Ám ảnh “hắc hài tử”

Huệ Bình |

Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc ngày 2-11 khẳng định chính sách một con vẫn được thực thi cho đến khi Quốc hội thông qua việc cho phép các cặp vợ chồng sinh 2 con tại kỳ họp vào tháng 3-2016.

Thông báo nới lỏng chính sách một con áp dụng từ năm 1979 mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra vào tuần trước một lần nữa nhắc nhớ những vết thương lòng đã hằn sâu trong xã hội nước này suốt 35 năm qua.

Khi nghe tin, bà mẹ trẻ Phùng Kiến Mai ở tỉnh Thiểm Tây chỉ biết thở dài, buông thõng câu nói: “Lẽ ra nên được thực hiện từ cách đây rất lâu rồi”.

Cô Phùng bị buộc phải phá thai khi đang ở tháng thứ 7 hồi năm 2012 vì không thể trả khoản tiền phạt 6.300 USD để nhận giấy phép sinh con thứ hai.

Chồng cô Phùng kể rằng vợ mình đau buồn và đổ bệnh trong thời gian dài, còn đứa con gái nhỏ luôn hỏi em trai của con đâu.

“Chúng tôi không thể nói gì khác ngoài việc bảo em của con đã ở trên thiên đường. Con bé hỏi tiếp thiên đường trông như thế nào…” - người chồng nhớ lại.

Một người đàn ông khác ở tỉnh Hồ Nam kể rằng việc phải phá thai bỏ đứa con thứ hai chưa lọt lòng vào năm 2011 đã khiến vợ ông bị chấn động tinh thần đến cực điểm.


Cô Phùng Kiến Mai bị buộc phải phá thai khi đang ở tháng thứ 7 Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cô Phùng Kiến Mai bị buộc phải phá thai khi đang ở tháng thứ 7 Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Chính sách cay nghiệt ấy đã tạo ra một lứa công dân “sinh ngoài kế hoạch” bị ghẻ lạnh, được gọi là “hắc hài tử” (những đứa con đen).

Một số gia đình bí mật sinh con dù không đủ tiền nộp phạt và những đứa trẻ ấy chẳng có bất cứ giấy tờ tùy thân nào.

Họ không có quyền học hành, không được hưởng dịch vụ y tế và khó kiếm một công việc chính thức. Ngay cả có kết hôn đi nữa thì cuộc hôn nhân cũng bị liệt vào hàng bất hợp pháp.

Một cô gái 22 tuổi họ Lý chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Bắc Kinh song không có bất kỳ quyền nào như những công dân Trung Quốc khác.

Chẳng có gì ở Trung Quốc có thể chứng minh tôi tồn tại”. Báo The New York Times dẫn lời nhà nghiên cứu của chính phủ Vạn Hải Toàn ước tính hiện có 6,5 triệu người không có giấy khai sinh như trên.

Dù vậy, nhiều gia đình tỏ ra ngần ngại với ý định có thêm con, phần vì khả năng tài chính hạn chế, phần vì muốn dành thời gian rảnh rỗi cho bản thân.

Đó là lý lẽ của Tiểu Lý, một viên chức chính phủ 32 tuổi sống cùng chồng và đứa con trai 6 tuổi tại Bắc Kinh.

Đồng quan điểm, dù thuộc tầng lớp trung lưu và hiện làm việc tại công ty nước ngoài nhưng ông Dương Đào cũng nghĩ một đứa con là đủ vì để nuôi dạy nó, ông như “kiệt sức”.

Các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse (Thụy Sĩ) ước tính chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc là khoảng 40.000 nhân dân tệ (NDT)/năm.

Cũng theo ngân hàng này, quyết định nới lỏng chính sách 1 con sẽ “cung cấp” thêm cho Trung Quốc khoảng 3-6 triệu đứa bé/năm trong giai đoạn 5 năm, bắt đầu từ năm 2017. Hiện quốc gia đông dân nhất thế giới đang có 16,5 triệu ca sinh nở mỗi năm.

Điều đó có nghĩa với thêm 3-6 triệu trẻ em ra đời, mỗi năm người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chi thêm 120-140 tỉ NDT, chiếm 4%-6% tổng doanh số bán lẻ của đất nước.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại