Ngày 8.6, hơn 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc đã hoàn thành kỳ thi đại học 2015, một trong những kỳ thi được coi là khắc nghiệt nhất thế giới, có tầm quan trọng quyết định đến tương lai của mỗi học sinh.
Kỳ thi đại học ở Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với tỉ lệ chọi kinh hoàng lẫn những đề thi rất đáng suy ngẫm.
Từ những câu hỏi triết học cho tới những bài luận xã hội, những đề thi đại học này được tạo ra không chỉ để kiểm tra khả năng ngôn ngữ và hiểu biết của thí sinh, mà còn để thử thách tính sáng tạo, kinh nghiệm sống và sự khôn ngoan của họ.
Các thí sinh tham gia kỳ thi đại học ở Trung Quốc
Kỳ thi đại học ở Trung Quốc được tổ chức theo từng tỉnh, mỗi tỉnh có thể lựa chọn đề thi cho các thí sinh của mình trong bộ đề thi đại học quốc gia.
Sau đây là những đề thi đáng suy ngẫm nhất trong kỳ thi đại học năm nay ở Trung Quốc.
Đề thi số 1 áp dụng cho các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, Sơn Tây, Giang Tô, Thiểm Tây:
“Một người cha vừa lái xe trên đường cao tốc vừa nói chuyện điện thoại. Cô con gái đã nhiều lần nhắc ông đừng gọi điện trong lúc lái xe, nhưng người cha không nghe.
Cô con gái cuối cùng đã gọi cho cảnh sát và thông báo về hành vi của cha. Khi cảnh sát đến nơi, người cha đã bị xử phạt. Câu chuyện này đã làm dấy lên tranh cãi kịch liệt trong dư luận”.
Hãy viết lá thư 800 chữ gửi tới người cha, cô con gái hoặc viên cảnh sát.
Đề thi số 2 áp dụng cho các địa phương Thanh Hải, Tây Tạng, Cam Túc, Quý Châu, Nội Mông, Tân Cương, Ninh Hạ, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Vân Nam, Quảng Tây, Liêu Ninh, Hải Nam:
Ai là người bạn ngưỡng mộ nhất? Một nhà nghiên cứu công nghệ sinh học, một thợ hàn hay một nhiếp ảnh gia?
Một thí sinh cầm giấy báo dự thi trước khi vào trường thi
Nhà nghiên cứu công nghệ sinh học: Ông Lý đã đưa công ty gia nhập thị trường toàn cầu hóa.
Thợ hàn: Ông Vương là một thợ hàn bình thường, nhưng nhờ bền chí, ông đã trở thành một người thợ nổi tiếng khắp thế giới.
Nhiếp ảnh gia: Nhiếp ảnh gia đã đăng một bộ sưu tập ảnh lên blog trên mạng và thu về được rất nhiều tiền.
Đề thi áp dụng cho các thí sinh ở Phúc Kiến:
Dựa trên 3 ngữ cảnh về “đường” sau, hãy viết một bài luận:
1. “Mặt đất vốn chẳng có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.” (Lỗ Tấn)
2. Không hề có con đường nào không thể đi, chỉ có người không dám đi trên con đường đó.
3. Đôi khi bạn có thể đi sai đường, nhưng nếu bạn tiếp tục đi, nó sẽ thành một con đường mới.
Đề thi áp dụng cho các thí sinh ở An Huy:
“Một giáo viên yêu cầu học sinh nhìn vào những con bướm qua kính hiển vi. Ban đầu họ nghĩ rằng những con bướm này rất sặc sỡ, nhưng khi nhìn qua kính hiển vi, họ nhận ra rằng chúng không hề có màu gì cả”.
Dựa trên câu chuyện này, hãy viết một bài luận.