Sau khi nhận lệnh điều chuyển sang chiến trường Việt Nam, binh nhất Lance V. Nix đã tận hưởng các ngày nghỉ phép của mình bằng cách xách máy ảnh đi khắp nơi khám phá dải đất hình chữ S, trong đó Mỹ Tho là một trong những mảnh đất mà ông từng đặt chân tới.
Cuộc sống thường ngày của người dân Mỹ Tho những năm 1968 – 1969 hiện lên đầy màu sắc trong bộ ảnh của người lính Mỹ.
Một Mỹ Tho vô cùng sinh động với những khu chợ tấp nập, những con phố nhộn nhịp và nụ cười ngây thơ của những đứa trẻ hoàn toàn đối lập với cảnh tượng chết chóc trên các chiến trường của cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ ở Việt Nam.
“Tôi không hề muốn tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng không thể làm gì hơn vì được lệnh điều chuyển tới đó.
Chính vì vậy, để nhẹ lòng, bất cứ khi nào có thời gian tôi đều xách máy lên đi khắp nơi chụp ảnh”, binh nhất Nix lúc đó giờ đã 71 tuổi tâm sự trong cuộc nói chuyện với Daily Mail Online.
Trong thời gian ở Việt Nam, Nix được giao nhiệm vụ làm trợ lý cho các cán bộ tham gia vào Chiến dịch Phượng Hoàng khét tiếng – đứa con tinh thần của CIA.
Chiến dịch này được hoạch định với mục đích vô hiệu hóa các chiến sĩ cộng sản và những người dân thường bị tình nghi bằng cách bắt, giết hoặc tra tấn dã man.
Nix chỉ mới 24 tuổi khi lần đầu đặt chân tới Việt Nam. Ông cho biết trợ lý là phải làm mọi thứ từ lái xe, bảo vệ cán bộ cho tới chuẩn bị máy chiếu trong cuộc họp tại trụ sở chỉ huy.
“Tôi có nhiều thời gian rảnh và vì là người có chức vụ thấp nhất nên sĩ quan chỉ huy cho phép tôi mặc thường phục để tránh bị quấy rối”, Nix cho biết.
Trong chuyến du ngoạn cùng chiếc máy ảnh Minolta SRT 101, không ai biết Nix có thực sự là một phóng viên ảnh hay không.
“Phản ứng của người dân khi được chụp ảnh rất đa dạng. Một số người luôn sẵn sàng nở nụ cười khi tôi hướng ống kính về họ trong khi những người khác lại thấy xấu hổ khi được chụp”, Nix hồi tưởng lại.
Những cô gái vừa bán hoa vừa tranh thủ đan lát trong khu chợ Mỹ Tho, đồng bằng sông Cửu Long năm 1969.