Câu chuyện xúc động về luật nhân quả đáng đọc trong ngày đầu năm

Thu Trang |

Gieo nhân nào, gặt quả ấy. Trong cuộc sống, có những điều kỳ diệu xảy ra khiến chúng ta tin rằng luật nhân quả là có thật.

Chuyện kể vào cuối thế kỷ thứ 19, một người nông dân tên là Hugh Fleming đang ra đồng làm việc, bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu ở phía đầm lầy.

Ông vội vàng chạy tới thì thấy một cậu bé đang bị lún sâu trong bùn, sợ hãi, la hét và tìm cách thoát thân. Ông Hugh Fleming đã cứu sống cậu bé khỏi đầm lầy đáng sợ.

Sáng hôm sau, một nhà quý tộc tên là Lord Randolph Churchill tới nông trại của ông Hugh Fleming và giới thiệu mình là cha của cậu bé được ông cứu sống.

Ngài Randolph Churchill ngỏ ý muốn đền ơn ông Hugh Fleming nhưng ông từ chối. Đúng lúc đó, ngài Randolph Churchill nhìn thấy cậu bé Alexander, con ông Hugh Fleming chạy tới cửa lều.

Nhà quý tộc Churchill đã đề nghị được giúp đỡ con trai ông Hugh Fleming được học hành như con mình. Ông gửi cậu tới trường y danh tiếng và sau này cậu trở thành bác sĩ nổi tiếng, người đã tìm ra thuốc kháng sinh.


Bác sĩ là Alexander Fleming, người đã tìm ra thuốc kháng sinh.

Bác sĩ là Alexander Fleming, người đã tìm ra thuốc kháng sinh.

Nhiều năm sau, con trai ngài quý tộc bị sưng phổi và chính thuốc kháng sinh mà con trai của ông Hugh Fleming tìm ra đã cứu sống con trai ngài quý tộc một lần nữa.

Con trai ngài quý tộc chính là Sir Winston Churchill ( 30/11 / 1874 – 24/1 / 1965 ), một chính trị gia lỗi lạc và từng là một trong những vị Thủ tướng nổi tiếng nước Anh. Còn vị bác sĩ là Alexander Fleming ( 6/8 / 1881 – 11/3 / 1955 ), người đã tìm ra thuốc kháng sinh.

Hai người sau đó trở thành bạn thân cho tới cuối đời.


Sir Winston Churchill là một chính trị gia lỗi lạc và từng là Thủ tướng Anh.

Sir Winston Churchill là một chính trị gia lỗi lạc và từng là Thủ tướng Anh.

Có lẽ chưa cần bàn đến tính xác thực của câu chuyện này, nhưng nó là một câu chuyện ý nghĩa, hướng con người tới những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống. Vì sống ở đời, gieo nhân nào ắt gặt quả ấy.

Từ câu chuyện ở xứ Scoland xa xôi, nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân đã viết thành bài thơ rất dễ nhớ, dễ thuộc và đáng đọc về luật nhân quả trong những ngày đầu năm mới.

NHÂN QUẢ

Cuối thế kỷ mười chín

Ở Scôt-len, nước Anh,

Có bác nông dân nọ

Chăm chỉ và hiền lành.

Một hôm, đang làm ruộng,

Bỗng có người kêu to.

Thì ra một cậu bé

Đang chới với giữa hồ.

Bác nhảy xuống cứu cậu.

Một việc làm thường tình.

Rồi thản nhiên quay lại

Với công việc của mình.

Hôm sau, vừa đúng lúc

Trở về từ cánh đồng,

Có chiếc xe tam mã

Dừng trước cửa nhà ông.

Đó là bố cậu bé

Được bác cứu dưới hồ.

Một quí tộc giàu có,

Cũng là một quan to.

Sau mấy lời cảm tạ,

Nhà quí tộc hỏi ông:

“Tôi muốn giúp đỡ bác.

Bác có cần gì không?”

“Suốt đời tôi làm ruộng.

Vất vả nhưng đủ ăn.

Giờ tạm thời sống ổn.

Cảm ơn, tôi không cần.

Mà rồi cái chuyện ấy,

Chuyện cứu con trai ngài,

Bình thường và nghĩa vụ

Đối với bất kỳ ai”.

Giữa lúc ông quí tộc

Chẳng biết phải làm sao,

Thì có một cậu bé

Khoảng mười tuổi, bước bào.

“Đây là con trai bác?”

“Vâng, tất nhiên, con tôi.

Nó thông minh, chịu khó.

Một thằng bé không tồi”.

Ông quí tộc hỏi nó:

“Lớn lên cháu muốn gì?

Chắc cháu có dự định.

Vậy cho bác biết đi.”

Cậu bé khiêm tốn đáp:

“Là con nhà nông dân,

Thì cháu, cũng như bố,

Làm ruộng để kiếm ăn.”

“Không lẽ cháu không có

Mong ước lớn hơn sao?”

“Nhưng nhà cháu nghèo thế

Còn biết làm thế nào?”

“Tốt, nhưng nếu cháu có

Một chiếc đũa thần kỳ,

Muốn ước gì được ấy.

Vậy cháu sẽ ước gì?”

“Cháu muốn được đi học,

Học thật giỏi, và rồi

Thành một bác sĩ giỏi

Chữa bệnh cho mọi người”.

Liền quay sang người bố,

Ông quí tộc nói ngay:

“Thưa bác, tôi xin có

Một đề nghị thế này:

Bác cho tôi chu cấp

Việc con bác học hành,

Như tôi đã và sẽ

Lo cho con trai mình”.

Bác nông dân đồng ý.

Chẳng còn gì tốt hơn.

Và rồi con trai bác

Được gửi đến London.

Học ở trường tốt nhất,

Trường y Saint - Marie.

Cậu học rất chăm chỉ,

Đứng đầu các kỳ thi.

Nhờ hoài bão to lớn,

Tận tụy và nhiệt tình,

Cậu trở thành bác sĩ

Alexander Fleming.

Người được cả thế giới

Mang ơn và tôn vinh

Năm Một Chín Hai Bảy,

Chế ra thuốc kháng sinh.

Nó - đặc trị diệt khuẩn,

Một loại thuốc diệu kỳ,

Một bước ngoặt vĩ đại

Trong ngành dược, ngành y.

Vài năm sau, cậu bé

Suýt chết đuối dưới hồ

Mắc bệnh viêm phổi nặng,

Lên cơn sốt và ho.

May nhờ loại thuốc mới,

Thuốc pénicilline,

Cậu nhanh chóng khỏi bệnh.

Cậu - Winston Churchill.

Cậu, nhiều năm sau đó

Thành con người lừng danh,

Một nhân vật vĩ đại,

Là thủ tướng nước Anh.

Họ, một người bác sĩ.

Một người chính trị gia,

Thành đôi bạn thân thiết

Cho đến tận tuổi già.

*

Lại thêm một thí dụ

Về nhân quả ở đời,

Về quan hệ tương hỗ

Giữa người sống với người.

Nhà thơ, nhà giáo, dịch giả Thái Bá Tân sinh ngày 27/2/1949, tại Diễn Lộc, Diễn Châu, Nghệ An, thuộc dòng họ Thái, được coi là hậu duệ của Tao Đàn Phó Nguyên Soái Thái Thuận dưới triều Lê Thánh Tông. Ông Thái Bá Tân từng học Đại học ngoại ngữ Moscow, làm phiên dịch tiếng Anh, tiếng Nga ở Bộ Thủy sản, giảng viên tiếng Anh và văn học Anh tại Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, cán bộ biên tập của NXB Lao Động, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản khoảng 70 đầu sách, gồm thơ dịch, truyện ngắn và thơ sáng tác.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại