Chiêu Quân là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy, Nam Quận, nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc.
Sử viết Chiêu Quân được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 50 trước công nguyên, đời vua Hán Nguyên đế.
Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt vua và chuyện đó cũng quá bình thường với một cung nữ nếu chúng ta đọc Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có đoạn:
Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân,
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi.
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ thu phong.
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi.
Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm,
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ.
Thâm khuê vắng ngắt như tờ,
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.
Thời đó, vua Hán có tam cung lục viện với hàng ngàn cung nữ nên không có thời gian để ân sủng từng người.
Để có thể ân sủng những cô gái xinh đẹp nhất trong cung thì Hán Nguyên Đế chơi kiểu xem tranh chọn người. Tức là mỗi khi vua cần ân sủng một cung nữ mới thì sẽ cho người dâng tranh xem mặt.
Tiếc là hồi đó chưa có máy ảnh nên để xem mặt qua tranh thì phải nhờ họa sỹ. Tay họa sỹ chuyên vẽ tranh cho vua Hán ngự lãm cung nữ là Mao Diên Thọ. Nhờ vai trò đó, Mao Diên Thọ bày trò tham nhũng với các cung nữ.
Ai chịu đút lót thì Mao Diên Thọ sẽ vẽ thật đẹp cho vua động lòng ân sủng còn ai mà không làm y vừa lòng thì sẽ vẽ cho thật xấu.
Chiêu Quân tự tin vào nhan sắc của mình sẽ được ân sủng nên không hối lộ Mao Diên Thọ. Kết quả là tay họa sỹ họ Mao đã vẽ cho Chiêu Quân thật xấu nên vua Hán trông thấy cũng ngó lơ.
Dương Mịch là nữ diễn viên từng rất thành công khi tái hiện lại hình ảnh mỹ nhân Vương Chiêu Quân (Ảnh minh họa).
Có giai thoại còn viết để Hán Nguyên Đế không thèm ngó ngàng Chiêu Quân, họ Mao đã điểm một giọt mực tạo thành nốt ruồi thương phu trích lệ, tức là nơi nước mắt chảy qua và bị coi là tướng sát phu. Họ Mao đã khiến Chiêu Quân không bao giờ được ân sủng.
Năm 33 trước công nguyên, vua Hung Nô là Hồ Hàn Tà cử người sang Hán xin làm thông gia. Đồng thời tỏ ý muốn kết hôn với công chúa nhà Hán để tăng tình hòa hiếu hai nước giống như Tần Tấn năm xưa.
Nhà Hán cũng sợ bị Hung Nô đánh nên chấp thuận ban hôn, tức là gả công chúa.
Không có công chúa nào đồng ý xuất cung đến nơi thảo mạc nên Hán Nguyên đế dùng kế nhận một cung nữ làm con gái rồi phong cho chức công chúa để gả cho Hô Hàn Tà.
Hán Nguyên Đế ra lệnh trong các cung nữ: Ai tình nguyện lấy thiền vu Hung Nô sẽ được coi như công chúa. Các cung nữ đều ngần ngại sang Hung Nô.
Chỉ có Chiêu Quân chán cảnh thâm cung lạnh lẽo nên tình nguyện lấy Hô Hàn Tà. Đến ngày ban hôn, Hán Nguyên đế thấy Chiêu Quân thật quá xinh đẹp thì lấy làm tiếc nhưng hối không kịp.
Đem so ảnh thì thấy họ Mao vẽ không giống người thật nên xử tội cho đỡ bực.
Trong 2 năm làm vợ của Hô Hàn Tà, Chiêu Quân cũng kịp 2 lần sinh cho vua Hung Nô hai đứa con. Hô Hàn Tà qua đời theo lệ của Hung Nô thì vua mới lên ngôi nạp luôn thiếp của cha và Chiêu Quân lại làm vợ của Phục Chu Luy Nhược Đề.
Sự hy sinh của Chiêu Quân giúp nhà Hán được yên ổn ở phía Bắc, khỏi bị Hung Nô đánh trong 60 năm.
Chẳng phải chỉ người Trung Quốc xót thương cho thân phận của Chiêu Quân mà người Việt Nam cũng thương cuộc đời của cô gái này. Nhà thơ Tản Đà khi thăm mộ Chiêu Quân từng có bài thơ Tế Chiêu Quân nổi tiếng với lời lẽ bi ai:
Cô ơi, cô đẹp nhất đời
Mà cô mệnh bạc, thợ trời cũng thua
Một đi từ biệt cung vua
Có về đâu nữa đất Hồ ngàn năm
Mả xanh còn giấu còn căm
Suối vàng lạnh lẽo cô nằm với ai
Má hồng để tiếc cho ai
Đời người như thế có hoài mất không?