Trong những ngày qua, dư luận Việt Nam, đặc biệt là lớp thanh niên, trí thức đã dành khá nhiều sự quan tâm cho một đề tài, đó là một số thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia sau khi du học ở nước ngoài có lựa chọn giải pháp trở về nước làm việc hay không?
Thí sinh Olympia chỉ là một bộ phận nhỏ trong số các du học sinh Việt Nam tìm đường ra nước ngoài học tập, mở mang kiến thức. Và phần đông trong số họ, không có ý định trở về nước cống hiến vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan.
Không chỉ ở Việt Nam mà tại đất nước Trung Quốc ngay sát vách chúng ta, vấn đề này cũng có những điểm khá tương đồng.
Ở Trung Quốc hiện nay, có một nhóm thanh niên 8X, 9X rời xa người thân, quyết định đến một vùng trời mới, lựa chọn một đất nước hoàn toàn xa lạ bắt đầu lại cuộc sống của họ.
Đối với những người này, sự thay đổi về nơi ở theo kiểu “xuyên quốc gia” này không phải là một lần chuyển nhà đơn giản.
Từ việc nỗ lực học một ngôn ngữ mới từ đầu, cố gắng hòa nhập với cuộc sống tại nơi đó, an cư lạc nghiệp, mỗi bước tiến của họ trong cuộc sống mới đều phải trải qua những trải nghiệm mất mát, hoang mang, chốn chạy và tranh đấu.
Thế nhưng, họ vẫn quyết định ở lại nơi đất khách thay vì trở về Trung Quốc. Đâu là nguyên nhân? Dưới đây là chia sẻ của một vài người Trung Quốc từng ra nước ngoài du học và chọn cách định cư ở nơi họ chỉ mới đặt chân đến vài năm.
Thích nền giáo dục tại nước ngoài
4 năm trước, Lý Văn (tên đã thay đổi) – cô sinh viên người Thâm Quyến đã hoàn thành chương trình đào tạo đại học trong nước và nhận được giấy thông báo trúng tuyển của trường đại học York, Canada.
Tân cử nhân này quyết định lên đường ra nước ngoài du học. Sau khi lấy được tấm bằng thạc sĩ, cô quyết định ở lại Canada sống và làm việc. Đây là một quyết định khó khăn với cô gái trẻ.
Với người dân Trung Quốc, Canada là điểm đến lý tưởng. Nhiều du học sinh sau khi hoàn thành chương trình học tập tại đây cũng tìm kiếm cơ hội ở lại làm việc.
“Nhà tôi ở Thâm Quyến, công việc của bố mẹ tôi đều khá ổn định. Về nước, tôi có nhà, có bạn bè, học xong thạc sĩ về nước, tôi cũng có thể tìm được một công việc để sống qua ngày”, Lý Văn thẳng thắn chia sẻ.
“Vứt bỏ” những thứ đó để ở lại nước ngoài, thực sự cô đã phải trải qua những đấu tranh nội tâm rất kịch liệt.
Tuy nhiên, cô hiểu rằng, sự cạnh tranh trong nước quá gay gắt, cùng với đó là môi trường sống không quá tốt, đặt biệt là với một thành phố như Thâm Quyến.
Với những người đào tạo ở nước ngoài về, với tấm bằng thạc sĩ trên tay, trung bình họ có thể kiếm được khoảng 2- 3 nghìn NDT, tốt hơn thì dao động ở 5 – 6 nghìn NDT, nguồn thu nhập này chẳng đủ để mua một căn hộ tại thành phố đắt đỏ nơi cô sinh ra và lớn lên.
“Nếu về Thâm Quyến mà không dựa vào bố mẹ tôi, có khi tôi làm 10 năm cũng chẳng thể đủ tiền mua một căn hộ”, Lý Văn cho hay. “Ở Canada áp lực ít hơn nhiều, những người lao động trí óc đều có thể tậu xe hơi, mua nhà.”
Sự cạnh tranh gay gắt trong công việc và môi trường sống không thực sự lý tưởng tại Trung Quốc hiện nay là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ có năng lực muốn ở lại nước ngoài sống và làm việc.
Ngoài ra, đối với một người hoàn thành chương trình giáo dục đại học trong nước, Lý Văn muốn con mình sau này được tiếp cận nền giáo dục tại Canada.
Hai năm học tại xứ người, cô đã được tiếp thu một nền giáo dục chú trọng đến việc nhào nặn nên nhân cách của con người.
“Giáo viên ở đây không quan tâm nhiều lắm đến điểm số của học sinh mà chú ý đến việc học sinh có hứng thú với tri thức hay không.
Họ không dùng một phương pháp để dạy vài trăm người, vô cùng cá tính hóa, cũng không dùng điểm số để đánh giá học sinh”, Lý Văn chia sẻ.
Không thể thích ứng được với phong cách sống trong nước
Năm 2012, Trương Tường (tên đã thay đổi) ở Thượng Hải, Trung Quốc nhận được giấy phép ở lại Australia lâu dài.
Tuy nhiên, để có được kết quả này, anh đã phải trải qua nhiều thử thách không nhỏ trong cuộc sống.
Ngay từ đầu, Trương Tường đã có ý định định cư tại Australia bằng con đường du học.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành quá trình học thạc sĩ chuyên ngành kế toán tại đại học Sydney, do chính phủ nước này thắt chặt luật nhập cư nên anh không thể kiếm cho mình được tấm “thẻ xanh” như tính toán ban đầu.
“Năm đó, chính phủ Australia yêu cầu trình độ IELTS phạt đạt 4.7, tôi đã thi 4 lần nhưng đều không qua”.
Không còn cách nào khác, Trương Tường trở về Thượng Hải và xin vào làm tại một công ty xuất nhập khẩu. Từ đây, anh được và buộc phải tiếp cận với thứ văn hóa “tạo mối quan hệ” trong công việc.
“Bất cứ việc gì cũng bắt đầu bằng việc tạo dựng các mối quan hệ”, Trương Tường cho hay.
Thời gian đó, ngày nào Trương cũng phải đi tiếp khách, đưa họ đi ăn, đi hát Karaoke, đến gần sáng mới trở về nhà. Ăn, uống và vui chơi quá nhiều, bản thân anh cũng phải chịu trách nhiệm với sức khỏe của mình.
“Tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi”, Trương Tường bắt đầu thấy nhớ những ngày sống ở Australia, bình thản, yên tĩnh, suy nghĩ về việc di cư lại xuất hiện trong đầu.
Cuộc sống nhẹ nhàng, bình thản, nền giáo dục chất lượng... ở các quốc gia phát triển luôn hấp dẫn các du học sinh châu Á nói chung và du học sinh Trung Quốc nói riêng.
Tuy nhiên, khi vợ anh xin được giấy phép định cư lâu dài ở Australia, anh lại cảm thấy có chút tiếc nuối. Bởi quyết định ra nước ngoài sinh sống, anh phải bỏ lại nhiều thứ đằng sau.
Hiện Trương Tường và gia đình nhỏ đã định cư ổn định tại Australia. Cả hai vợ chồng anh đều có công việc đem lại thu nhập ổn định.
“Nếu trở về nước, tôi có thể sẽ không thể nào thích nghi được với cách sống ở trong nước. Cảnh phải luồn cúi, tiếp khách đến khuya đã khiến tôi mệt mỏi và ngán ngẩm”.