài lần ăn cắp đồ tạp hóa tại hai siêu thị ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc trong vòng hai tháng qua.
Li lần đầu tiên ăn cắp trót lọt tại một siêu thị địa phương từ hôm 1/2/2016. Tuy nhiên, "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", anh này đã bị cảnh sát bắt quả tang khi định thó đồ tại một siêu thị khác ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc hôm 2/3.
Ngay sau khi được thả vào hôm 7/3, Li lại "ngựa quen đường cũ" trở lại ăn cắp vài lần nữa tại siêu thị đầu tiên nơi anh ta "hành nghề" trót lọt cho tới tận khi bị bắt trở lại.
Khám xét tại nhà riêng, cảnh sát đã thu giữ số đồ nhu yếu phẩm Li đã ăn cắp với trị giá lên tới 3.000 NDT bao gồm dầu gội đầu, kem đánh răng, rượu vang đỏ và cả đồ lót nữa.
Tuy nhiên, nếu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì chẳng có gì đáng quan tâm bởi xã hội có đầy rẫy những kẻ lang thang ăn cắp vặt như thế. Điều đáng nói ở đây là một nhân viên mẫn cán lương cao như Li sao lại phải đi ăn cắp vặt hết lần này đến lần khác như vậy?
Câu trả lời của Li đã khiến cảnh sát "dở khóc dở cười". Hóa ra, tất cả số lương của Li đều do một tay bạn gái "thâu tóm" hết.
Li bị bắt quả tang ăn cắp đồ tại một vài siêu thị trong khu vực.
Mặc dù Li đang làm việc cho một công ty công nghệ lớn ở tỉnh Hà Bắc với số tiền lương khá cao, hơn 10.000 NDT/tháng nhưng anh này đã "ngoan ngoãn" nộp lại phần lớn số tiền lương cho bạn gái.
Kể từ khi bắt đầu mối quan hệ yêu đương hồi tháng 1/2016, bạn gái Li đã quản lý hết kinh tế và chỉ cho anh cầm vài trăm NDT dằn túi. Số tiền đó chỉ đủ cho Li lê la các quán internet nên anh ta không còn đồng xu dính túi để mua những nhu yếu phẩm hàng ngày.
Câu chuyện của Li làm dấy lên một cuộc tranh luận trong cộng đồng mạng về việc liệu kiểm soát về kinh tế có được coi là bạo hành gia đình hay không và nên chăng nên bổ sung vấn đề này vào bộ luật mới hay không.
Câu chuyện của Li khuấy động dư luận về việc liệu kiểm soát kinh tế có được coi là bạo hành gia đình không.
Nhiều người cho rằng kiểm soát kinh tế cũng là một hình thức bạo hành gia đình và một vài thành phố như Thâm Quyến đã bổ sung điều này vào quy định riêng của địa phương.
Luật Bạo hành gia đình lần đầu tiên có hiệu lực tại Trung Quốc vào ngày 1/3/2016 nhưng Hợp Phì chưa chính thức thực hiện bộ luật mới này.