Ngược lại, đây là tin xấu đối với các hãng sản xuất bao cao su tại nước này.
Các nhà đầu tư cược rằng mức tiêu thụ các sản phẩm liên quan tới trẻ sơ sinh và trẻ em sẽ tăng cao sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo các cặp vợ chồng được phép sinh thêm đứa con thứ hai hồi tuần rồi.
Các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse dự đoán quyết định này sẽ “cung cấp” thêm khoảng 3-6 triệu đứa bé/năm trong giai đoạn 5 năm, bắt đầu từ năm 2017.
Hiện quốc gia đông dân nhất thế giới (với 1,4 tỉ người) này đang có 16,5 triệu ca sinh nở mỗi năm.
Cũng theo ngân hàng trên, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ước tính khoảng 40.000 nhân dân tệ (NDT) mỗi năm.
Điều đó có nghĩa với thêm 3-6 triệu trẻ em ra đời, mỗi năm người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chi thêm 120-140 tỉ NDT, chiếm 4%-6% tổng doanh số bán lẻ của đất nước.
Y tá chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng số lượng các ca sinh nở có thể sẽ không nhiều như dự đoán bởi các bậc cha mẹ ngại chi phí nuôi con đắt đỏ và các lý do khác.
Chính sách một con của Trung Quốc được tiến hành từ năm 1979 nhằm kiềm chế mức độ gia tăng dân số trong thời gian nghèo đói hoành hành.
Sau quyết định nới lỏng trên, một trong những công ty được lợi nhất trên thị trường tài chính Trung Quốc là China Child Care Corp., chuyên sản xuất dầu gội và sữa tắm cho trẻ em. Giá cổ phiếu công ty đã tăng 40% trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Các nhà sản xuất sữa công thức tại Hồng Kông và Trung Quốc cũng có giá cổ phiếu tăng mạnh, dẫn đầu là công ty Beingmate Baby & Child Food Co., với mức tăng 10% trên sàn chứng khoán Thâm Quyến.
Giá cổ phiếu của công ty Goodbaby International, chuyên sản xuất xe đẩy, ghế phụ và nôi cho trẻ em, tăng vọt 7,4% hôm 29-10 và tiếp tục tăng thêm 2,3% vào hôm sau.
Một người đàn ông đang cho con bú ở trung tâm TP Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, giá cổ phiếu của công ty sản xuất bao cao su Nhật Bản Okamoto Industries Inc., một nhãn hiệu được người Trung Quốc ưa thích, giảm 10% tại Tokyo.
Các thương hiệu đến từ Nhật Bản và các nước khác rất phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc nhờ chất lượng tốt.
Đây là tiêu chí được dân Trung Quốc đặt lên hàng đầu sau hàng loạt scandal liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm của các hãng trong nước.
Ảnh hưởng của quyết định này lan xa tới tận New Zealand, nơi giá thành của các sản phẩm sữa đang tăng mạnh.
New Zealand là đất nước chuyên xuất khẩu các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm sữa bột, sữa công thức tại đây có vẻ sẽ hưởng lợi nhờ quyết định của Trung Quốc.