Nguồn gốc của Sento
Sento là một kiểu nhà tắm công cộng ở Nhật Bản, nơi khách hàng phải trả tiền để được vào tắm. Nhà tắm công cộng đầu tiên tại Nhật Bản xuất hiện vào năm 1266 ở Nichiren Goshoroku.
Theo kiểu truyền thống thì nhà tắm là một căn phòng lớn được ngăn đôi, nam một bên, nữ một bên. Nhà tắm hỗn hợp nam – nữ này cũng gần giống với các sento hiện đại và có cả phòng thay đồ gọi là datsuijo.
Một biến thể khác của nhà tắm công cộng là Onsen (tắm suối nước nóng), loại hình dịch vụ thường thấy ở những nơi gần suối nước nóng tự nhiên.
Trước đây, những nhà tắm công cộng này rất phổ biến ở Nhật nhưng từ thế kỷ 20 trở lại đây, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ này đã giảm đáng kể do mỗi gia đình đều có phòng tắm riêng.
Thêm vào đó, nhiều công dân Nhật Bản trẻ tuổi không muốn đến sento vì cảm thấy ngượng ngùng khi phải khoả thân tắm táp trước mặt nhiều người.
Một biến thể khác của sento chính là onsen (tắm suối nước nóng).
Kiến trúc đặc trưng của nhà tắm công cộng ở Nhật
Sento có thể được bài trí theo nhiều kiểu khác nhau. Tuy nhiên, một sento điển hình theo kiểu truyền thống sẽ có cửa vào tương tự như cửa đền với một tấm màn Nhật màu xanh treo ngang cửa có dòng chữ Kanji 湯 (yu, nước nóng).
Một sento điển hình theo kiểu truyền thống của Nhật với cửa vào tương tự như cửa đền.
Bước qua cửa vào là khu vực để giày dép, rồi đến phòng thay đồ, hay còn được gọi là Datsuijo. Cửa ra vào phòng tắm chỉ cao khoảng 80cm để tránh thoát hơi nước.
Các nhà tắm kiểu này thường có ít cửa sổ. Thêm vào đó, lớp hơi nước dày bốc lên từ các bể nước nóng ở nhiệt độ cao làm căn phòng trở nên mờ ảo hơn, chính vì vậy khách hàng cũng khó mà nhìn thấy nhau.
Cả hai phòng tắm nam nữ đều được trang bị nhiều hàng dài vòi nước để khách hàng tắm rửa thật sạch trước khi bước vào bồn tắm chung để ngâm mình tận hưởng sự sảng khoái mà nước nóng mang lại.
Hầu hết các sento thường được trang trí bằng bức tranh núi Phú Sĩ ở góc phòng nhưng cũng có khi là tranh vẽ những danh lam thắng cảnh khác của Nhật Bản hoặc Châu Âu.
Các sento thường trang trí tường bằng tranh in hình núi Phú Sĩ hoặc tranh phong cảnh các vùng của Nhật Bản.
Thiết kế đặc trưng của một nhà tắm công cộng với hàng vòi nước dài bên cạnh bể nước nóng.
Các nhà tắm công cộng ở Tokyo thường thu phí dịch vụ với mức chung là 450 Yên/lần (khoảng 100 nghìn đồng).
Những nhà tắm hiện đại hiện còn lắp đặt cả hệ thống xông hơi và bể sục để phục vụ nhu cầu của khách hàng, tất nhiên, phí dịch vụ sẽ cao hơn mức thông thường.
Bảng giá dịch vụ tại các phòng tắm công cộng ở Nhật.
Tại sao sento lại trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Nhật?
Nhật Bản là một đất nước phát triển mạnh mẽ và du nhập rất nhiều cái mới nhưng tại sao thói quen tới nhà tắm công cộng vẫn được duy trì, thậm chí được coi như một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật?
Ngoài mục đích tắm rửa, làm sạch cơ thể đơn thuần, người Nhật tới sento để xua tan những mệt mỏi của cả một ngày làm việc vất vả. Họ kiếm tìm sự thanh thản cho tâm hồn bằng cách vừa tắm vừa trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp.
Người Nhật tới sento chủ yếu để gặp gỡ bạn bè, xây dựng mối thân tình và nghỉ ngơi thư giãn chứ không đơn thuần chỉ để tắm.
Một số người Nhật đến sento vì nhận thấy lợi ích về mặt xã hội khi đi tắm tại các nhà tắm công cộng vì nó mang đến sự gần gũi trong các mối quan hệ giữa người và người.
Trong khi đó, một số người khác giữ thói quen tới sento đơn giản chỉ vì nhà quá nhỏ nên không đủ điều kiện để xây phòng tắm riêng.
Không giống như các du khách tới sento lần đầu, phần vì chưa quen với nhiệt độ cao của bồn tắm và phần vì ngại ngùng khi tắm khỏa thân trước mặt nhiều người nên thường tắm nhanh, người Nhật chủ yếu tới đây để thư giãn nên thời gian tắm thường kéo dài khá lâu.
Các vật dụng cần thiết và những điều cấm kị khi tới sento
Khách tới tắm tại một sento cần mang theo một số vật dụng cá nhân như khăn tắm, đá kì, xà bông và dầu gội đầu. Còn nếu bạn không muốn vướng bận gì thì có thể đi người không và mua những đồ dùng đó tại nhà tắm công cộng với mức giá từ 100 – 200 yen.
Một số khách hàng quen có thể có một ngăn tủ cố định trong phòng thay đồ để chứa những vật dụng cá nhân cần sử dụng cho mỗi lần đến tắm.
Khách tơi sento phải tự chuẩn bị các vật dụng vệ sinh cá nhân như khăn tắm, đá kì, xà bông...
Sento có những quy tắc truyền thống cho riêng nó vì vậy du khách tới đây nên tìm hiểu thật kĩ nếu không muốn những khách quen ở đây cảm thấy khó chịu.
Hiện tại, các sento ở Nhật thu hút khá nhiều khách du lịch các nước tới trải nghiệm loại hình dịch vụ mang tính văn hóa đặc trưng này nên trước các nhà tắm công cộng đều có biển ghi rõ quy định khi tắm bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Những quy tắc phổ thông khi bước vào sento mà du khách nên tìm hiểu.
Dưới đây là một số quy tắc phổ thông mà du khách cần chú ý khi tới sento để tránh làm phiền người khác khi tắm chung:
- Tắm rửa, kì cọ sạch sẽ bằng vòi nước bên ngoài trước khi bước vào ngâm trong bể nước nóng. Khi tắm, du khách cũng nên ngồi xuống ghế và tắm một cách nhẹ nhàng để tránh làm bắn nước sang người bên cạnh.
- Không mặc bất cứ thứ gì trên người khi bước vào bồn tắm.
- Đa phần các phòng tắm công cộng không hoan nghênh người có hình xăm vì không muốn liên quan tới Yakuza hoặc các băng đảng xã hội đen khác.
- Không chạy nhảy, nói to, gây ồn ào trong phòng tắm, tránh làm ảnh hưởng tới người xung quanh.
- Không để khăn tắm hoặc quần áo trong bồn tắm chung.
- Không được giặt quần áo, đồ lót trong phòng tắm.
- Phụ nữ nên cột tóc gọn gàng trước khi vào bể ngâm để tránh tóc rụng làm bẩn nước ngâm.
- Lau khô người trước khi bước sang phòng thay đồ.
Tại các thành phố lớn của Nhật, nhiều sento mở cửa 24/24 để phục vụ du khách. Nơi đây cũng được nhiều người sử dụng như một nhà trọ bình dân vì sau khi tắm có thể ở lại nghỉ ngơi qua đêm.
Nếu có dịp tới thăm đất nước mặt trời mọc, hãy đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm văn hóa tắm chung tại các sento để hiểu hơn về về nét văn hoá độc đáo này.