Tuần dương hạm mang tên lửa có điều khiển USS Milius (DDG-69) được điều tới Nhật Bản nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng Mỹ thường trú tại khu vực Đông Bắc Á. Tuần dương hạm này của Hải quân Mỹ tới Nhật Bản ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, dự kiến diễn ra vào 12/6 tới.
Việc triển khai tuần dương hạm USS Milius tới Hạm đội 7 bị hoãn lại gần 1 năm do Mỹ thực hiện công tác nâng cấp hệ thống phòng không Aegis của chiến hạm này.
Sau khi rời San Diego vào ngày 20/4, tuần dương hạm USS Milius tới căn cứ hải quân Yokosuka vào ngày 23/5, tham gia vào biên đội 13 chiến hạm của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76).
Hạm đội 7 Hải quân Mỹ từng ở trong tình trạng thiếu hụt chiến hạm mang tên lửa có điều khiển sau khi 2 tuần dương hạm của hạm đội này bị hư hại nghiêm trọng vì đâm va với các tàu thương mại vào năm 2017.
Tuần dương hạm USS Milius tới Nhật Bản vào đúng thời điểm có tính chất quan trọng với quan hệ Mỹ - Triều, tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên tuần dương hạm này được triển khai ở khu vực Đông Bắc Á. Năm 2014, tuần dương hạm USS Milius được triển khai đến khu vực tây Thái Bình Dương trong vòng 250 ngày.
Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ có căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản, với các đơn vị đóng gần Hàn Quốc và Nhật Bản. Hạm đội này được đặt dưới quyền chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương. Hiện tại đây là hạm đội lớn nhất trong các hạm đội triển khai tiền phương của Hoa Kỳ, với 50-60 chiến hạm, 350 máy bay và 60.000 nhân sự hải quân và thủy quân lục chiến.