Vụ án quấy rối tình dục và cuộc thanh trừng chấn động Đường triều

Nguyễn Nhung |

Chỉ nhờ một lời tố cáo bị quấy rối của công chúa Cao Dương, Trưởng Tôn Vô Kỵ đã dễ dàng trừ khử hàng loạt đối thủ, tạo nên một cuộc thanh trừng đẫm máu trong lịch sử triều Đường.

Trang Phượng Hoàng (Trung Quốc) mới đây đăng tải một bài phân tích lịch sử có tựa đề “quấy rối tình dục công chúa – bàn đạp cho cuộc đại thanh trừng dưới triều Đường” của tác giả Dật Danh.

Nội dung bài viết nhắm thẳng vào những mục đích chính trị đen tối, đằng sau vụ án gây chấn động hoàng cung nhà Đường dưới đời vua Đường Cao Tông.

Án “quấy rối tình dục” thời Đường Cao Tông

Tháng 11 năm Vĩnh Huy thứ 3 (năm 652), dười đời vua Đường Cao Tông Lý Trị, cố đô Trường An xảy ra một vụ án kinh thiên động địa.

Lợi dụng vụ án này, Thái úy Trưởng Tôn Vô Kỵ (em vợ Đường Thái Tông Lý Thế Dân) đã gây ra một cuộc tàn sát đẫm máu trong lịch sử nhà Đường. Theo ghi chép lịch sử, đây chính là vụ “Phòng Di Ái mưu phản”.

Phòng Di Ái là con thứ của nguyên lão công thần triều Đường Phòng Huyền Linh. Vợ ông là con gái yêu của vua Lý Thế Dân – Công chúa Cao Dương. Được vua cha yêu chiều, nên Công chúa rất kiêu ngạo, hoang dâm vô độ.

Sau khi Phòng Huyền Linh qua đời, Cao Dương mặc sức gây chuyện.

Không chỉ tranh cướp tài sản với con trưởng của dòng họ Phòng là Phòng Di Trực, con gái yêu của Đường Thái Tông còn muốn tranh cướp tước vị Lương Quốc Công mà về lý, sau khi cha qua đời, Phòng Di Trực sẽ kế thừa.

Phòng Di Trực không thể nhẫn nhịn thêm, liền đem chuyện tâu lên Hoàng đế. Khi đó, Đường Thái Tông còn tại thế, đã mắng con gái một trận thậm tệ. Quan hệ giữa Công chúa Cao Dương và Phòng Di Trực từ đây tồn tại một nỗi hận thấu xương.

Cao Dương là công chúa nổi tiếng ngang tàng, hoang dâm trong lịch sử triều Đường.

Cao Dương là công chúa nổi tiếng ngang tàng, hoang dâm trong lịch sử triều Đường.

Sau khi Thái Tông qua đời, Lý Trị kế vị. Một hôm, công chúa Cao Dương đột nhiên chạy vào cung, tố cáo Lý Trị bất nhã với mình. Trưởng Tôn Vô Kỵ tiếp nhận vụ án, điều tra xử lý.

Đường đường là một nhất phẩm Thái úy, hẳn Trưởng Tôn Vô Kỵ không muốn mình phải đích thân ra mặt xử lý một vụ “quấy rối tình dục”.

Tuy nhiên, điều khó ngờ tới, là vị đại công thần của triều Đường đã nhanh chóng biến vụ án này thành cơ hội để diệt sạch các đối thủ trong triều.

Và cuộc đại thanh trừng đẫm máu của Trưởng Tôn Vô Kỵ

Phòng Di Ái từng là tâm phúc của Ngụy Vương Lý Thái.

Mặc dù không có bằng chứng cho thấy Phòng Huyền Linh nhập hội với Ngụy Vương, song sau khi Trưởng Tôn Vô Kỵ có công đưa Lý Trị lên ngôi, do Phòng Huyền Linh không đứng về phía ông ta, nên hai bên nảy sinh quan hệ thù địch.

3 năm đầu sau khi Lý Trị kế vị, Trưởng Tôn không lúc nào ngừng để mắt tới Phòng gia.

Bất cứ ai chỉ cần đến gần Phòng Di Ái cũng trở thành kẻ thù của nhất phẩm Thái úy và đều bị liệt vào “danh sách đen”, trong đó có cả các danh tướng khai quốc,  Phò mã Đô úy Tiết Vạn Triệt, Hình vương Lý Nguyên Cảnh, Phò mã Đô úy Sài Lệnh Vũ...

Từ khi tiếp cận vụ “quấy rối tình dục”, Trưởng Tôn Vô Kỵ không từ các thủ đoạn để thực hiện âm mưu chính trị của mình. Một trong số đó là “khai quật” các vấn đề chính trị có liên quan đến công chúa Cao Dương và các đại thần, lập ra “án mưu phản”.

Sau khi ra lệnh bắt Phòng Di Ái với tội danh mưu phản, Trưởng Tôn dùng nhục hình, ép khai ra tất cả những người trong “danh sách đen” theo ý của mình.

Những cơn sóng ngầm, các cuộc thanh trừng lẫn nhau chốn cung cấm là một phần nguyên nhân đẩy triều Đường - triều đại phát triển nhất lịch sử Trung Quốc cổ đại đến gần hơn với sự suy tàn.

Những cơn "sóng ngầm", các cuộc thanh trừng lẫn nhau chốn cung cấm là một phần nguyên nhân đẩy triều Đường - triều đại phát triển nhất lịch sử Trung Quốc cổ đại đến gần hơn với sự suy tàn.

Ba tháng sau, vụ án “Phòng Di Ái mưu phản” được định đoạt. Đối diện với kết quả thẩm lý, vua Lý Trị hết sức bàng hoàng.

Ông không thể ngờ, từ một lời tố cáo bị quấy rối của Công chúa Cao Dương, lại liên đới đến nhiều hoàng thân, quốc thích và các công thần đến vậy.

Dưới sự cưỡng ép của Trưởng Tôn Vô Kỵ, Phòng Di Ái bị xử tử. Công chúa Cao Dương cũng được ban tội chết trong khi không ít người trong “danh sách đen” bị lưu đày.

Phòng Di Trực vì có cha là khai quốc công thần, nên đã được miễn tội, giáng xuống làm thường dân.

Chỉ từ một vụ án nhỏ, Trưởng Tôn Vô Kỵ đã không cần tốn nhiều công sức để trừ khử tất cả những ai bị coi là đối thủ. Cũng từ đây, quyền lực của Trưởng Tôn không ngừng được củng cố trong suốt vài năm sau đó.

Tuy nhiên, đến năm 659, do nhiều lần can gián Lý Trị làm theo ý Võ Mị Nương - một thế lực nổi lên từ trong hậu cung Lý Đường, nên Trưởng Tôn Vô Kị đã bị trục xuất đến Kiềm Châu (nay là Quý Châu) và bị ép treo cổ tự tử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại