Vụ “bắt gian phu dâm phụ” và việc bãi bỏ chế độ đưa thư, mật báo
Sự diệt vong của Minh triều dưới thời vua Minh Tư Tông Sùng Trinh dường như không có nhiều điều để nói.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà cho đến ngày nay, vẫn để lại cho người đời cảm giác “thú vị đến khó hiểu”, là tại sao vận mệnh của cả một triều đại lại có liên quan đến yếu tố giường chiếu của viên quan quèn Mao Vũ Kiến.
Chính “biến cố” này đã giúp Lý Tự Thành nổi lên như một anh hùng trong đám phản quân, tập hợp sức mạnh để tiêu diệt Minh triều. Và càng “thú vị” hơn nữa khi người “giúp” Mao làm nên “lịch sử”, lại là người vợ sư tử hà đông Ôn thị của ông ta.
Trong cuốn “Bước ngoặt lịch sử” của Trung Quốc có ghi chép rằng, năm 1628, Mao Kiến Vũ đỗ tiến sĩ. Từ chức quan Tri huyện, Mao được cất lên làm Ngự sử, điều động về kinh thành. Tại đây, ông ta giấu vợ cả, lấy vợ hai.
Không ngờ một hôm, người vợ cả của Mao là Ôn thị từ quê nhà vượt đường xa, cấp tốc đến kinh thành đánh ghen, vạch mặt đôi “gian phu dâm phụ”. Trong vụ việc này, bà hai bị đánh thừa sống thiếu chết. Bản thân Mao Vũ Kiến cũng bị phạt quỳ 1 ngày 1 đêm.
Khi đó, Mao mới vỡ lẽ rằng vì sao người vợ từ tận quê nhà có thể đến biết và xuất hiện tại kinh thành nhanh đến vậy. Ngay lập tức, trong lòng quan Ngự sử hình thành nên mối hận đối với những người làm nghề đưa thư, mật báo.
Ông ta lập tức dâng tấu sớ lên Sùng Trinh đế, bãi miễn chế độ đưa thư, mật báo nói trên. Tuy nhiên, vì sợ vi phạm chế độ được đưa ra từ thời tiên tổ, vị Hoàng đế cuối cùng của Minh triều không phê duyệt.
Người đưa thư, mật báo vốn là những sử giả đưa thư, cung cấp thông tin tình báo trong quân đội và vận chuyển một cách chóng vánh những vật tư mà quân đội cần.
Tuy nhiên trải qua hàng trăm năm, danh nghĩa và công việc thực sự của những người làm nghề này ít nhiều thay đổi.
Theo đó, nghề này trở thành một dịch vụ, phục vụ miễn phí cho nhu cầu của tất cả những quan viên to nhỏ trong triều. Bí mật công khai này, chỉ có duy nhất Sùng Trinh không hay biết.
Việc Minh triều bãi bỏ nghề đưa thư, mật báo đã đẩy hàng ngàn vạn người vào cảnh thất nghiệp, từ đó đưa họ đến với đại quân tạo phản, chống lại triều đình.
Mao Vũ Kiến thực sự đã nhìn thấy mặt trái của nghề đưa thư, mật báo khi đó. Ông ta có một người quen là Lưu Mậu làm quan trong Hình bộ. Người này vì cho rằng những điều quan Ngự sử nói có lý, nên đã một lần nữa dâng tấu sớ, kiến nghị lên Hoàng đế.
Lý do Lưu Mậu đưa ra là, nếu dùng toàn bộ số tiền trả lương cho những người đưa thư, mật báo để chu cấp cho việc đối phó với người Mãn Châu, đây sẽ là một kế hoạch vẹn cả đôi đường.
Vào đúng thời điểm Sùng Trinh đang đau đầu vì vấn đề tài chính, nghe Lưu Mậu hiến kế như vậy, liền lập tức cho thi hành. Nhưng, điều ông ta không bao giờ ngờ tới, là hàng ngàn người sống bằng nghề đưa thư, mật báo bỗng chốc rơi vào cảnh thất nghiệp.
Hậu họa khôn lường
Những đối tượng này nhanh chóng gia nhập đại đội quân tạo phản và từ đây, xuất hiện một anh hùng có tên Lý Tự Thành.
Tấu sớ của Lưu Mậu từ chỗ được cho là hay, nhanh chóng trở thành “thất sách”, đẩy Sùng Trinh đế vào trạng thái bế tắc kép, cùng lúc phải đối diện với “nội ưu ngoại hoạn”.
“Nội ưu” ở đây chính là cuộc bạo động kéo dài triền miên nhiều ngày do Lý Tự Thành phát động trong khi “ngoại hoạn” là mối họa đang bùng phát tại khu vực Đông Bắc nơi quân Thanh tại Mãn Châu đang quật khởi, quyết tâm lật đổ triều đình.
Tình thế của Sùng Trinh lúc này không khác gì một con hươu mắc kẹt giữa hai con sói đang nhe nanh từ hai phía, đối phó với con này, con kia sẽ lập tức xông vào tấn công. Trong bối cảnh đó, vị Hoàng đế cuối cùng của Minh triều loay hoay trong bế tắc.
Cùng một lúc, Hoàng đế Sùng Trình phải đối mặt với hai thế lực thù trong giặc ngoài là quân Mãn Thanh và đội quân tạo phản do Lý Tự Thành cầm đầu.
Dương Hạc khi đó được phái làm tổng đốc ba khu vực Thiểm Tứ.
Tuy nhiên, vì muốn có quân phí đối phó với Đa Nhĩ Cổn, nên Sùng Trinh đã nghe theo lời khuyên của Mao Vũ Kiến và Lưu Mậu, bãi bỏ những người làm công tác đưa thư, mật báo.
Điều này đồng nghĩa với việc tạo thêm sức sống cho đại quân tạo phản mà Dương Hạc chỉ thiếu chút nữa là đã có thể tiêu diệt hoàn toàn.
Nhìn lại toàn bộ sự việc này có thể thấy, nếu như Sùng Trinh không bãi bỏ nghề đưa thư, Minh triều hoàn toàn có thời gian và năng lực để bình định cuộc phản loạn của nông dân Tây Bắc.
Và nếu như vậy, kế hoạch “an nội, trấn ngoại” cũng có thể triển khai một cách thong dong và chí ít, Sùng Trinh cũng không bị Lý Tự Thành ép đến mức treo cổ tự sát.
Hoàng đế cuối cùng của Minh Triều Sùng Trinh phải treo cổ tự sát vì bế tắc, không biết xoay xở ra sao trước những biến cố chính trị lớn.
Bao quát và xâu chuỗi ngược các sự kiện với nhau, không khó để phát hiện một sợi xích nhân – quả trong đại thảm kịch của nhà Minh:
Minh triều diệt vong – Lý Tự Thành tiến vào Bắc Kinh – Lý Tự Thành thất nghiệp – triều đình bãi bỏ nghề đưa thư – Lưu Mậu dâng sớ - Mao Vũ Kiến dâng sớ – vụ bắt giữ “gian phu dâm phụ” của sư tử hà đông Ôn thị.
Đây là một ví dụ điển hình cho “hiệu ứng hồ điệp” – những con bướm sống trong rừng nhiệt đới Amazon ở Nam Mỹ thi thoảng đập cánh, có thể hai tuần sau đó, bang Texas của Mỹ xảy ra một trận bão lớn.
Việc phu nhân của Mao Kiến Vũ bắt “gian phu dâm phụ” có thể chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên, nhưng vì nó xảy ra đúng thời kỳ Minh triều đang chìm sâu vào cảnh hỗn loạn, nên đã hình thành nên chuỗi phản ứng liên hoàn.
Và lịch sử Trung Quốc trên thực tế đã bị thay đổi chính bởi một chuyện vặt vãnh đến tầm thường như vậy.