Mới đây, qua phân tích DNA một bộ xương chiến binh được chôn cất từ 2500 năm trước, các nhà khảo cổ và nhân chủng học vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện bộ xương này mang bộ gen của nam giới nhưng lại được chôn cất một cách trang nghiêm theo các nghi thức dành riêng cho... nữ chiến binh.
Đây rất có thể là bằng chứng cho thấy người chuyển giới đã hiện diện và được xã hội này trọng vọng từ tận 2500 năm về trước.
Đây là gương mặt mô phỏng của vị nữ chiến binh nói trên.
Bô xương được phát hiện trên dãy núi Altai (Altay), một dãy núi ở trung tâm châu Á, nằm trên khu vực biên giới Nga, Trung Quốc, Mông Cổ và Kazakhstan, và là thượng nguồn của các con sông lớn như Irtysh, Obi và Enisei.
Tên gọi khác của dãy núi này là Dãy núi vàng, trong ngôn ngữ Nga có hình tượng Núi Vàng chính là xuất phát từ nơi này, mang ý nghĩa là sự giàu có bao la, hạnh phúc và thịnh vượng không kể xiết.
Dãy núi Altai nổi tiếng với nhiều huyền tích và địa điểm đáng giá cho giới khảo cổ, mang đậm những giá trị văn hoá - khảo cổ, phản ánh chiều dài lịch sử của khu vực châu Á.
Báo cáo này lần đầu tiên được công bố trên Science First Hand, bởi hai tác giả Alexander Pilipenko (Viện Tế bào học và Di truyền học) và Tiến sĩ Natalia Polosmak (Viện Khảo cổ học và dân tộc học tại Chi nhánh Siberia của Viện khoa học Nga).
Theo các phân tích khảo cổ và nhân chủng học, người ta xác minh ngôi mộ trên thuộc về một nữ chiến binh ưu tú bởi các nguyên nhân:
1 - Theo văn hoá bản địa vào thời điểm đó (nền văn hoá Pazyryk), mộ của các chiến binh ưu tú của bộ lạc mới được trang trí bên trong bằng khiên, rìu chiến, cung tên.
Các vật dụng chiến đấu bày trí bên trong ngôi mộ của người này chứng minh cho khả năng chiến đấu và sự coi trọng từ tập thể.
2 - Người này đã được chôn cùng với vỏ ốc, là một nghi thức riêng khi chôn cất của nền văn hoá Pazyryk, chứng minh rằng cô được xem như một người phụ nữ trẻ thực thụ.
Vỏ ốc được xem như là một biểu tượng cho khả năng sinh sản nữ. Cỗ quan tài, gối gỗ và các chạm khắc đều nhỏ hơn so với mộ nam bình thường.
3 - Người phụ nữ này rõ ràng đã được tôn trọng trong bộ lạc của mình khi được chôn cùng với chín con ngựa làm vật cưỡi hộ tống đến thế giới bên kia.
Nghi thức này được dành cho những người đặc biệt được kính trọng trong bộ lạc.
Dựa trên các phân tích về nghi thức tẩm liệm và trang trí mộ, các nhà khảo cổ cho biết đây là một nữ chiến binh xuất sắc và được xã hội trọng vọng.
Một mô hình 3D sống động như thật được mô phỏng từ hộp sọ bộ xương đã được đặt làm cho Bảo tàng Palatinate ở Speyer, Đức. Đây có thể là bộ xương đầu tiên của một người chuyển giới nữ được phát hiện.
Khi đối chiếu với truyền thống và các tài liệu khảo cổ khác, người ta tìm thấy những điểm tương đồng cho thấy người chuyển giới từng được chấp nhận và thậm chí là trọng vọng trong nhiều nền văn minh khác nhau.
Như ở Hy Lạp cổ, người chuyển giới nữ thường là các tu sĩ với những quyền lực đặc biệt, phục vụ vị thần Artemis (nữ thần Mặt trăng, hay được gọi bằng tên khác là Diana theo văn hoá Rome).
Đồng thời, các truyền thuyết Hy Lạp cũng kể lại rất nhiều câu chuyện về các vị nam thần và nữ thần thay đổi giới tính.
Tiên tri mù Tiresias đã sống nhiều năm trong lốt cả nam giới và nữ giới, hay như chiến binh chuyển giới nam Kaineus được xem như là một "đối thủ của các vị thần”.
Một số nhà sử học cũng cho rằng, bộ lạc Amazon - một nhóm các chiến binh thường xung đột với người Hy Lạp, rất có thể là người lưỡng tính (Intersex: Người có sự phát triển không điển hình của các đặc điểm giới tính và sinh lý trên cơ thể) hoặc người chuyển giới.
Họ được người thời đó gọi là Androgynae - người kết hợp hai giới tính.
Câu hỏi đặt ra là, trong khi ở các nền văn minh trước, người chuyển giới đã từng hiện diện, có những vai trò nhất định và có phần được trọng vọng bởi những đóng góp thiết thực của họ, thì tại sao nền văn minh hiện tại lại phủ nhận sự tồn tại của nhóm dân số này với định kiến và kỳ thị?